Tổng Công ty Lilama phải thoái vốn tại 15 công ty trước năm 2015. |
Theo đó, Bộ Xây dựng xác định ngành, nghề kinh doanh chính của tổng công ty này, gồm Ngành tổng thầu EPC (bao gồm tư vấn, mua sắm thiết bị, xây dựng và lắp đặt các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, bưu điện, hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, các công trình đường dây trạm biến thế điện); Ngành Cơ khí, chế tạo; Ngành Tư vấn (bao gồm tư vấn thiết kế, giám sát và quản lý dự án).
Ngoài ra, Lilama được phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh liên quan là xuất nhập khẩu, cho thuê máy móc thiết bị. Ngoài các ngành nghề chính và liên quan, nếu Tổng công ty này muốn mở rộng sang lĩnh vực Các ngành, nghề kinh doanh khác thì phải được Bộ Xây dựng chấp thuận.
Bộ Xây dựng xác định, từ nay tới năm 2015, kinh tế khó còn nhiều khó khăn nên yêu cầu tổng công ty này phải thoái vốn khỏi 15 công ty đang nắm cổ phần.
Cụ thể, các công ty mà Lilama phải thoái vốn gồm: Công ty cổ phần Tôn mạ màu Việt Pháp, Công ty cổ phần LILAMA Hà Nội, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ông, Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao, Công ty cổ phần Xi măng Đô Lương, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long, Công ty cổ phần LILAMA Land, Công ty cổ phần Cơ điện Môi trường LILAMA, Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng Không, Công ty cổ phần Cảng và vận tải LILAMA, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng và Công nghệ LILAMA, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí.
Trong các công ty này này, ngành kinh doanh thủy điện và xi măng chiếm phần lớn với mỗi ngành kinh doanh tới 3 công ty.
Trước đấy, trong nhận xét về đề án tái cấu trúc mà Lilama gửi trình thì Bộ Xây dựng cho rằng: Việc phân tích thực trạng còn chung chung, chưa phân tích sâu vào những khó khăn tài chính hiện tại của Công ty mẹ và các công ty thành viên.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù Đề án đã nêu được các số liệu tài chính của Công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết từ năm 2009 - 2011 tại các phụ lục kèm theo nhưng chưa có những nhận xét, đánh giá cụ thể đối với từng đơn vị, làm căn cứ để định hướng phát triển, xác định việc đầu tư vốn hay giảm vốn tại từng doanh nghiệp (lưu ý đến các đơn vị rất khó khăn, có nguy cơ mất vốn nhà nước).
Nhận xét thực trạng của Lilama hiện nay, Bộ Xây nhận định thực trạng tài chính của Lilama là khó khăn, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu rất cao, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn chủ sở hữu, tồn tại những khoản nợ phải thu khó đòi tại một số công trình lớn, các khoản cho vay đối với các công ty con…
Tổng vốn điều lệ của 08 công ty con nòng cốt hiện nay là 602 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2015 tăng lên 1.582 tỷ đồng, Lilama cần đầu tư thêm 834,5 tỷ đồng để đảm bảo nắm giữ 76% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, theo dự báo thời gian tới, Bộ Xây dựng cho rằng tình hình kinh tế vẫn hết sức khó khăn, đặc biệt đối với ngành xây dựng. Do vậy, Bộ này định hướng Lilama cần xem xét lại tính khả thi của việc tăng vốn này, đảm bảo thực hiện tái cơ cấu hiệu quả; Cần làm rõ hơn và có giải pháp cụ thể để có thể thực hiện được kế hoạch thu từ lợi nhuận và cổ phần hóa Công ty mẹ khi tái cơ cấu tài chính.
Theo T.Chí
Dân Trí