Thaco trở thành Tổng phân phối xe Fuso tại Việt Nam:

Xuất khẩu sang các nước ASEAN, tại sao không?

TP - Chủ tịch HĐQT Thaco cho rằng, buổi lễ ký kết là cột mốc quan trọng cho giai đoạn phát triển sản xuất kinh doanh xe tải, xe bus tiếp theo và ở tầm cao hơn của Thaco. Mặt khác, nếu làm tốt, Thaco sẽ có cơ hội làm tiếp sản phẩm xe tải, xe bus cao cấp khác của Tập đoàn Daimler, hướng tới xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Hổ “mọc” thêm cánh

Ngày 1/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe tải, xe bus thương hiệu Fuso tại Việt Nam giữa Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) và tập đoàn Mitsubishi Fuso (Nhật Bản), thuộc tập đoàn Daimler (Đức).

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết tiền thân của công ty vào hơn 20 năm trước là xưởng sửa chữa chuyên về ô tô tải, bus. Năm 2002, hưởng ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 theo quyết định 175 của Thủ tướng, Thaco đã đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô, khởi đầu là xe tải, xe bus. Đến nay, công ty đã bán ra trên thị trường Việt Nam hơn 250.000 xe tải và 14.000 xe bus. Riêng năm 2016 đạt 43.787 xe tải, 3.312  xe bus, chiếm 41% thị phần trên toàn thị trường. Thaco có đầy đủ các chủng loại xe tải thùng, tải ben, tải chuyên dụng các loại, xe bus nội thành, liên tỉnh, xe bus giường nằm và đầy đủ các tải trọng từ 550 kg đến 45 tấn và từ 12 chỗ đến 47 chỗ.

Xuất khