Tuyển tập nhận được đánh giá nồng hậu của nhà thơ Andrzej Grabowski - Chủ tịch chi hội Nhà văn Ba Lan ở Krakow.
Dịch giả Fred Marchant (Mỹ) giới thiệu tập thơ Trần Đăng Khoa bằng tiếng Anh tại Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại - Ảnh: N.M.H |
Để nền thơ (cổ) Việt Nam được “đặt đúng vị trí trên thế giới” như lời Grabowski, cần những dịch giả tâm huyết như Lâm Quang Mỹ và Pawel Kubiak.
Ông Kubiak hé lộ, dù Ba Lan dùng ký tự latin trước đó vài thế kỷ, nhưng không bài thơ nào được lưu lại. Văn chương bằng chữ của nước bạn chỉ mới có từ cuối thế kỷ XV.
Nhà thơ Hoàng Hưng lưu ý: Hai tác phẩm cổ điển được biết nhiều nhất ở nước ngoài cho đến nay không phải do NXB Thế giới của ta giới thiệu mà do người Việt ở Mỹ và người Mỹ thực hiện. Đó là The Tale of Kiều của Huỳnh Sanh Thông và The Spring Essence (thơ Hồ Xuân Hương) của John Balaban.
Hoàng Hưng nhấn mạnh: “Cách nhìn nhận tác phẩm ở nước ta khác với các nước”. Ông có vẻ không mấy tin tưởng vào lựa chọn tác phẩm để dịch của một tổ chức nhà nước nào đó. “Liệu một tổ chức như thế sẽ đưa ra những cái mình muốn hay những gì người đọc muốn - những gì mà chỉ có các NXB nước ngoài mới nắm được”.
Ví dụ, để quyết định in 5.000 bản đầu tiên của tập Thơ Việt Nam, NXB Milkweed (Mỹ) đã bỏ ra một năm gửi bản thảo thăm dò thị trường tại các trường ĐH, các nhà phát hành hàng đầu. Nhận được phản hồi tốt, họ mới cho in.
Từ việc hai dịch giả thành công với tuyển thơ Việt Nam khó khăn lắm mới tìm được NXB nhận in Thơ Nguyễn Trãi, Hoàng Hưng đưa ý tưởng lập quỹ dịch thuật văn học Việt Nam.
Quỹ phi chính phủ gồm những chuyên gia có uy tín về giao lưu văn học, được Bộ và Hội bảo trợ này chuyên xét duyệt, tài trợ, trao thưởng cho các dự án dịch thuật. Ông còn nghĩ ra tên: Vietlitbell Foundation (tạm dịch Quỹ Chuông Văn Việt) lấy cảm hứng từ câu Đem chuông đi đấm nước người.
Một điều không mong chờ là ngay những nước sát chúng ta cũng chỉ mới phát hiện ra chúng ta có văn học (!). Bà Anthony L.Tan: “Tôi đến từ Philippines - chỉ cách Hà Nội hai giờ bay - và tôi giảng dạy văn học. Thế nhưng mãi đến gần đây, tôi vẫn không biết rằng có một nền văn học Việt Nam dù tôi giả định rằng nó có”.
Giờ đây, bà L.Tan thay đổi tình hình bằng cách giảng dạy thơ Hồ Xuân Hương.
Văn học Việt Nam được ưu ái chiếm thời lượng nhiều hơn so với các nước khác trong bộ môn Văn học nước ngoài cho HSSV Lào. Trong đó, các tác phẩm Sơn Tinh Thủy Tinh, Truyện Kiều, Tắt đèn, Hòn Đất… được giới thiệu. Song chẳng ai được đọc toàn văn bằng tiếng Lào.
Dịch giả Phỉu La Văn cho rằng, việc giới thiệu văn học Việt Nam sang tiếng Lào chưa được coi trọng đúng mức. Ông khẳng định: “Khi chúng ta nhìn thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc giới thiệu văn học Việt Nam ở Lào thì vấn đề ngôn ngữ, dịch thuật, phát hành và kinh phí không phải là không thể giải quyết được”.
Sự vắng mặt của văn học Việt Nam ở Nga kéo dài hai thập kỷ nay kể từ khi Liên Xô tan rã. “Cứ đà này, chẳng bao lâu, độc giả Nga sẽ khó lòng biết thế giới này còn có một nền văn học có bề dày hàng ngàn năm lịch sử là Việt Nam” - Ông Nguyễn Huy Hoàng (Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga) cảnh báo. Ngay cả Truyện Kiều cũng mới chỉ đang được xúc tiến dịch sang tiếng Nga.
Ông Hoàng chỉ ra: “Chúng ta chưa hề có một chính sách đầu tư, tạo ra các hợp đồng in ấn, thậm chí xuất bản bù lỗ để các dịch giả Nga yên tâm, tin tưởng dịch và công bố văn học Việt.
Trong khi tại Nga, các nước như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc và nhất là Trung Quốc có hàng loạt tác phẩm từ cổ điển đến đương đại được dịch và in với số lượng rất lớn.” Một phần vì dịch giả Nga khi dịch tác phẩm của các nước này đều được hỗ trợ về kinh phí, đi thực địa.
Thời hoàng kim của văn học Việt ở Liên Xô là vào những năm 70-80 của thế kỷ trước với lượng phát hành hàng chục ngàn bản. Cũng thời gian này, hàng loạt bản dịch tác phẩm tiêu biểu của văn học Nga cũng được phát hành rộng rãi ở Việt Nam.
Đó là kết quả của một chính sách truyền bá văn học Xô Viết ra thế giới từ năm 1963 với ngân sách rất lớn của nhà nước Liên Xô. Thiết nghĩ trong một số trường hợp, chẳng hạn như với Lào, ta cũng có thể tham khảo cách làm này.
Đi theo con đường cạnh tranh Văn học Việt Nam e rằng ít có cơ hội. Vì vậy một quỹ giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài như đề xuất của nhà thơ Hoàng Hưng thiết nghĩ nên sớm được thành lập.
|