> Xác định danh tính các nạn nhân bị vùi lấp ở Yên Bái
Ông Ngô Thanh Giang - Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 10h20 ngày 7-9 tại khu vực giáp ranh giữa xã La Pán Tẩn và Trống Páo Sang.
Khoảng 1.000m3 đất đá đổ ập từ trên cao xuống đã vùi lấp 20 người, trong đó có một người là bảo vệ của Cty TNHH Thịnh Đạt, 19 người còn lại đi mót quặng.
Tính đến hết ngày 8-9, đã tìm được 19/20 nạn nhân bị vùi lấp Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Chạy đua với mưa
Theo ông Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái, trưởng ban tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở, nguyên nhân ban đầu được xác định do ảnh hưởng của mưa bão nhiều ngày trước đó.
“Suốt từ tháng 5 tới nay, ở Mù Cang Chải thường xuyên xảy ra mưa bão. Địa hình đồi núi dễ gây sạt lở, do vậy đã dẫn đến sự cố đáng tiếc lở núi vùi lấp nhiều người” - ông Long cho biết.
Vụ việc xảy ra quá đột ngột. Khoảng 12h30 ngày 7-9, ông Long nhận được tin báo về sự cố sạt lở trên.
Ngay lập tức, thường trực tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp khẩn gồm đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở LĐTB&XH, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT, Sở Y tế,?khẩn trương nắm rõ tình hình, vạch ra phương án cứu hộ, cứu nạn.
Trong Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh bố trí lực lượng thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp huyện Mù Cang Chải giải quyết, khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Do khu vực sạt lở cách xa trung tâm huyện hơn 30km, cách UBND xã La Pán Tẩn hơn 5km, núi cao, dốc lớn, đường độc đạo, bùn đất lầy lội nên việc tiếp cận hiện trường vô cùng khó khăn.
Chỉ có những chiếc ô tô của Cty TNHH Thịnh Đạt được thiết kế vòng xích ở bốn bánh mới có thể bám đường, vượt dốc đi vào.
Máy húc, máy cẩu, máy xúc không thể tiếp cận hiện trường. Hơn 100 người gồm bộ đội, công an, dân quân cùng nhân dân địa phương phải dùng hết sức lực đào bới thủ công để tìm kiếm các nạn nhân.
Việc tiếp tế lương thực, dựng lều bạt cũng gặp khó. Mưa lớn vẫn liên tiếp trút xuống. Đến 17h ngày 7-9, lực lượng cứu hộ buộc phải tạm dừng tìm kiếm, đề phòng núi tiếp tục sạt lở.
Tính đến 17h ngày 7-9 đã tìm được 16 người (14 người chết tại chỗ, hai bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Mù Cang Chải, sau đó chuyển sang Bệnh viện Đa khoa thị xã Nghĩa Lộ). Hiện hai người này đã qua cơn nguy kịch.
Từ 14-15h ngày 8 - 9, tiếp tục tìm kiếm được hai nạn nhân trên một con suối nhỏ, cách xa điểm sạt lở khoảng 2km. Đến cuối ngày, thi thể nạn nhân thứ 19 được tìm thấy, đã biến dạng.
Chiều tối qua, trời lại đổ mưa, cuộc tìm kiếm lại phải hoãn lại.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái thăm hỏi gia đình nạn nhân xấu số. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Không phải do khai thác quặng
Tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải cũng đã chia thành ba tổ đến thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình các nạn nhân. Bước đầu, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ mỗi gia đình có người gặp nạn là 4,5 triệu đồng/nạn nhân thiệt mạng, 1,5 triệu đồng/người bị thương.
Huyện cũng xuất kho dự trữ hỗ trợ mỗi gia đình 100kg gạo nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt. Cty TNHH Thịnh Đạt hỗ trợ cho gia đình có người thiệt mạng 10 triệu đồng, 3 triệu đồng cho người bị thương. Ngoài ra, còn có đóng góp của các tổ chức, tập thể, cá nhân khác.
Theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái, hằng năm, tỉnh đã quyết liệt kiểm tra, cảnh báo các hộ dân sống ở khu vực nguy hiểm, có biện pháp di dời kịp thời mỗi khi mưa bão ập đến.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nên việc bổ sung từ ngân sách địa phương để xây dựng các khu tái định cư còn hạn chế.
“Sự cố sạt lở khiến 18 người chết ngày 7-9 quá thương tâm. Nạn nhân chủ yếu là người dân tộc Mông, do kinh tế khó khăn nên họ phải tranh thủ thời điểm trước mùa gặt đi mót quặng mưu sinh” - ông Long chia sẻ.
Một số người dân trong vùng phản ánh rằng, nguyên nhân sạt lở một phần do Cty TNHH Thịnh Đạt khai thác khoáng sản chưa đảm bảo an toàn. Ông Phạm Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái nói, phải điều tra kỹ mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.
“Cty TNHH Thịnh Đạt có đầy đủ giấy phép, và thực hiện đầy đủ thủ tục để được cấp phép hoạt động. Theo thông tin chúng tôi nhận được, trước thời điểm sạt lở, do mưa lớn nên Cty TNHH Thịnh Đạt không hoạt động” - ông Thắng cho biết.
“Việc người dân đi mót quặng có thể từ đất thừa, đất thải từ mỏ, hoặc mưa lớn xuất hiện các mỏ lột thiên. Thêm vào đó, quặng người dân mót được là quặng kém chất lượng nên không thể có trường hợp công ty thuê người dân mót rồi mua lại” - ông Tạ Văn Long nói, và cho biết thêm, do địa hình đồi núi hiểm trở, đường sá xa xôi nên khó kiểm soát việc người dân đi mót quặng.
“Sáng 7-9, thấy người dân lên mót quặng, một bảo vệ của Cty Thịnh Đạt đã ra đuổi, bị họ ném bẩn, phải về thay áo nên may mắn thoát chết. Người bảo vệ xấu số còn lại thì bị vùi lấp cùng 19 người kia” - ông Long kể.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, sau khi tìm kiếm hết các nạn nhân, tỉnh sẽ kiểm tra toàn diện để tổng kết, rút kinh nghiệm. Đồng thời, phê bình, kiểm điểm những trường hợp sai phạm, chưa làm tròn trách nhiệm.
Danh tính của 20 nạn nhân bị vùi lấp được xác định, gồm:
Sùng Thị Dở (SN 1980), Hảng Tống Chua (1969), Hảng A Giàng (SN 1992), Hảng A Tháng (SN 1996), Thào Thị Của (SN 1978), Hảng A Nắng (SN 1990), Hảng A Sú (SN 1975), Hảng A Dinh (SN 1985), Hảng A Sùng (SN 1992), (cùng ở bản La Pán Tẩn); Lý A Lềnh (SN 1979), Lý A Xinh (SN 1987), Hảng A Lử (SN 1987), Lý A Vếnh (SN 1989), Lý A Sàng (SN 1978), Hảng A Ninh (SN 1975, cùng ở bản Trống Páo Sang); Lý A Chu (SN 1987), Lý Bùa Ký (SN 1970), Lý A Cu (SN 1990, cùng ở bản Trống Tông), Lù A Súa (SN 1984, xã Púng Luông), La Văn Trọng (SN 1989, người Cty TNHH Thịnh Đạt). Trong đó, bị mất nhiều người nhất là gia đình của anh Hảng Tống Chua (mất cả vợ chồng và con trai cả: chồng Hảng Tống Chua, vợ Thào Thị Của, con trai Hảng A Giàng). Gia đình anh Chua chỉ còn một con dâu và con gái nhỏ. Gia đình anh Hảng A Sùng mất cả hai anh em ruột (gồm anh Sùng và anh Hảng A Dinh). Hiện mới chỉ tìm thấy người em trai là anh Dinh. Gia đình anh Lý A Vếnh cũng mất hai anh em ruột. Gia đình có hai người bị thương đang cấp cứu gồm Hảng A Tháng và Hảng A Nắng. |