Một người biểu tình vỡ òa sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. (Ảnh: Bloomberg) |
Chỉ vài giờ sau thông báo thiết quân luật trong đêm muộn 3/12, đám đông đã tụ tập trên đường phố Seoul trong khi các nghị sĩ vô cùng tức giận đến nỗi họ đã trèo qua hàng rào của quốc hội.
Vài ngày sau, kiến nghị luận tội tổng thống suýt được thông qua. Chỉ sau 1 tuần, các nghị sĩ họp một lần nữa để bỏ phiếu, và họ đã thành công. Trên đường phố, hàng nghìn người biểu tình hét lên sung sướng và thả bóng bay.
Theo bài viết của Bloomberg, đối với thế giới bên ngoài, tốc độ diễn biến tình hình ở Hàn Quốc chỉ trong mấy tuần là điều khó có thể hiểu đối với một quốc gia đã đấu tranh hết mình cho các quyền dân chủ.
Nhưng ngoài cơn thịnh nộ ngút ngàn đối với một chính phủ mà nhiều người cảm thấy thất vọng, sự sụp đổ nhanh chóng của Tổng thống Yoon cũng thể hiện một yếu tố của văn hóa Hàn Quốc, nơi quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây một phần nhờ tối đa hóa hiệu quả và cách tiếp cận trực diện để giải quyết mâu thuẫn, dù tốt hay xấu.
Tinh thần này - được gọi bằng tiếng Hàn là palipali, hay "nhanh nhanh”- trong những chuyện từ lớn đến nhỏ.
Về mặt tích cực, đó là cách giúp Hàn Quốc leo lên vị trí cao nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo nên sức mạnh nổi trội trong kinh doanh, chính trị và văn hóa đại chúng.
Trong vài thập kỷ qua, các công ty đáng ghen tị nhất của Hàn Quốc, trong đó có Samsung Electronics và Hyundai Motor, đã rất thành công nhờ chấp nhận sự phá hủy mang tính sáng tạo và triển khai những bước đi táo bạo. Các dự án cơ sở hạ tầng thường được triển khai với tốc độ chóng mặt; những vết sẹo của đói nghèo và quá khứ tác động mạnh đến quá trình ra quyết định, thúc đẩy người Hàn Quốc tiếp tục nỗ lực vì một tương lai ổn định hơn.
Trong khi ở nước láng giềng Nhật Bản, các tập đoàn thường chật vật để đổi mới và một đảng lãnh đạo đất nước suốt mấy thập kỷ, người Hàn Quốc không ngại chấp nhận những bước ngoặt táo bạo hoặc lên tiếng thể hiện sự không hài lòng.
GS Yang Keeho, chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Sungkonghoe ở Seoul, gọi Nhật Bản và Hàn Quốc là "hai thái cực đối lập".
Người dân Hàn Quốc đã không lãng phí thời gian để tạo nên một cuộc phản kháng thống nhất sau khi ông Yoon tuyên bố thiết quân luật, một trong những sự kiện gây hậu quả nghiêm trọng nhất ở quốc gia này trong nhiều thập kỷ. Hàng nghìn người biểu tình đổ ra đường phố Seoul với gậy phát sáng và nhảy múa theo những bài hát nhạc pop như Whiplash - bản hit của nhóm nhạc nữ Aespa.
"Văn hóa palipali là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ", Yoon Sooyeon, 41 tuổi, một người ủng hộ phong trào biểu tình đang làm việc cho dàn nhạc giao hưởng ở Seoul, cho biết.
"Đó là yếu tố quan trọng khiến Hàn Quốc làm được những điều mà các quốc gia khác không thể. Đặc điểm này cho thấy cách chúng tôi có thể nhanh chóng đoàn kết lại với nhau và trở nên phấn khích", Yoon nói.
Cô cho rằng những diễn biến dồn dập trong tháng qua cũng thể hiện cho thấy một thuật ngữ phổ biến khác: naembi geunseung, hay hội chứng nồi nước sôi. Cô cho biết người dân Hàn Quốc nóng lên nhanh chóng và hạ nhiệt cũng nhanh.
"Tôi không thực sự thích bản chất dễ nóng giận này. Nhưng khi có động lực, nó thực sự chuyển thành một nguồn năng lượng khổng lồ", cô nói.
Trong vòng chưa đầy 100 năm, Hàn Quốc đã thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản, vượt qua chiến tranh với Triều Tiên và đưa nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn trở thành một trong những nền kinh tế lớn của thế giới, với GDP hiện nay lớn hơn 85 lần so với 5 thập kỷ trước.
Một số người so sánh văn hóa palipali với phong trào chollima, khi Triều Tiên kêu gọi người lao động làm việc chăm chỉ hơn và nhanh hơn để thúc đẩy sản xuất sau khi chiến tranh kết thúc năm 1953.
Tư duy này đã ảnh hưởng đến Hàn Quốc, quốc gia nghèo hơn miền bắc sau khi chiến tranh kết thúc. Các lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị đã đưa đất nước đi lên thông qua việc khuyến khích cách làm khác biệt và đôi khi kịch tính để đạt được kết quả nhanh chóng.
Những người đàn ông mạnh mẽ đóng vai trò nổi bật trong các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc. Cựu Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee nổi tiếng với phát biểu trước các nhân viên của ông rằng họ phải hy sinh mọi thứ vì lợi ích của công ty, trừ vợ con.
Năm 1995, ông Lee đã đốt 150.000 điện thoại và máy fax, trong đó có một số chiếc bị lỗi, để gửi đi thông điệp mạnh mẽ về kiểm soát chất lượng. Sự kiện đó được gọi là "Cuộc hành quyết Anycall".
Để xây dựng một trong những xa lộ đầu tiên của Hàn Quốc - đường cao tốc Gyeongbu – các đơn vị thi công đã thuê 9 triệu công nhân và quân nhân, hoàn thành công việc trước thời hạn 1 năm.
Park Tae-Joon, người sáng lập Posco Holdings, một trong những hãng nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy ở thành phố Pohang đến mức ông sống ngay tại công trường xây dựng.
Ông Yoon Suk Yeol đã bị đình chỉ nhiệm vụ để chờ phiên tòa luận tội. (Ảnh: Bloomberg) |
Mặt trái
Cách tiếp cận phát triển này cũng có nhược điểm. Trong chính trị, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc thường bị chỉ trích vì những hành động thái quá và thường xuyên xảy ra xung đột gay gắt. Nhiều tổng thống của nước này đã bị luận tội hoặc bỏ tù.
Ngay cả quyết định của ông Yoon khi ban bố thiết quân luật cũng thể hiện văn hóa palipali: Sau khi họp với các cố vấn chỉ trong 5 phút, ông quyết định ban hành sắc lệnh, với lý do ngăn chặn "các thế lực chống nhà nước" trong lực lượng đối thủ chính trị của ông.
GS Koo Jeong-woo, nhà nghiên cứu về xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan ở Seoul, cho biết văn hóa palipali mang một số hàm ý tiêu cực và cũng mang ý nghĩa khác so với trong quá khứ. Nhiều người cho rằng mức sống hiện nay của Hàn Quốc đã đủ cao nên không cần biện pháp cực đoan nữa.
Mặc dù vậy, palipali vẫn tiếp tục tồn tại trong tâm lý xã hội. Sau tuyên bố của ông Yoon, người Hàn Quốc đã biết phải làm gì.
"Chúng ta có thể thoáng thấy bản chất của một nền văn hóa khi những điều như thế này xảy ra. Người Hàn Quốc không ngại thể hiện bản thân. Chúng tôi rất đam mê và có sự ám ảnh mạnh mẽ về việc đạt được mục tiêu. Đây là điều chúng tôi có và phát triển để thích ứng với vị thế địa chính trị, sự chiếm đóng của Nhật Bản và chiến tranh Triều Tiên", GS Koo nói.