Một kẻ hành khất sang trọng bởi đi đâu cũng chỉ xin sách để làm thư viện cho các làng quê...
Quang Thạch đang đưa "hành khất phẩm" vào danh mục sách. Ảnh: P.N |
Mười năm chuẩn bị để... hành khất
Chàng trai Nguyễn Quang Thạch nói với tôi về nguyên cớ đó: “Mình đi với mong muốn thúc đẩy lập thư viện sách ở nông thôn. Mình chọn ngày mùng một Tết vì ngày này các gia đình sum họp, hình ảnh chàng trai đi xe máy xuyên Việt khởi hành từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám để vận động việc lập các thư viện sách cho nông dân xuất hiện trện TV sẽ khiến nhiều người quan tâm đến sách hơn nữa”.
Chuyến xuyên Việt này chỉ là điểm chấm phá trên chặng đường gần mười năm hành khất sách của Thạch. Thạch đến với nghiệp hành khất sách từ một câu chuyện buồn thời còn sinh viên ở Đại học Vinh.
Ngày ấy, ngay bên quốc lộ 1A, gần cầu Bến Thuỷ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Thạch nhìn thấy một cô gái rách rưới, đói lả, nằm gục bên vệ đường. Quốc lộ tấp nập người qua lại, nhưng không một ai đến hỏi thăm. Cô gái sẽ chết đói nếu như Thạch không đưa về một nơi ấm áp cho ăn uống. Cô gái ấy bị tâm thần, đi lang thang từ huyện Thanh Chương xuống Vinh.
Sau khi đưa cô gái ấy về quê Thanh Chương, Thạch nghĩ mãi về sự vô cảm của con người. Tại sao cô gái sắp chết đói nằm bên vệ đường mà không ai động lòng trắc ẩn? Phải chăng sự vô cảm ấy có liên quan tới chuyện người ta cứ mải miết mưu sinh mà không còn thời gian để học điều nhân từ sách?
Thạch mang ơn sách, tự thấy mình đã lớn lên rất nhiều về tâm hồn và trí tuệ từ những cuốn sách của gia đình và dòng họ Nguyễn Quang ở quê hương Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhưng đa số người nông dân muốn đọc sách mà không có tiền để mua. Trong khi những cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời người nông dân và con cháu họ, tri thức tự nó sẽ mở ra những tương lai tươi sáng. Từ suy nghĩ ấy, Thạch nảy ra ý tưởng xây dựng những thư viện sách ở các làng quê Việt Nam.
Thạch không đi theo lối đưa sách về các bưu điện văn hoá xã vốn vắng hoe và xa dân. Thạch sáng lập một mô hình mới: xây dựng các tủ sách dòng họ.
Thạch lý giải: “Gia đình và dòng họ có sự gắn bó chặt chẽ nhất trong tâm thức và cộng đồng người Việt. Một khi dòng họ có tủ sách thì có nhiều người đến đọc. Ông trưởng họ chỉ cần hô một tiếng thì mọi người trong họ xúm góp tiền làm tủ sách, trong khi ông trưởng thôn kêu gọi rát họng chưa chắc họ đã nghe. Đó là sức mạnh của văn hóa dòng họ”.
Con cháu họ Vũ Thế - Cẩm Điền Giàng - Hải Dương đặt sách lên bàn thờ tổ tiên. |
Nhưng trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, Thạch đã bỏ ra mấy trăm trời chỉ để nghiên cứu văn hoá dòng họ Việt Nam. Có những ngày, Thạch triền miên đi dọc quốc lộ 1A, quốc lộ 8 để đếm... mộ. Đếm xem bao nhiêu ngôi mộ được xây cất, đếm xem bao nhiêu nhà thờ họ được trùng tu, xây dựng.
Với Thạch, những mộ phần và nhà thờ là hai tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển của dòng họ ở các địa phương. Nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy chàng trai trẻ này cứ đến các làng hỏi chuyện mồ mả, chuyện nhà thờ, chuyện gia phả...
Càng đi càng hỏi, Thạch càng thấy nhiều dòng họ chưa quan tâm đến sách. Có những dòng họ quỹ khuyến học lên tới gần tỷ đồng nhưng không hề có một tủ sách cho con cháu.
