Y tế tư nhân manh mún và chộp giật - Kỳ cuối

Y tế tư nhân manh mún và chộp giật - Kỳ cuối
TP - Để y tế tư nhân phát triển lớn mạnh và chuyên nghiệp, theo các chuyên gia ngoài việc quản lý chặt chẽ rất cần tạo lập một môi trường bình đẳng, không phân biệt công tư trong lĩnh vực này.

> Ngắc ngoải bệnh viện tư
> Thanh tra Sở y tế nói gì sau vụ 'bác sĩ quăng xác bệnh nhân'

Không đâu cấp phép phòng khám san sát như ta

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam- Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM, Ủy viên Ban chấp hành Hội Y học TPHCM, cho biết :

Chắc chắn là có sự bỏ qua, buông lỏng quản lý mới có tình trạng tầng tầng lớp lớp phòng khám bủa vây bệnh viện, chụp giật bệnh nhân, thậm chí không ít trong số đó hoạt động không phép. Vì lý do này hay lý do khác tế nhị nên mới xảy ra tình trạng này, chứ nói cơ quan quản lý không biết thực trạng trên là không đúng.

Vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động 6 tháng “chui” mà không cơ quan nào hay biết chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Phải quy định rõ ràng với khoảng cách và mật độ dân số bao nhiêu mới được mở phòng khám và dịch vụ y tế.

Không thể chấp nhận việc phòng khám kế tiếp phòng khám, nhà thuốc kế tiếp nhà thuốc như hiện nay. Ở các nước phát triển người ta căn cứ vào mật độ dân cư và nhu cầu thực tế để cấp phép cho các cơ sở y tế và dịch vụ y tế hoạt động, chứ không thể nại lý do nhiều cơ sở quá kiểm soát không xuể như ở ta hiện nay.

Ở các nước phát triển khoảng 85% các bệnh viện và cơ sở y tế do tư nhân đầu tư. Người ta không có khái niệm bệnh viện tư hay bệnh viện công mà chỉ có khái niệm bệnh viện do ai đầu tư mà thôi, biển hiệu cũng không có bệnh viện tư nhân như chúng ta.

Việc này tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển với cùng chung một tiêu chí, một quy trình và một phương thức kiểm soát của nhà nước. Hãy hết sức công bằng với bệnh viện tư, có như thế nền y tế nước nhà mới phát triển được. Đừng suy nghĩ như thời bao cấp: Chỉ có bệnh viện công là tốt còn các cơ sở y tế tư nhân là chặt chém, là lừa đảo và xấu xa…

Một số bệnh viên tư nhân hiện làm ăn thua lỗ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân làm ăn chụp giật, chạy theo lợi nhuận, tiềm lực kinh tế không đủ. Mặt khác, một phần là do tư tưởng trọng công, coi thường y tế tư nhân trong tuyệt đại đa số người dân làm cho họ không muốn đến các cơ sở y tế tư nhân

Chỉ chọn việc dễ, thu hồi vốn nhanh

Ở các nước phát triển khoảng 85% các bệnh viện và cơ sở y tế do tư nhân đầu tư. Người ta không có khái niệm bệnh viện tư hay bệnh viện công mà chỉ có khái niệm bệnh viện do ai đầu tư mà thôi, biển hiệu cũng không có bệnh viện tư nhân như chúng ta

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên thừa nhận, các bệnh viện (BV) tư đã góp phần giảm tải phần nào cho BV công.

Một số cơ sở mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị như máy chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy chẩn đoán phóng xạ, máy siêu âm Doppler màu, máy siêu âm 4 chiều, nội soi chẩn đoán, nội soi phẫu thuật, máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy chạy thận nhân tạo và ứng dụng các kỹ thuật cao như mổ Phaco, Laser excimer...

Bà Xuyên đánh giá cao những BV tư hiện đại như Vinmec, BV Tim Tâm Đức, BV Hoàn Mỹ... đã góp phần đưa nhiều kỹ thuật hiện đại đến với người bệnh.

Tuy nhiên hiện vẫn tồn tại một thực tế là số lượng và chất lượng y tế tư nhân chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn cơ sở y tế tư nhân chỉ triển khai các dịch vụ dễ làm, các loại xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh dễ thu hồi vốn. Đa số BV tư quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, tỷ lệ sử dụng giường bệnh thấp.

Một phân tích của ngành y tế trong những năm qua cho thấy, nhân viên tại các cơ sở y tế tư nhân tập trung phần lớn ở độ tuổi từ 25 -44, số cán bộ y tế có độ tuổi trên 55 chỉ chiếm số ít. Điều này cũng phản ánh một thực trạng đang trở thành phổ biến hiện nay đó là đội ngũ y, bác sỹ tại các cơ sở y tế tư nhân đang được trẻ hóa.

Tuy nhiên đó là các bác sỹ mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị, nên dễ dẫn đến sai sót đối với các bệnh phức tạp. Đội ngũ này cần phải được hướng dẫn bởi các bác sỹ giỏi, có nhiều kinh nghiệm.

Một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, giá cả dịch vụ của các cơ sở y tế tư nhân hiện nay vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Cơ chế xây dựng giá các cơ sở này rất linh hoạt nhưng thường không dựa trên sự tính toán cụ thể chi phí mà thường dựa theo giá dịch vụ các cơ sở y tế công rồi lấy thấp hơn hoặc cao hơn tuỳ theo từng cơ sở và mức đầu tư mà họ cho là phù hợp.

Việc đặt giá của các cơ sở y tế tư nhân không theo một quy chuẩn nào, thậm chí là vô lý mà người bệnh không biết giá trị thực của dịch vụ mà họ phải chi trả khi sử dụng.

Nhiều ý kiến của các giám đốc BV tư nhân cho rằng, hiện nay sự phát triển của hệ thống BV tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong các chính sách ưu đãi như thuê đất, giảm thuế... Trước đó, đã từng có ý kiến nên tính chuyện cổ phần hóa BV nhà nước để phát triển hơn nữa các BV này.

Nhưng theo ý kiến các chuyên gia y tế thì không nên cổ phần hóa mà nên có chính sách khuyến khích phát triển hệ thống BV tư nhằm tăng số giường bệnh, tăng dịch vụ để người dân được lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG