Một ngày ở văn phòng huyện
Chị Phan Thanh Yên đã có 9 năm làm cán bộ văn phòng Huyện ủy Yên Bình, tỉnh Yên Bái sau những năm tháng làm thủ lĩnh huyện đoàn. Ba tháng nay, chị được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Cấp ủy - Chính quyền huyện, trước đó chị đã làm Chánh văn phòng Huyện ủy Yên Bình.
Một ngày làm việc bình thường, huyện không có nghị sự, không tổ chức sự kiện, nhưng đúng 7h15 phút chị đã có mặt tại văn phòng. Nhân viên kế toán, tổng hợp, chuyên môn khác cũng vừa tới cơ quan, tổng cộng 23 người không thiếu một ai. Chị Yên vừa tiếp PV Tiền Phong vừa xem văn bản, bóc bì thư mới do văn thư vừa chuyển đến. Điện thoại trên tay chị reo liên tục, chỉ trong 45 phút đã có hơn 20 cuộc điện thoại, chưa kể tin nhắn.
“Phải kịp thời báo cáo và xin ý kiến bí thư và chủ tịch huyện những việc liên quan trong ngày từ nội dung các văn bản trước 8h” -chị nói. Như một cái máy đa năng xử lý, việc xe cộ, tiếp khách, chi tiêu, chủ động phát công văn đi, điều chỉnh lịch công tác nhân sự, sửa nội dung văn bản, tham mưu cho lãnh đạo về kế hoạch hoạt động…, tất thảy được chị Yên linh hoạt be quét.
Hằng ngày, Văn phòng Cấp ủy - Chính quyền huyện Yên Bình có tới 120-140 công văn đến và đi, con số tăng vọt so với 20-30 công văn mà Văn phòng Huyện ủy trước 1/7/2018 - thời điểm sáp nhập Văn phòng Ủy ban và Văn phòng Huyện ủy theo Nghị quyết 18 của T.Ư, phải xử lý. Bao văn bản là ngần ấy nội dung, tất cả đều phải được thẩm kỹ, lọc kỹ trước khi trình lãnh đạo, và chị phải “chốt” hoặc nắm bắt cho dù dưới quyền chị có tới 6 phó chánh văn phòng. Việc tăng bội phần, nhưng chị Yên tự tin và thành thạo nhờ thời gian dài có kinh nghiệm làm cán bộ văn phòng, song cũng có nhiều ngày chị phải mang cả văn bản về nhà buổi tối để làm tiếp cho kịp công việc hôm sau hoặc cả tuần.
Một lô việc của văn phòng ủy ban giờ đã đổ dồn về văn phòng cấp ủy - chính quyền. Nói về áp lực, chị Yên cười nói rằng, quả là nhiều lên trông thấy, nhưng có lẽ kinh nghiệm đã giúp chị hóa giải gọn gàng. Giờ đây, cán bộ kế toán phải xử lý công việc thu chi, kiểm đếm, tính toán bằng cả hai phần mềm công nghệ khi mà bên ủy ban hạch toán theo dự toán còn Huyện ủy thì chi theo lệnh chi, rất khác biệt nhau. Các đơn vị thanh tra và kiểm tra cũng đã sáp nhập lại. Biên chế huyện chỉ có một kế toán và không có người phụ giúp.
Giới thiệu đến từng người, chị Yên nói các cán bộ, chuyên viên văn phòng hiện nay đã phải đa năng và chuyên nghiệp hơn trước, người này phải đủ năng lực tổng hợp nội dung về nông nghiệp, y tế, giáo dục, người khác phải nắm bắt tốt về công nghiệp, xây dựng, đầu tư…, và buộc mỗi người phải tự nâng cao chuyên môn, tự nghiên cứu, đọc sách, tài liệu, học hỏi để phù hợp với công việc của văn phòng gộp. Cá nhân chị Yên cũng tự phải nâng cao kiến thức về quản lý nhà nước, kinh tế xã hội để đáp ứng nhiệm vụ mới. Tuy nhiên chị và các cán bộ dưới quyền đều xác nhận tính hiệu quả của việc sáp nhập văn phòng khi chương trình công tác của cán bộ huyện đã quy về một mối.
Bí thư Huyện ủy Đoàn Hữu Phung cho biết, huyện Yên Bình thực hiện 5 đề án sáp nhập từ 1/7/2018, gồm các văn phòng, thanh tra - kiểm tra và tổ chức - nội vụ, còn các cơ quan thuộc khối nông nghiệp sẽ thực hiện sáp nhập từ 1/9 năm nay. Yên Bình đã minh chứng sự sáp nhập không phải là phép cộng dồn giản đơn các cơ quan sau đó mà đã rõ nét tăng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý.
Một việc trước kia ủy ban phải xin chủ trương của huyện ủy, rồi huyện ủy ra chủ trương, sau đó ủy ban làm quy trình, rồi lại trình lên, rất vòng vo, rườm rà, nay đã quy về một mối nhanh chóng, hiệu quả. Trước kia nhiều khi cả bí thư và chủ tịch huyện phải cùng đi công tác, và dĩ nhiên phải có các lái xe, trợ lý cùng đi, nay thì “chỉ cần một ông đi thôi”.
Công tác Đảng và công tác chính quyền đã sát chặt nhau hơn, các cơ quan được đảm bảo tính thống nhất và thông suốt, và khó có thể tìm thấy một người “ngồi chơi xơi nước” hiện nay khi mà lộ trình đến năm 2019 rất nhiều đơn vị giảm xuống chỉ còn 2-3 cấp phó. Tuy nhiên, ông Phung cũng nói lên những khó khăn nhất định, như với việc sáp nhập bộ phận văn phòng - cấp ủy, Bộ Nội vụ cần sớm thống nhất một loại công chức, tránh việc công chức khối Đảng hiện nay được hưởng 55% phụ cấp khi mà phía ủy ban chỉ được hưởng 25%.
Thành công vì đi trước một bước
Cách đây 2 năm, Yên Bái đã thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, và đến tháng 8/2018, tỉnh này đã giảm và thu gọn được 383 đầu mối và tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị (gần 24% so với tổng số đầu mối cơ quan năm 2015). Trong đó, riêng cấp tỉnh thu gọn được 187 đầu mối và cấp huyện được 194 đầu mối, nhân sự đã tinh giản được 3.756 biên chế (trong tổng số hơn 26.600 biên chế).
Từ chỗ Yên Bái chỉ định thí điểm 3 huyện thực hiện sáp nhập, tinh giản thì ngay sau đó, 6 huyện thị còn lại và hàng hoạt sở, ban ngành xung phong cùng tham gia sáp nhập, tinh giản. Chỉ tính riêng ngành giáo dục, qua 1 năm thực hiện đề án sắp xếp lại trường lớp, xóa bỏ điểm trường lẻ, tỉnh này đã giảm được 128 trường, xóa bỏ 292 điểm trường lẻ, giảm 128 lớp bán trú, tăng 7.700 học sinh và sắp xếp cán bộ, nhân viên giáo dục dôi dư được 970 người ở vị trí việc làm khác trong ngành.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nông Việt Yên - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái, khẳng định Nghị quyết 18 - NQ/T.Ư 2017 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, được xem là bước nối tiếp đối với Yên Bái trên lộ trình đổi mới, tinh giản bộ máy, sắp xếp lại tổ chức chính trị, cơ quan, đơn vị mà thôi. Đến nay 100% huyện, thị, sở, ban ngành của Yên Bái đã thực hiện và triển khai hiệu quả Nghị quyết 39 và Nghị quyết 18 mà không gặp khiếu nại, mâu thuẫn quyền lợi, thách thức gì lớn.
Trong đó, công tác tuyên truyền tư tưởng là giải pháp hữu hiệu khi đi trước một bước. Cũng theo ông Yên, Yên Bái sẵn sàng tiếp sức cho người có nguyện vọng thôi việc sớm (còn trên 12 tháng làm việc). Những trường hợp này ngoài được hưởng quyền lợi theo quy định hiện hành, còn được tỉnh hỗ trợ một lần với mức 500.000đồng/tháng làm việc có đóng bảo hiểm xã hội (tối đa không quá 150 triệu đồng/người). Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố nghỉ việc do sắp xếp lại, nếu chưa đủ điều kiện lĩnh lương hưu, thì được hỗ trợ một lần bằng 3 tháng phụ cấp hiện hưởng.
Từ năm 2015 đến nay, Yên Bái đã tiết kiệm được khoảng 925 tỷ đồng kinh phí nhờ thực hiện tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương hưu và phụ cấp thường xuyên từ ngân sách được 3.687 người - con số ấn tượng tại một tỉnh nghèo miền núi phía Bắc, và tỉnh này không phải rót thêm nguồn lực đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc - góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách.