Ý nghĩa phong trào mỗi tháng một việc tốt

Lãnh đạo Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 144 và cán bộ Đoàn, chiến sĩ Đại đội 1 trao đổi biện pháp thực hiện phong trào “Mỗi tuần một điều luật, mỗi tháng xung kích thực hiện một việc làm thiết thực”. Ảnh: Nguyễn Minh.
Lãnh đạo Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 144 và cán bộ Đoàn, chiến sĩ Đại đội 1 trao đổi biện pháp thực hiện phong trào “Mỗi tuần một điều luật, mỗi tháng xung kích thực hiện một việc làm thiết thực”. Ảnh: Nguyễn Minh.
TP - Từ năm 2014 đến nay, phong trào “Mỗi tuần một điều luật, mỗi tháng xung kích thực hiện một việc làm thiết thực” được Lữ đoàn 144 (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) duy trì hiệu quả và là một trong những điểm nhấn nổi bật trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên giai đoạn 2012-2017.

Học luật mọi lúc, mọi nơi

Đã thành thông lệ, các buổi sinh hoạt của các chi đoàn thuộc Đoàn cơ sở Lữ đoàn 144 đều đưa nội dung triển khai phong trào thiết thực trên ra trao đổi, thảo luận công khai giữa cán bộ và ĐVTN, với mục đích tìm ra những biện pháp triển khai hiệu quả nhất.

Qua từng năm, phong trào “Mỗi tuần học một điều luật” đã có những bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức. Bên cạnh việc phổ biến chung, mỗi đại đội tiến hành photo các nội dung theo từng điều luật, câu hỏi cụ thể ứng với các tuần và gửi tới tay từng chiến sỹ. Việc thực hiện mô hình được xây dựng theo hướng bộ đội tranh thủ mọi lúc mọi nơi để ôn luyện.

Tại Tiểu đoàn 1 (đơn vị có nhiệm vụ tuần tra canh gác bảo vệ an toàn tuyệt đối Sở chỉ huy, cơ quan Bộ Quốc phòng, nhà riêng một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội cùng các sự kiện lớn của đất nước và Bộ Quốc phòng…), hằng ngày, mỗi chiến sỹ luôn bận rộn với các nhiệm vụ chuyên ngành. Chính vì vậy, để mô hình thực sự hiệu quả, đơn vị quán triệt học tập đan xen, tranh thủ bất cứ khi nào có thể.

Theo trung úy Phạm Thế Ánh (Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đại đội 1, Tiểu đoàn 1), bên cạnh việc học tập trực tiếp qua hình thức học thuộc lòng, các chiến sỹ còn tận dụng vào các buổi sáng khi chưa có ca gác hay lúc nghỉ ngơi sau giờ học nghiệp vụ. Bên cạnh đó, đại đội thống nhất xen lẫn học tập, nhắc lại các điều luật trong thời gian đọc báo hoặc lúc rảnh rỗi để bộ đội nhớ như một thói quen.

Việc phổ biến các nội dung được mềm hóa với nhiều hình thức mới lạ, lý thú, bổ ích. Ngoài việc tuyên truyền miệng, quản lý tư tưởng, giáo dục chính trị trực tiếp, Lữ đoàn 144 còn vận dụng thông qua nhiều hình thức như tổ chức diễn đàn, tọa đàm, phát thanh, cuộc thi tìm hiểu. Tại mỗi đại đội, đều có bảng thông tin dán nội dung 24 điều luật về Luật Giao thông đường bộ và luật nghĩa vụ quân sự được trình bày đẹp, sáng rõ, sẵn sàng làm tư liệu học tập cho cán bộ, chiến sỹ.

Gặp gỡ binh nhất Đào Ngọc Quân (SN 1996, quê Bình Lục, Hà Nam, chiến sĩ Đại đội 1) sau ca trực gác, anh chia sẻ: Để nhớ được tất cả các điều luật, chỉ huy thường nhắc nhở chúng tôi hãy học hiểu, học để nắm được nội dung chứ đừng học vẹt. Vì vậy chúng tôi được khuyến khích tăng cường trao đổi giữa các cá nhân, vận dụng vào các tình huống khi làm nhiệm vụ. Tại các diễn đàn mà tiểu đoàn tổ chức, chúng tôi được xem các tình huống thật sự sau đó áp dụng kiến thức để trả lời, nhanh chóng xử trí.

“Tôi không nghĩ mỗi tuần học một điều luật ngắn có thể mang lại hiệu quả như vậy. Tới giờ tôi đã thực sự tự tin khi đứng gác, chủ động nắm rõ các trường hợp sai phạm, có thể phân tích từng lỗi và tiến hành nhắc nhở theo đúng quy định”, binh nhất Vũ Xuân Huy (SN 1997, quê Tam Nông, Phú Thọ, chiến sĩ Đại đội 1) nói.

Lan tỏa việc làm thiết thực

Để có bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, tuổi trẻ lữ đoàn đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể hưởng ứng phong trào “Mỗi tháng xung kích thực hiện một việc làm thiết thực”. Nhiều hoạt động đã được triển khai rộng rãi, mở rộng quy mô, góp phần thúc đẩy tinh thần hăng say học hỏi, phấn đấu luyện rèn với thái độ tích cực, chủ động.

Theo đó, hàng tháng các chi đoàn tập trung thực hiện một chủ đề cụ thể, gắn với đặc thù nhiệm vụ đơn vị và phong trào thanh niên. Điển hình ngay từ đầu năm nay, trong tháng 1, chủ đề “Xung kích chào mừng Đại hội Đoàn các cấp” đã được thực hiện rất hiệu quả với các hoạt động tuyên truyền về truyền thống của Đoàn và tầm quan trọng của Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quân lần thứ IX và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại úy Đào Công Thắng (Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn Tiểu đoàn 1) cho biết, trong Tháng Thanh niên, với chủ đề “Nâng cao chất lượng, nền nếp sinh hoạt Đoàn; đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Đoàn”, ngoài việc tổ chức diễn đàn, tọa đàm để các cán bộ, chiến sỹ trao đổi trực tiếp, các chi đoàn còn xây dựng các tiểu phẩm, kịch hay thoại ngắn với nội dung là những tình huống luật tạo cơ hội cho các chiến sỹ phân tích đúng sai. Nhiều tiểu phẩm đã tạo nên tranh luận gay gắt khi bộ đội được thỏa sức thể hiện, vận dụng vào nhiều khía cạnh để có những góc nhìn mới, lạ, chuẩn xác.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua được coi là đỉnh điểm của đợt nắng nóng mùa hè nhưng lữ đoàn vẫn triển khai mạnh mẽ phong trào tiết kiệm điện, nước. Đại úy Hoàng Văn Độ (Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 1) cho biết: Thấu hiểu được sự vất vả của chiến sỹ vào ngày hè, chúng tôi chủ trương tiết kiệm trên cơ sở vẫn phải đảm bảo đầy đủ sức khỏe cho bộ đội. Theo đó, Đại đội 5 quán triệt tất cả phải bật, tắt các thiết bị điện đúng thời điểm. Riêng việc sử dụng nước, để tránh tình trạng nóng bức khiến chiến sỹ phát sinh lãng phí, chúng tôi hạn chế sử dụng vòi sen mà thay vào đó là các thùng chứa với những gầu nhỏ. Như vậy các chiến sỹ sẽ tự nhìn thấy bản thân đã sử dụng bao nhiêu nước, từ đó thúc đẩy ý thức cá nhân tự giác tiết kiệm.

“Phong trào “Mỗi tuần một điều luật, mỗi tháng xung kích thực hiện một việc làm thiết thực” bước đầu đã đạt hiệu quả tốt, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, ĐVTN trong toàn Lữ đoàn”.

Thượng tá Vũ Thành Nam, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 144

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.