Ý kiến Đại biểu Quốc hội

Ý kiến Đại biểu Quốc hội
TP - ĐB Hà Minh Huệ: 1% CBCC không hoàn thành nhiệm vụ là không chấp nhận được

> Công chức không làm được việc: Phải có giải pháp quyết liệt
>Vụ Ngân hàng CSXH tìm mộ: 'Con sâu làm rầu nồi canh'

Hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức (CBCC) không đáp ứng được yêu cầu. Tôi rất quan tâm tới ý kiến cho rằng có tới 30% CBCC có cũng được, không có cũng được, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Nhưng Bộ Nội vụ báo cáo chỉ 1% CBCC không hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ Nội vụ phải làm rõ hai con số này. Nhưng theo tôi đánh giá 1% CBCC không làm được việc là con số không đúng, chưa sát thực tế. Còn con số 30% có cao quá không thì phải qua kiểm tra, giám sát mới khẳng định được. Còn con số 1% là không chấp nhận được.

Trước khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng đã hứa làm việc này, việc kia trong đó có việc triển khai mạnh mẽ Luật Công chức, đảm bảo đội ngũ CBCC làm việc tốt hơn. Nhưng dư luận cử tri cho rằng việc này chưa được làm tốt. Bằng chứng là đội ngũ công chức ngày càng đông. Một số cơ quan cho rằng, nếu giảm đi một nửa nhân sự thì công việc vẫn hoàn thành. Thế nhưng sa thải người không làm được việc rất khó.

Do vậy, Bộ Nội vụ phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế như thế nào để nhận vào thì cũng cho ra được. Nếu không có cơ chế thì cũng bó tay. Trong khi đó, quy trình đánh giá cán bộ theo công thức, hầu như ai cũng hoàn thành. Việc Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển công chức trực tuyến mới đáp ứng được một phần là đầu vào. Quan trọng hơn là xây dựng cơ chế để cho thôi việc những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu. Cần có bộ tiêu chí xác định vị trí việc làm.

ĐB Huỳnh Nghĩa: Trả lời không đi vào trọng tâm

Bộ trưởng Nội vụ trả lời có cố gắng nhưng không đi vào trọng tâm. Tôi đã chất vấn Bộ trưởng rất rõ ràng, để bộ máy có 64.000 người chưa qua đào tạo chuyên môn mà sử dụng như vậy trong khi bộ máy phình ra. Tôi chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng. Không thể cứ lấy nghị quyết ra để trả lời được.

ĐB Lê Như Tiến: Chưa rõ trách nhiệm cá nhân

Điều các ĐB và cử tri cả nước cần là chỉ ra bất cập, thiếu sót trong thời gian vừa qua đã khắc phục thế nào, có giải pháp hữu hiệu gì để chuyển biến, hành động thực sự không. Thế nhưng có những câu trả lời còn nặng về kể lể quá trình công tác, xây dựng văn bản, xây dựng công việc… của bộ, ngành mình.

Bản chất của chất vấn là trách nhiệm cá nhân chứ không phải là quy trách nhiệm tập thể. Tôi cho rằng với Bộ trưởng hoặc trưởng ngành nên nói là “tôi” chứ không nên nói là “chúng ta” vì nếu dùng cụm từ “chúng ta” sẽ làm mờ nhòe trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu bộ ngành đó. Khi thấy trách nhiệm rồi thì những lần chất vấn sau không bị lặp lại những khuyết điểm, tồn tại trước đó.

Còn nếu là trách nhiệm chung chung “chúng ta” hoặc “ngành chúng tôi” sẽ không bao giờ có giải pháp đúng, “liều thuốc” đúng để trị những “bệnh” của các bộ ngành. Qua phần trả lời chất vấn của một số Bộ trưởng tôi chưa thấy rõ trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu.

Hà Nhân
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG