'Giải cứu' cậu bé nghiện uống xăng

'Giải cứu' cậu bé nghiện uống xăng
Ngày 2-7, PV cùng một số nhà từ thiện đã trở lại ấp 1, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An - nơi số phận của cậu bé Hồ Văn Thạo, bị câm điếc bẩm sinh và mang chứng nghiện uống xăng, vẫn long đong bởi sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

'Giải cứu' cậu bé nghiện uống xăng

> Chuyện cậu bé nghiện uống… xăng

Ngày 2-7, PV cùng một số nhà từ thiện đã trở lại ấp 1, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An - nơi số phận của cậu bé Hồ Văn Thạo, bị câm điếc bẩm sinh và mang chứng nghiện uống xăng, vẫn long đong bởi sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

 Hai bà cháu Thạo (giữa) cùng ông Tường (bìa phải) và bác sĩ Quang trước khi lên TP.HCM. Ảnh: Như Lịch
Hai bà cháu Thạo (giữa) cùng ông Tường (bìa phải) và bác sĩ Quang trước khi lên TP.HCM. Ảnh: Như Lịch.

Chuyến đi đã trở thành cuộc “giải cứu” bởi những tình tiết bất ngờ, nếu không muốn nói là ly kỳ.

Bỏ trốn vì sợ… mổ bụng

Họ dọa thằng Thạo sẽ bị mấy cô chú xuống mổ bụng, tui sợ quá nên dẫn nó trốn trong bộng tràm"

Bà Hồ thị sáu

Ngoài người viết, đoàn gồm có ông Nguyễn Trọng Tường - Việt kiều Úc, hiện là Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn tiếp thị quốc tế CMI Vietnam (Q.Tân Bình, TP.HCM); bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.HCM. Sau khi đọc bài báo Cậu bé nghiện uống... xăng (Thanh Niên số ra ngày 31-5-2011), hai vị này quyết tâm “cứu” cuộc đời Thạo thoát khỏi bi kịch triền miên. Ông Tường đi đầu trong việc đóng góp và vận động nhóm bạn bè Việt kiều thân hữu giúp đỡ Thạo. BS Quang thì không chỉ tham gia hỗ trợ về vật chất mà còn nhiệt tình liên lạc, tìm kiếm nơi thuận tiện nhất để khám bệnh cho Thạo...

Từ UBND xã Bình Phong Thạnh, chúng tôi thuê xe máy và cùng một người xe ôm vào ấp 1. Ông Tường đèo BS Quang vượt qua những chiếc cầu xây theo kiểu… thót tim. Trải qua gần 10 cây số đường đất với nhiều đoạn quanh co, chúng tôi gửi xe máy để lội bộ. Cả vị BS lẫn người Việt kiều đều mướt mồ hôi khiêng hàng hóa, trầy trật băng qua những đám cỏ um tùm để đến căn nhà Thạo nằm biệt lập giữa cánh đồng.

Vừa đến nơi, chúng tôi sững sờ khi nghe bà Diệu - cô ruột của Thạo thông báo: "Người ta đồn BS ở thành phố xuống... mổ bụng thằng Thạo để khám xét, nên má tui đã dẫn nó đi trốn từ 3 giờ sáng rồi!”.

Chúng tôi thuyết phục bà Diệu giao cháu nhỏ cho chúng tôi, còn bà ra ruộng nhờ đứa con trai chạy xuồng đi kiếm hai bà cháu Thạo. Mặc dù ra sức vỗ về và đem nhiều bịch kẹo ra “dụ”, càng lúc chúng tôi càng cảm thấy bất lực trước tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé. Trong khi đó, những-chủ-nhân-người-lớn của căn nhà vẫn biệt vô âm tín...

Ông Tường và BS Quang cứ xót xa trước cảnh xơ xác, hoang tàn ở ngôi nhà Thạo sống. Đây là nơi trú ngụ của 7 con người, trong đó có ít nhất 6 người có dấu hiệu tâm thần phát triển bất bình thường. Căn nhà trống huơ trống hoác, không hề có cửa. Nền nhà bằng đất chỗ lồi chỗ lõm. Trên bộ ván, bừa bộn đống chăn chiếu cũ bốc mùi chua. Cái máng hứng nước mưa đặt trên mấy chum vại cạn đáy. Sau khi quan sát kỹ căn nhà và trầm ngâm trước chái bếp lạnh tanh với vài cái nồi không chỏng chơ, ông Tường thốt lên: “Tôi không biết họ ăn uống ra sao, vì chẳng thấy hiện diện chút thực phẩm nào!”. Đồng hồ lúc đó đã chỉ 12 giờ trưa.

Chờ đợi mỏi mòn, chúng tôi mừng rỡ khi thấy bà cháu Thạo lóp ngóp bước lên từ bờ kênh sau nhà. Bà Hồ Thị Sáu (bà nội của Thạo) bước thấp bước cao, mếu máo: “Họ dọa thằng Thạo sẽ bị mấy cô chú xuống mổ bụng, tui sợ quá nên dẫn nó trốn trong bộng tràm”. Bà Nguyễn Thị Muôn, ngụ gần chỗ “ẩn nấp” của bà cháu Thạo kể: “Tui mở ti vi có chiếu mấy chương trình từ thiện cho bà Sáu coi, nói người ta có ý tốt muốn giúp đỡ thằng Thạo chứ không ai nỡ bắt cóc bán buôn chi nó. Nói riết bả mới hơi xuôi xuôi”. Bà Muôn chép miệng: “Không biết ai đồn ác nhơn quá vậy!”.

 PV Như Lịch tại căn chòi rách nát của bà cháu Thạo
PV Như Lịch tại căn chòi rách nát của bà cháu Thạo.
Vật lộn với lục bình trong cuộc
Vật lộn với lục bình trong cuộc "giải cứu". Ảnh: Như Lịch.

“Tarzan” ra phố

Tiếng hú giữa phố

Tối 3-7, PV đã đưa Thạo và bà Sáu đi chơi ở khu vực Công viên Lê Thị Riêng, Q.10, TP.HCM. Cậu bé này rất hiếu động, cứ nhảy choi choi hoặc vụt chạy qua đường, bất chấp xe cộ đông đúc. Thạo cũng hay chỉ trỏ những chiếc xe taxi và cao ốc có đèn chớp nháy. Nhìn ngắm nhiều cửa hiệu nhưng cậu bé đặc biệt thích thú với những nơi bày bán các loại sơn móng tay móng chân. Đôi dép quả là vật khó chịu và xa lạ với cậu bé chân trần suốt 15 năm qua, nên cậu thường mang dép trái. Dù còn mang đậm bản tính hoang dã, song mỗi lần Thạo thử áo quần đều yêu cầu phải có màn che. Tiệm nào không có, Thạo lấy cái khăn choàng cổ của bà nội quấn quanh người.

Mỗi lần chúng tôi đi cách nhau một đoạn, Thạo cất tiếng hú gọi. Đã thành thói quen những khi gặp Thạo nên tôi cũng… cất tiếng hú đáp lại. Trước đó, tôi đã cẩn thận ghi những địa chỉ cần liên lạc vào tờ giấy rồi bọc kỹ trong túi quần của Thạo, phòng trường hợp cậu bé bị lạc giữa phố phường.

Trời bỗng đổ mưa lớn. Nhờ những người hàng xóm nhỏ to tâm sự, bà Sáu đồng ý đưa Thạo đi cùng xe hơi do ông Tường thuê, cùng chúng tôi lên TP.HCM khám bệnh. Chúng tôi thống nhất chia làm hai nhánh: một nhóm bám sát bà cháu Thạo trên chiếc vỏ lãi (xuồng); một nhóm “xử lý” hai chiếc xe gắn máy trên con đường trơn như mỡ trong mưa.

Sau một giờ vật lộn với đám lục bình giăng kín một số đoạn kênh, cuối cùng chiếc vỏ lãi cũng đưa được bà cháu Thạo ra điểm tập kết. Thành viên trong đoàn vội vã mua tạm hai đôi dép cho “hai bà cháu chân trần” kèm bộ áo quần mới cho Thạo vì quần áo của em đã quá te tua.

Hơn 3 giờ chiều, xe mới lăn bánh. Nhiều người dân biết chuyện, kéo nhau đến thăm hỏi. Dọc đường, mấy lần Thạo đập tay chúng tôi, ra dấu bảo bà nội đang khóc. Em còn đặt tay lên sờ trán nội. “Ra thành phố, người ta có nhốt thằng Thạo không? Tui có được đi thăm nó không?...”. Bao nhiêu lời giải thích vẫn chưa thể khiến người phụ nữ một đời lam lũ này hoàn toàn yên tâm. Một người trong đoàn nhận xét: “Vậy là có đến hai người bệnh cần chăm sóc, chứ không chỉ mình Thạo”.

Theo phân tích của BS Quang, do Thạo đã quen lối sống hoang dại, suốt ngày chui lủi ở trong lùm ngoài ruộng nên sẽ không dễ hòa nhập với lối sống phố thị. Trước khi chia tay nhau, chúng tôi vào một quán cà phê ở Q.Bình Thạnh để họp bàn kế hoạch những ngày tới. Mấy bạn trẻ phục vụ trong quán nhận ra Thạo là “cậu bé uống xăng” đăng trên Báo Thanh Niên và đòi… xin chữ ký. Lúc này, ông Tường dẫn Thạo ra ngắm mảnh vườn trong quán. Như minh chứng lời BS Quang, nhanh như chớp, “người rừng hoang dã tarzan” này cởi quần đứng tiểu tỉnh bơ, bất kể sự mắc cỡ của mấy cô phục vụ.

Trong thời gian Thạo khám bệnh ở TP.HCM, ông Tường đưa hai bà cháu về sống chung với ông. Tối 3-7, ông Tường gọi điện kể cho tôi nghe một chuyện vui: Dù đã được hướng dẫn kỹ và cậu bé cũng tỏ ra có nhận thức, song Thạo đã tạo ra “một trận lụt” trong nhà ông khi vô tình làm đứt ống dẫn nước.

Ngày 4-7, Thạo được đưa đi xét nghiệm máu và giám định sức khỏe tâm thần. Tiếp đó, BS Quang, ông Tường và chúng tôi bàn bạc lo tìm một trường khuyết tật nào đấy để có thể gửi Thạo vào.

Trao đổi với PV, một cán bộ làm trong ngành LĐ-TB-XH tại TP.HCM khẳng định trường hợp em Thạo hoàn toàn có đủ điều kiện để hưởng chính sách bảo trợ, nuôi dưỡng trong một cơ sở xã hội trên địa bàn tỉnh Long An. Bởi lẽ, Thạo bị câm điếc bẩm sinh, dưới 18 tuổi (Thạo sinh năm 1996), hoàn cảnh gia đình quá ngặt nghèo. Vậy mà, suốt 15 năm qua, cậu bé bất hạnh này không hề nhận được hỗ trợ nào từ địa phương, ngay cả sau khi chúng tôi phát hiện vụ việc và đưa lên báo!

Theo Như Lịch
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG