Trò chuyện với tôi, Nguyễn Tuấn Việt nói nhiều về những gì mình đọc được từ các cuốn sách mà tác giả là những tỷ phú như Bill Gates, R.Abramovic...
“Cách đây vài năm, khi biết em có ý định thuê nhà xưởng sản xuất, chủ nhân của mảnh đất ấy là một doanh nhân thành đạt, ngăn cản ý định này và nói: “Hãy đọc nhiều sách của các tỷ phú - đó là những kinh nghiệm được đúc kết từ máu, nước mắt và sự lao động cật lực của họ”.
Có lẽ vậy nên đến nay thương hiệu VIETgo đã có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
Dù là trai Hà thành nhưng tuổi thơ của Việt cũng cơ cực. Hằng ngày, đến Trường THPT Việt- Đức thấy bạn cùng lứa hâm mộ các ban nhạc, ca sỹ, diễn viên và thường mua tranh ảnh có hình những người nổi tiếng. Sao mình không khắc tên, hình ảnh người nổi tiếng lên gỗ?
Nghĩ vậy, nhiều đêm thức trắng, Việt tự vẽ mẫu rồi khắc lên các miếng gỗ. Cứ thế… sản phẩm của Việt ngày càng ưa nhìn. Tranh thủ giờ giải lao, Việt rao bán sản phẩm của mình. Độc đáo, tinh xảo, đúng thị hiếu, sản phẩm của Việt làm đến đâu bán hết đến đó. Nhiều bạn muốn có hình họa riêng cho mình bèn đặt Việt làm.
Một mình làm không đủ bán, Việt đến các trường ĐH tìm nhân lực. Chỉ một thời gian ngắn, Việt đã tập hợp được 10 người và trả lương cho họ 500– 800 nghìn đồng/tháng.
Từ chỗ bán trong trường, Việt tiếp thị và bán tại các quầy hàng lưu niệm. Sản phẩm của Việt dần được khẳng định và Việt quyết định mở xưởng sản xuất…
Ngoài giờ làm cho Việt, các anh chị sinh viên lại trở thành gia sư cho Việt. Sau 4 năm “dùi mài kinh sử”, năm 2005, Việt nhận bằng kiến trúc ĐH Xây dựng HN. Sau đó, với 7 triệu đồng, Việt quyết định thành lập Cty mang tên VIETgo.
Mới đây, Việt ký hợp đồng với Cty Kanthaka Inc của Tây Ban Nha với lô hàng thủ công mỹ nghệ trị giá 206.000 USD (tương đương 3,3 tỷ VND). Giao dịch chính của VIETgo được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử.
Hiện, sản phẩm của VIETgo được giới thiệu trên khoảng 500 trang web mua bán lớn của thế giới như www.ebay.com, www.alibaba.com… VIETgo có khoảng 30 lao động, mức lương từ 1 triệu đồng/tháng trở lên, chủ yếu là các bạn sinh viên, người khuyết tật, được chia thành hai bộ phận: sản xuất và thương mại.
Xác định xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản là chính nên các nhân viên của VIETgo ngoài công việc hàng ngày còn phải tự học tiếng Anh, người biết nhiều dạy cho người biết ít, để đủ trình độ tối thiểu là giao tiếp với khách nước ngoài.
“Google Việt” tương lai?
Thuộc thế hệ 8X như ông chủ VIETgo nhưng chuyện 3 chàng trai và giấc mơ “một đại siêu thị trên mạng” lại hấp dẫn theo cách khác.
Ba ông chủ “google Việt” tương lai? ảnh: Đức Kế
Ba chàng giám đốc quản trị mạng www.aha.com.vn (Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Duy Phi và Bùi Minh Mẫn) đang muốn trở thành ông chủ google ở VN.
Khi cho ra đời website www.aha.com.vn (gọi tắt là AHA), Hiếu - Phi- Mẫn chỉ mong đủ tiền thuê văn phòng và mua sắm các trang thiết bị, nâng cấp trang web “đủ sống” để tính kế lâu dài…
Thế nhưng đến nay, AHA đã không còn lạ nữa. Cái “lạ” của AHA so với các web mua bán khác trên mạng là tại đây, các DN được giới thiệu và niêm yết giá gốc các sản phẩm chính hãng, chứ không phải mua bán lẻ.
Khách hàng được tiếp cận các sản phẩm này với những thông tin về giá cả, chất lượng được cập nhật nhanh, chính xác hàng ngày, hàng giờ - theo “hơi thở” thị trường.
Hiện, trung bình có trên 5.000 người (IP)/ngày, mỗi tháng có khoảng 200.000 lượt người truy cập AHA. Theo bình chọn của mạng www.thuonghieuViet.com, AHA thuộc top 20 website thương mại được người tiêu dùng ưa thích nhất VN.
Điều gây chú ý nhất đối với tôi khi tiếp xúc 3 chàng trai này không phải ở chỗ họ đã làm được gì mà chính là họ đã dám từ bỏ nhiều chỗ làm hấp dẫn để thực hiện ước mơ.
Đoạt huy chương Bạc quốc tế môn Hoá học năm lớp 12, Nguyễn Minh Hiếu “ẵm” tiếp suất học bổng toàn phần ngành tài chính và thương mại điện tử tại úc. Với tấm bằng loại ưu, về VN, Hiếu được một Cty nước ngoài mời làm việc với mức lương rất cao.
Nhưng ước mơ của Hiếu là được làm ông chủ! Hiếu tìm đến những người bạn cùng chí hướng như Nguyễn Duy Phi, Bùi Minh Mẫn. Khi ấy, Phi và Mẫn cũng đang là nhân viên của một số Cty lớn, thu nhập khá cao.
Trước đó, Mẫn là học sinh giỏi Toán toàn quốc lớp 12, là sinh viên nổi trội của lớp Kỹ sư chất lượng cao ĐH Bách khoa HN…
Cả ba cùng từ bỏ chỗ làm khá ổn định đó, đến với nhau thực hiện hoài bão của thế hệ luôn có ý thức gắn chữ Việt vào sản phẩm của mình. Nói về tương lai DreamViet sẽ ra sao, Hiếu, Phi và Mẫn cho rằng, khó nói trước được điều gì, nhưng tin sẽ thành công…