Đang học năm thứ 3 tại ĐH FPT và sắp trở thành cử nhân công nghệ thông tin (CNTT) với tương lai đầy hứa hẹn, Vũ Đình Thắng (SN 1988) đột nhiên chọn lối vào đời qua những bước nhảy. Thắng bỏ bê ngành học CNTT để hằng ngày đến sàn tập múa cùng những em nhỏ tuổi 9-10.
Lối rẽ
Tham gia cuộc thi ở trường với nhóm nhảy ngẫu hứng mà cậu làm đội trưởng, Thắng không ngờ cuộc dạo chơi ấy chính là lối rẽ trong đời. Từ những bài tập nhảy hip hop, Thắng tìm hiểu và đam mê. Nhóm nhảy của Thắng bất ngờ giành giải nhất. Từ đó, Thắng đam mê khám phá các động tác nhảy. Bắt đầu là hip hop, rồi hip hop jazz, Thắng nhịn tiêu vặt, nhịn cà phê với bạn bè, nhịn ăn sáng để dành tiền đến các khóa học nhảy. Thắng đánh bóng mặt đường bởi những điệu nhảy, thường xuyên có mặt ở công viên để luyện tập.
Đánh dấu thành quả 6 tháng tập luyện, Thắng giành giải nhất đơn nam trong cuộc thi nhảy hip hop do ĐH Luật tổ chức. Thắng cho biết đang chạy theo đam mê và làm những gì mình muốn, khi sức khỏe không cho phép, CNTT là bước lùi an toàn để mưu sinh.
Cái tên Thắng mamazola ngày càng nổi tiếng trong giới trẻ với những điệu nhảy hip hop lôi cuốn, sáng tạo. Cơ hội tham gia biểu diễn tại các sự kiện lớn đến với Thắng thường xuyên hơn giúp cậu trải nghiệm. Thắng còn làm vũ sư cho một số lớp học nhảy.
Khi tìm thấy đam mê, Thắng nhiều đêm trăn trở đến mất ngủ. Sắp nhận bằng cử nhân CNTT, để có công việc ổn định, mức lương cao không khó, nhưng nếu theo nghề này, Thắng thấy cuộc sống nhàm chán... “Khi rời trường phổ thông, tôi không thích làm về kinh tế hay marketing.
Chọn học CNTT, nhưng tôi chưa định hình rõ mình muốn gì, làm gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản học và làm. 20 tuổi mới tìm ra được đúng lĩnh vực mình thích và theo đuổi, tôi nghĩ chưa phải là muộn để bắt đầu lại. Có đam mê, bạn sẽ có động lực để làm và dấn thân”, Thắng lý giải.
Giấu ông bà và cô để đi học nhảy, học múa, Thắng tin rằng khi thành công với đam mê của mình, chắc mọi người sẽ hiểu và ủng hộ.
Khổng lồ và tí hon
Trong lớp học bale, Thắng được ví như gã khổng lồ giữa những người tí hon. Chàng trai cao hơn 1,7 m tập cùng các em thiếu nhi nữ luôn gây tò mò với những ai đi qua lớp tập múa bale của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (Mai Dịch - Hà Nội). Trong lớp không có bạn nam nào cùng độ tuổi, nên ít khi trò chuyện, trao đổi, Thắng thấy ngại và nản, nhưng xác định bale cần thiết để tạo nền tảng nên quyết vượt qua.
Miệt mài, kiên trì, Thắng học xong 4 khóa học múa bale và múa bụng trong 8 tháng. Được cô giáo khích lệ, có thể phát triển khả năng nếu đi theo môi trường chuyên nghiệp, Thắng quyết định thi vào Trường Cao đẳng Múa Việt Nam hệ 3 năm trong khi chỉ vài tháng nữa sẽ có bằng cử nhân CNTT. “Nếu đỗ vào trường, tôi sẽ cố gắng tập luyện để rút ngắn thời gian học xuống còn 2 năm”, Thắng nói.
Hip hop phong cách Việt
Tìm hiểu sâu về hip hop ở Việt Nam, Thắng nhận thấy hip hop đã có ở Việt Nam 20 năm nhưng nhiều bạn trẻ chưa định hình phong cách Việt. Các bài nhảy vẫn là sự đan xen của các điệu nhảy của nhiều nước.
“Nói đến hip hop Mỹ, người ta nhắc đến những điệu nhảy sôi động, nhanh, gọn; hip hop Nhật là các động tác hơi quái dị; hip hop Hàn Quốc đặc trưng bởi vũ đạo hình thể, sự kết hợp nhuần nhuyễn của đồng đội trong tạo hình. Còn nhảy cho ra chất Việt Nam là thế nào, rất khó nói, chưa có một phong cách cụ thể”, Thắng nhận định.
Thắng muốn đưa chất dân tộc vào trong các điệu nhảy hip hop bằng cách có thể mang chất khoan thai, nhẹ nhàng của các điệu múa dân gian vào trong hip hop; kết hợp múa bale, múa đương đại, sử dụng nhạc dân tộc trong hip hop...
Ít ai biết, hoàn cảnh Thắng rất khó khăn. Để sống với đam mê, Thắng phải mất nhiều thời gian đấu tranh tư tưởng và vượt lên hoàn cảnh. Mẹ mất sớm, bố bị mất sức lao động, Thắng và em gái sống cùng ông bà nội chỉ trông chờ lương hưu. Học phí ở ĐH FPT, Thắng được cô ruột đóng cho. |