Chính phủ Campuchia hy vọng đạt 500 triệu USD từ các nguồn thuế, phí liên quan dầu thô trong giai đoạn khai thác đầu tiên, hãng tin DW đưa tin ngày 30/12.
“Năm 2021 đang tới và chúng ta đã nhận được món quà lớn cho đất nước - sản xuất dầu thô lần đầu tiên”, Thủ tường Campuchia Hun Sen ngày 29/12 viết trên mạng xã hội.
“Đây là bước đi quan trọng đối với Campuchia trong việc xây dựng năng lực quốc gia và ngành năng lượng, dầu khí. Các lợi ích chính bao gồm thu ngân sách nhà nước, lợi ích kinh tế từ việc đa dạng hoá ngành dầu khí và xây dựng năng lực quốc gia trong lĩnh vực này”, ông nhận định.
Theo Thủ tướng Hun Sen, việc Campuchia hôm 29/12 lần đầu khai thác dầu thô sau gần 2 thập kỷ trì hoãn là “thành tựu mới của nền kinh tế Campuchia”.
Tầm quan trọng của trữ lượng dầu thô Campuchia
Dầu thô đang được khai thác từ khu vực cách bờ biển tỉnh Sihanoukville ở vùng tây nam Campuchia 160km. Thủ phủ tỉnh Sihanoukville là thành phố Sihanoukville - nơi có cảng nước sâu duy nhất của nước này. Đặc khu kinh tế Sihanoukville là đặc khu kinh tế đầu tiên mà Trung Quốc xây dựng ở nước ngoài. Đặc khu này được coi là Thâm Quyến của Campuchia, Xinhua đưa tin.
Vịnh Thái Lan có trữ lượng dầu khí lớn. Tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron năm 2004 tìm thấy các mỏ dầu khí ở ngoài khơi Campuchia có thể khai thác thương mại với quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc khai thác bị trì hoãn vì chính phủ Campuchia và công ty Mỹ không đạt được thoả thuận về phân chia doanh thu. Cuối cùng, năm 2014, Chevron bán cổ phần cho công ty KrisEnergy của Singapore.
Chính phủ Campuchia ước tính, có hàng trăm triệu thùng dầu thô đang nằm trong vùng biển nước này chờ được khai thác.
KrisEnergy hiện nắm giữ 95% cổ phần trong lô dầu khí mà Campuchia vừa mới bắt đầu khai thác một phần. Công ty hy vọng, trong giai đoạn đầu sẽ khai thác được 7.500 thùng dầu thô mỗi ngày.
Theo các chuyên gia, đây là con số khiêm tốn vì Campuchia ở cạnh Thái Lan và Việt Nam - 2 nước có trữ lượng dầu khí lớn và khai thác đáng kể.