Yếu mềm

Yếu mềm
Chị đóng cửa, bấm khóa, bế con gái đang ngủ thiếp dưới sàn nhà lên giường, chuẩn bị cho một đêm không có anh. Có tiếng báo tin nhắn, tim đập rộn ràng nhưng chị gắng trấn tĩnh, chắc là tin nhắn tổng đài thôi. Chị quýnh quáng bỏ mùng, đắp mền cho con, rồi vơ vội cái điện thoại. Chị không thể ngăn tim mình rộn ràng. Là tin nhắn của anh. “Em uống trà sữa nhé?”. Chị tủm tỉm cười, lòng vui như trẻ con, đôi tay quýnh quíu soạn tin nhắn trả lời. Nửa chừng, chị nghĩ, hay thôi, việc gì phải trả lời anh…

Nửa năm trời anh chỉ về nhà để lấy quần áo, hoặc để… nghỉ mệt, rồi lại đi không tăm tích. Ban đầu, anh còn viện cớ đi công tác; khi đã “đi công tác” quá nhiều, anh lại “ngủ ở công ty”, rồi “nhậu say, ở lại nhà bạn”. Tủi thân, chị khóc lóc, dỗi hờn. Anh dỗ vài lần rồi thôi, mặc kệ. Chị giận hoài không ai dỗ, cũng không buồn giận nữa, còn tự dặn mình phải biết cân bằng, “chia sẻ” anh với công việc.

Nhưng chị chỉ “cân bằng” được cho đến khi hay tin anh có bồ. Lượm lặt thông tin rồi lặng lẽ quan sát, chị thót tim mỗi lần thấy anh ra ban công thầm thì vào điện thoại, hay khi anh ngồi trước máy tính, cười ngẩn ngơ. Mấy chiếc áo sơ mi mọi khi chị mang đi ủi thì anh rầy là rườm rà, hình thức, giờ mỗi sáng đi làm anh đều không quên xịt nước hoa cho thơm rồi mới mặc vào người. Anh chỉn chu, bóng bẩy như ai khác chứ không phải chồng chị. Nhỏ bạn thân sốt ruột, thúc chị phải “mạnh mẽ lên, làm cho ra lẽ”. Tối đó, anh về nhà lấy quần áo, chị lấy hết can đảm “phủ đầu”: “Cái cô anh đi theo mỗi đêm ấy chưa chồng sao?”. Anh nhìn sững chị vài giây, rồi gật: “Em biết rồi hả?”. Chị bàng hoàng chẳng nói thêm lời nào, chỉ ôm mặt khóc. Từ đó, anh đi qua đêm mà chẳng cần lý do. Những lúc chị không chịu nổi, vặn hỏi, anh thản nhiên: “Em biết làm gì!”. Bao nhiêu nỗ lực để trò chuyện với anh đều thất bại, chị lại được cô bạn thân “tiếp sức”: “Mày cứng rắn lên, đừng tỏ ra buồn khổ, ủy mị, lão lại khinh cho!”. Phần mình, chị quen dần với chuyện anh vắng nhà để tự biết đóng cửa, không còn thấp thỏm chờ đợi mỗi tối nữa.

Nhưng, ghen hờn thì chẳng vơi đi. Gần nửa năm, đêm nào chị cũng đi vào giấc ngủ bằng những hình ảnh ân ái của anh với nhân tình. Những đêm anh lạnh lùng nằm cạnh, chị càng thấy đau lòng, chỉ mong anh đi cho khuất mắt. Mẹ chồng thương chị, khuyên: “Đàn ông không tật này cũng thói nọ, làm vợ phải ráng chấp nhận, qua ải này rồi đâu sẽ vào đó thôi con!”. Chị chẳng có can đảm bỏ chồng, nên lời mẹ chồng nghe cũng xuôi tai. Nhưng, chị “chấp nhận” mà không yên, vẫn ấm ức, nên lên Facebook than thở vài câu. Y như rằng, vài phút sau anh lại có một dòng trạng thái “đáp trả”. Người quen chỉ cần lên Facebook là biết vợ chồng chị đang “vờn” nhau.

Bạn bè đến nhà chơi đều thắc mắc “sao chị ngọt ngào mà anh lạnh lùng thế”. Valentine, chị vò võ chờ cả đêm, gần sáng anh mới về, say khướt. Chia sẻ câu chuyện trên một trang diễn đàn, chị được những người bạn ảo nhiệt tình khuyên: “Hãy đi tìm hạnh phúc của mình”, “Phải thoát khỏi người chồng bội bạc”, “Đừng phí hoài tuổi xuân”... Như giọt nước tràn ly, chị xin nghỉ phép, ở nhà khóc cho cạn tủi hờn, rồi bồng con về nhà, xin phép ba mẹ cho ly hôn. Hai ngày ở nhà mẹ đẻ, chị thấy mình mạnh mẽ lạ thường. Chị không còn thiết tha nữa, bố mẹ nghe chuyện cũng không can ngăn.

Về đến nhà, mẹ đẻ gọi kể chuyện anh gọi xuống hỏi thăm hai mẹ con. Mẹ chẳng dám can chị ly hôn, nhưng không giấu được vẻ cảm thông với con rể. Chị cố phớt lờ lời mẹ để vững lòng, tự quyết đời mình. Chị đã yếu đuối quá lâu rồi. Chị tin, chuyến xe đò chiều nay đã mang về thành phố một người phụ nữ khác.

Đêm nay, cái điện thoại từ rất lâu không nhận được tin nhắn sau 9 giờ tối, rung lên vì tin nhắn. Tim chị cũng run lên. Người phụ nữ mạnh mẽ, kiên định mới đây thôi, giờ đã “mềm” đi như vừa có một cơn gió thổi từ cái thời mới yêu, mới cưới, ngang qua, xới tung những điều tưởng chừng đã ngã ngũ trong chị. Chẳng biết đêm nay sẽ ra sao, chẳng biết lá đơn ly hôn đang dang dở có được viết tiếp, nhưng chị muốn dừng lại thật lâu ở giây phút này. Rất lâu rồi chị không cảm thấy yêu thương gần đến thế. Chắc chắn đứa bạn thân sẽ trách chị lẩn thẩn, yếu đuối, nhưng chị phải kiên định để giữ lấy phút giây này.

Theo Minh Trâm

Theo Phunuonline
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.