Nghề nóng, kén người

Nghề nóng, kén người
Làm công việc tiếp viên nhưng được tuyển chọn khắt khe về ngoại hình, học thức, ứng xử.
Geisha có nguồn gốc từ Nhật Bản (Ảnh minh họa - Nguồn Internet).
Geisha có nguồn gốc từ Nhật Bản (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)..

Geisha - nghệ giả, nghĩa đen là con người của nghệ thuật, là nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện. Nghề geisha là một nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật.

Để trở thành một geisha thực thụ, thiếu nữ Nhật phải trải qua quá trình đào tạo bài bản, công phu: học những nhạc cụ truyền thống như shamisen, shakuhachi (sáo trúc), trống, cũng như những bài hát truyền thống, múa cổ điển Nhật, trà đạo, ikebana (cắm hoa Nhật), văn học và thơ ca.

Nghề “hot”

Ở Nhật - nơi sinh ra nghề geisha, ngày nay hiếm khi nhìn thấy geisha thì ở Việt Nam, cụ thể là ở TP.HCM nở rộ lên những nhà hàng, quán bar Nhật với nhiều cô gái đẹp được gọi là “geisha Việt”. Long trọng hơn, dịp cuối năm, các nhà hàng, quán bar Nhật lại tổ chức cuộc thi Miss Geisha khá hào nhoáng.

Các geisha tham dự với màn trình diễn duy nhất là trang phục áo dài. Ban giám khảo chính là các ông (bà) chủ cùng một số vị khách VIP. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về số người làm tiếp viên dưới hình thức geisha trong các nhà hàng, quán bar mang phong cách Nhật trên địa bàn thành phố.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện có khoảng 40 cơ sở dịch vụ giải trí cho nam giới có tiếp viên, đó là chưa kể những quán rượu rẻ tiền. Chỉ tính tại 40 cơ sở này đã có đến gần 2.000 geisha. Geisha đang là sự lựa chọn, mong ước nghề nghiệp của nhiều cô gái trẻ. Nhưng muốn làm geisha cũng không dễ, tiêu chuẩn lựa chọn rất khắt khe.

Đẹp, có học, đạo đức

Cô Azumi (mỗi gheisha thường lấy một cái tên bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh) có bốn năm làm geisha nhớ lại:

“Lần đầu mang hồ sơ đến phỏng vấn, tôi khá ngạc nhiên với khái niệm geisha ở Việt Nam. Tôi hình dung ra nó cũng tựa như công việc của những nữ tiếp viên khác. Nhưng khác ở chỗ: để làm nữ tiếp viên thông thường, bạn chỉ cần có ngoại hình đẹp thì làm geisha bạn cần có những tiêu chuẩn cao hơn, ví như yêu cầu về trình độ văn hóa, trình độ ngoại ngữ… cứ như nhân viên văn phòng hành chính vậy!”.

Các geisha Việt trong cuộc thi Miss Geisha. Ảnh: T.Thủy
Các geisha Việt trong cuộc thi Miss Geisha. Ảnh: T.Thủy.

Anh D., quản lý nhà hàng HS, quận 1, quả quyết: “Lọt vào thế giới này không dễ nếu như bạn không đẹp, không tốt nghiệp THPT, không giao tiếp được bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh và không có phẩm chất đạo đức tốt”. Anh cho biết hầu hết nhân viên trong nhà hàng HS hiện đều là sinh viên của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố. Một số trường hợp đã tốt nghiệp ĐH cũng nộp hồ sơ xin làm ở đây.

“Để trở thành geisha, bạn phải học cách phục vụ khách, mọi thao tác đều phải thể hiện thái độ trân trọng, nhún nhường, lễ phép. Những ngày đầu tôi được học cách quẹt mồi (châm) thuốc lá, cách rót rượu hoặc các đồ uống, cả cách đáp ứng các nhu cầu chuyện trò với khách và đặc biệt phải biết hát khi khách có nhu cầu giải trí bằng hình thức hát với piano hoặc hát karaoke” - Azumi cho biết.

Thông thường, HS có khoảng 20 geisha làm việc trong một đêm, tuy nhiên số lượng geisha ở các nhà hàng, quán bar khác có thể đông hoặc ít hơn tùy vào quy mô của nhà hàng đó.

Vắt sức để có thu nhập cao

Anh D. cho biết: “Mức lương trung bình của geisha tùy thuộc vào khả năng ngoại ngữ: biết nói tiếng Nhật được 2,5 triệu đồng/tháng, biết nói tiếng Anh được 2,3 triệu đồng/tháng và còn phụ thuộc vào cả ngoại hình, sự khéo léo của họ”.

“Để đạt được mức thu nhập 5-10 triệu đồng/tháng cho 5 giờ làm việc mỗi ngày không phải là điều dễ dàng! Công việc của tôi hằng ngày bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc lúc 24 giờ. Cũng có khi là 1-2 giờ sáng bởi những vị khách ham vui không chịu về và chúng tôi buộc phải ở lại để tiếp chuyện với họ” - Yuki, geisha xinh đẹp của nhà hàng HS, nói về công việc của cô ấy.

Cứ hai người sẽ gác một ca (mỗi geisha cầm một chiếc nón đứng hai bên cánh cổng), 15 phút/ca, cứ thế xoay vòng. Công việc này bắt đầu từ 20 giờ và kết thúc vào 22 giờ. Số geisha còn lại ngồi thành hai hàng ngay ngắn ngay trước cánh cửa chính, không nói chuyện, không dùng điện thoại trong suốt quá trình làm việc.

Khi có khách, toàn bộ geisha sẽ vào phòng để khách xem mặt, lựa chọn. Nếu khách không có yêu cầu lựa chọn thì quản lý sẽ tự điều hai geisha ngồi với một khách.

Đằng sau vẻ sang trọng, trang nhã, cuộc đời geisha Việt rất ngắn ngủi với những nội quy lao động nghiêm khắc, sự cạnh tranh khốc liệt. Mỗi geisha mang một khát vọng đời từ những nỗi bất hạnh riêng nhưng họ có chung một tương lai… mịt mờ, thăm thẳm…

“Ở Nhật, để trở thành geisha, phải trải qua một quá trình rèn luyện khắt khe. Những cô gái muốn trở thành geisha sẽ được giới thiệu tới bà chủ của quán trà đạo. Bà chủ của quán trà (okami) sau đó sẽ nói chuyện với cha mẹ cô gái và giải thích cho họ về quá trình đào tạo geisha.

Khi đã được chấp nhận, cô gái sẽ dọn vào ở ngay trong quán trà và bắt đầu quá trình đào tạo khắc nghiệt. Một điều cần thiết nữa là cô gái buộc phải tốt nghiệp cấp hai trở lên. Một khi đã chọn nghề này, cô gái phải theo nó ít nhất là năm, sáu năm.

Sau khoảng nửa năm học tập, cô sẽ trở thành một young geisha, gọi là maiko. Thường khi 20 tuổi, các maiko sẽ phải quyết định liệu mình có tiếp tục công việc để trở thành geisha hay không.

Dù ở Việt Nam hay Nhật, chúng tôi đều có các nội quy làm việc chung áp dụng cho tất cả cô gái. Mức lương của những nữ tiếp viên ở Nhật đương nhiên cao hơn những cô gái làm cùng nghề ở Việt Nam. Một maiko có thể kiếm được 100.000-300.000 USD/năm. Nếu làm theo giờ thì tiếp viên được trả ít nhất là 20-30 USD/giờ.

Bà TAKUKO, chủ của quán bar TKO trên đường Ngô Văn Năm

Theo Thu Thủy
Pháp luật TP.HCM

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
TPO - Vài năm lại đây, Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Việt đã chọn cỗ chay thay vì mâm cỗ mặn truyền thống, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa dinh dưỡng, thanh lọc cơ thể đồng thời tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người băn khoăn liệu cúng chay có trái với văn hoá tâm linh người Việt và làm giảm đi sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, gia tiên?