Bi kịch “hành xác” của giới trẻ

Bi kịch “hành xác” của giới trẻ
Buồn nản và thấy chán ghét tất cả mọi thứ. Bố mẹ thì cãi nhau, gia đình bề bộn, cuộc đời chỉ toàn nước mắt. Đó là lời tâm sự của một cô gái trẻ. Cô không chịu được cảnh đó, đầu óc lúc nào cũng bị ức chế. Từ đó, cô muốn sống khép kín, chẳng quan hệ với ai cho đến một ngày gặp đứa bạn, nó nghĩ ra trò tự rạch tay cho máu chảy ra.
Ghê rợn mốt rạch tay
Ghê rợn mốt rạch tay.

Cô cũng rạch và thấy sợ, chỉ vài lần sau lại thấy thích thú, bớt buồn và trở thành nghiện.

Mốt ngược đãi bản thân ghê rợn

Ba năm trở lại đây, trào lưu giới trẻ tự hành xác, ngược đãi bản thân đã phổ biến, không còn là chuyện nhỏ đối với xã hội. Bác sĩ Tất Thắng - Giám đốc bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, ngoài những người tự hành xác bằng vật sắc nhọn vì những yếu tố bệnh lý như bệnh tâm thần, số còn lại là những người trẻ có vấn đề về tâm lý. Họ thường sống trong một môi trường thiếu thốn tình cảm gia đình hoặc có lệch lạc trong nhận thức.

Tự dùng vật sắc nhọn rạch lên thân thể được gọi là “self-cut” - nhằm chứng minh sự dũng cảm, phi thường hoặc để tự khẳng định chất ngông với người khác, nhất là khi họ chịu ảnh hưởng của chất kích thích. Cũng có nhiều em vì muốn níu kéo sự quan tâm của gia đình, khi các em có cảm giác mình đang bị bỏ rơi.

Hành vi này cũng xuất hiện ở những đứa trẻ sống không có lý tưởng, hoài bão. Chúng luôn cảm thấy trống rỗng, chán chường, tức giận, bất mãn hay chán ghét xã hội và những mối quan hệ xung quanh. Họ chỉ có thể giải quyết vấn đề của mình bằng cách rạch tay, chân.

Ba năm trước, khi vào một số trang blog cá nhân của một số em gái ở Hà Nội tôi thường đọc được những hàng chữ khá rùng rợn: “Chán quá! Chán thế này thì chết đi thôi”, hoặc “Chết quách đi cho thoát khỏi muộn phiền”…

Thì hôm nay, khi lên mạng tôi chỉ thấy những cánh tay bị rạch chồng chéo, máu đọng đỏ lòm, do các bạn trẻ tự dùng dao lam rạch và chụp ảnh tung lên để tự…sướng. Một “hot self-cut” tuyên bố: “Chuyện tự tử hoặc tuyên bố tự tử chẳng còn là mốt của thế hệ 9X. Sốc và thú vị hơn là rạch nát tay lên kia.”

Ở một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hội chứng ngược đãi bản thân (Self-harm) là một căn bệnh dễ mắc phải đối với những đối tượng bị suy sụp về tinh thần. Họ muốn làm chính bản thân mình bị đau chỉ để giải tỏa. Họ sẵn sàng dùng dao cắt vào tay hoặc chân, bứt tóc, đốt da, cào cấu cơ thể…

Các em xem cơ thể mình là nơi trút giận, cho hả hê đến nỗi, nhiều em nghiện hành hạ mình. Mỗi ngày không dùng dao lam rạch một vài đường vào tay cho máu tứa ra thì bứt rứt khó chịu. Tuy nhiên, nhiều em không giấu giếm chuyện đó mà muốn được giãi bày, tâm sự nên các em tự chụp ảnh, tung lên blog để được sẻ chia. Em này học em kia. Sự việc lan truyền này nhanh hơn bất kỳ một loại vi rút nguy hiểm nào.

Nỗi đau khó giải tỏa

Đó là tâm lý của nhiều em nhỏ cô đơn trong chính tổ ấm của mình. Nỗi cô đơn mà các em không được chia sẻ, không được động viên. Các em xa lạ với chính ngôi nhà và gia đình. Nên các em tìm đến bộ đồ nghề rất đơn giản để tự hành hạ bản thân rất đơn giản.

Đó là một lưỡi dao lam, thêm 2.000 đồng mua một túi bông y tế cộng thêm chút bản lĩnh là đủ cho việc cắt tay. Ngược đãi bản thân thật sự là một căn bệnh rất nguy hiểm vì chính bản thân người bệnh cũng không biết mình đang mắc bệnh, đang làm gì.

Một em có tên Thu Phương tâm sự: “Tôi cũng từng nghe nói về tác hại của việc hành hạ bản thân. Nhưng tôi bế tắc và cảm thấy đó là cách duy nhất để tôi không bị chìm trong những nỗi đau. Làm sao để thoát ra được, nếu có cách khác, tôi sẽ không chọn cách rạch tay đâu...”.