Khát vọng suốt đời cho sách hoá nông thôn
Mười năm nung nấu cho một ý tưởng, cuối cùng Thạch bắt đầu nghiệp hành khất sách. Thông qua mai mối của người chú - nhà văn Nguyễn Quang Thân, Thạch được nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng ủng hộ sách lẫn tiền như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà sử học Phan Huy Lê, nhà thơ Giáng Vân...
Nhà văn Phong Thu tặng Thạch 900 đầu sách, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều tặng 1.206 cuốn... Có vốn, Thạch về làng quê, vận động các dòng họ lập thư viện. Nhiều lần, Thạch không những chỉ tặng sách mà còn bỏ tiền túi đóng cả giá sách cho các dòng họ...
Lần ấy, Thạch cùng nhà sách Đông Tây về hai huyện Diễn Châu và Hưng Nguyên ở Nghệ An để lập tủ sách dòng họ. Tôi hẹn gặp Thạch ở thành phố Vinh. Nhưng Thạch sai hẹn vì trên đường đi, ô tô của nhà sách bị tai nạn. Thạch phải thay xe, lại tiếp tục hành trình cho đúng hẹn với những người dân xứ Nghệ.
Sau những ngày tháng rong ruổi ấy, giờ đây, ngày nào Thạch cũng nhận được điện thoại xin sách để lập tủ sách từ các dòng họ. Chỉ trong một thời gian ngắn, 43 tủ sách dòng họ đã được xây dựng trên 11 tỉnh thành (trong đó có 11 tủ sách Thạch cung cấp cả tủ lẫn sách).
Thạch kể: “Tôi rất vui vì tủ sách dòng họ đã có nhiều người đọc. Tôi lấy ví dụ. Tủ sách họ Vũ, ở làng Mộ Trạch, Hải Dương được lập từ tháng 3-2009 đến nay đã có hơn 2.000 lượt sách được mượn.
Số trẻ em chơi games giảm hẳn khi có tủ sách dòng họ. Hãy đưa sách đến với nông dân”- giọng Thạch trở nên suy tư: “Nghèo vì dân trí thấp, dân trí thấp sinh ra hèn, hèn sẽ làm đủ mọi chuyện xấu xa... Sách có thể phá vỡ được cái vòng luẩn quẩn ấy”.
Vợ chồng Thạch mới chuyển từ thành phố Vinh ra Hà Nội, thuê căn phòng trọ ở quận Hà Đông. Căn phòng trọ đã chật lại chất thêm sách nhiều đến mức không có chỗ ngồi tiếp khách. Trận lũ lịch sử ở Hà Nội đã làm hỏng mấy trăm cuốn sách. Thạch tiếc sách đến thần người.
Vợ dạy Toán bằng tiếng Anh, còn Thạch làm cho tổ chức phi chính phủ Word Vision, lương tháng gần một nghìn USD. Thu nhập hai vợ chồng gom góp thì dăm năm cũng mua được căn nhà nhỏ ở Hà Nội. Nhưng Thạch lại vừa có quyết định khiến nhiều người khó tin: viết đơn xin nghỉ việc để tập trung toàn bộ thời gian cho sự nghiệp “Sách cho nông dân”. Bỏ lương nghìn USD để “thổi tù và hàng tổng” mà cứ nhẹ như không.
Thạch cười: “Ở xã hội mình, nhiều khi đồng tiền và miếng ăn là tiêu chí cho sự thành đạt, người ta khó chấp nhận một kẻ bị cho là không bình thường đi lo việc thiên hạ. Nhưng tôi không ảo tưởng, khát vọng của tôi: suốt đời cống hiến cho tiến trình sách hóa nông thôn”.
Có lẽ chỉ với khát vọng ấy mới khiến Thạch rời gia đình, lên đường vào ngày mùng Một Tết này để hành khất sách. Thạch có vẻ hơi đèo bòng khi nhân cơ hội này, muốn đi xuyên Việt bằng xe máy nội nhằm quảng bá cho hàng Việt Nam.
Tôi tưởng tượng hình ảnh chàng trai gày gò kính cận này cưỡi xe máy nội đi trên đường thiên lý Bắc Nam khi mà nhà nhà đang sum họp. Kẻ lãng tử hành khất có đơn độc?
Đã có một số tổ chức, cá nhân tiếp sức cho Nguyễn Quang Thạch. Chương trình Doanh nhân Xã hội 2009 hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng. Ông Alist Sawer, một doanh nhân người Australia ủng hộ 50 triệu đồng cho Tủ sách dòng họ... |