Thu Phương vốn là một cô gái nhạy cảm, dễ buồn, hay tủi thân vặt vãnh, hay suy nghĩ lung tung. Cô yêu một bạn trai và không được đáp lại, trong khi đó, nội tại gia đình cô cũng có sự trục trặc. Bố mẹ cô thường xuyên cãi nhau. Bản thân cô cũng có những biến động về tâm, sinh lý.

Lúc này, cô rất cần sự quan tâm săn sóc của bố mẹ, thì bố mẹ mải mê làm việc khác và lo chuyện cãi cọ. Thành ra, lúc nào ở nhà Phương cũng tha thẩn một mình. Khi sự chán nản lên đến đỉnh điểm thì cô tính chuyện rạch tay mình. Và cô thấy mình nhẹ nhõm.

Thời gian này, mỗi khi thấy bố mẹ cãi nhau, Phương lại bỏ vào một góc ngồi khóc, một lần chẳng may bị mẹ phát hiện, người mẹ đã chẳng hỏi tại sao khóc, lại càng mắng mỏ thậm tệ, khiến cho Thu Phương ngày càng trơ lì, ít nói và ghét mẹ. Rồi cô chẳng muốn nói chuyện, tiếp xúc với ai nữa.

Cô nhận thấy rằng, con dao lam sắc ngọt mỏng manh kia là người bạn thân, có thể chia sẻ được. Vì nó giúp cô chảy máu, nhẹ nhõm phần nào. Cho đến một hôm, mẹ cô bất ngờ nhìn thấy thì bà ngã ngửa người, chẳng ngờ con mình dại dột đến mức này…

Cũng giống như Thu Phương, hành động tự rạch tay của Đức Thanh ở phố Thái Hà có nguyên nhân từ gia đình. Bố mẹ Thanh là dân buôn bán, mỗi khi thất bại lại về chì chiết dằn vặt nhau. Thanh thấy rằng mình chẳng thể nào tâm sự được với bố mẹ chuyện học hành, chuyện tương lai. Chính bố mẹ, ngoài chuyện kiếm tiền ra cũng chẳng bao giờ quan tâm con cái học hành thế nào.

Khi con mắc lỗi, chẳng tìm hiểu nguyên nhân vì sao con lại làm như vậy, mà chỉ chửi mắng con. Điều đó khiến Thanh ngày càng căm ghét bố mẹ. Cậu cảm thấy ngôi nhà của mình chẳng có chút bình yên nào. Cậu không tin ở người lớn, mất lòng tin ở bố mẹ. Tâm hồn non nớt đáng yêu của cậu bị bóp nghẹt dần, bởi sự sứt mẻ của gia đình.

Hãy cứu lấy các em bằng mái ấm của gia đình

Có liều thuốc nào để chữa trị căn bệnh của các em nhỏ?. Đó là liều thuốc gia đình. Đó là lòng nhân từ, sự quan tâm chăm sóc của những ông bố bà mẹ. Những đứa trẻ cần những đồng tiền kiếm được từ bố mẹ để sống, để học hành. Nhưng đó không phải là tất cả. Các em cần cả tình thương và một mái ấm thực sự nữa.

Giới trẻ rất nhạy cảm đối với sự thay đổi của xã hội. Các em cũng có tâm lý bắt chước rất nhanh. Hơn nữa, nhiều luồng văn hóa kém lành mạnh du nhập vào. Các em suy nghĩ nông cạn và xốc nổi. Nhu cầu thể hiện cái tôi của các em quá lớn, chỉ muốn mình trở thành trung tâm chú ý của mọi người. Ở lứa tuổi này, các em cần sự quan tâm của cha mẹ nhiều hơn lúc nào hết. Rất nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng, chỉ cần đáp ứng đủ cho con điều kiện vật chất đầy đủ.

Khi không được quan tâm, các em cảm thấy bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình. Chính những việc làm sai trái của bố mẹ làm con trẻ mất lòng tin. Sự đổ vỡ tình cảm của gia đình cũng khiến tinh thần các em khủng hoảng, và các em đã tìm cách để phản đối bố mẹ, để tự giải thoát mình. Để bố mẹ nhận ra sự hiện diện của chúng trong ngôi nhà, trong cuộc đời.

Vậy thì, các ông bố bà mẹ còn chờ gì nữa, mà không trang bị cho con cái kiến thức vào đời. Đồng thời là chỗ dựa vững chắc, làm nguồn an ủi động viên và thấu hiểu các em. Hãy cho chúng một liều "vaccin" để phòng ngừa tất cả những rủi ro có thể xảy ra với những tâm hồn non nớt ấy. Hãy cứu lấy các em, đừng để thế hệ con cháu chúng ta phải đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần.

Nếu các em không được chăm sóc, tu dưỡng, bảo ban thì trước sự khắc nghiệt của cuộc sống xô bồ, những người cha người mẹ tiếp tục lao đi kiếm tiền, chinh phục, đuổi bắt thế hệ trẻ sẽ suy thoái. Tâm hồn thế hệ trẻ sẽ ngày càng nghèo nàn, trống rỗng, và hệ lụy của nó là xã hội sẽ phải “gồng gánh” thêm những công dân với nhân cách lệch lạc và què quặt.

Theo Diên Khánh
Pháp luật Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.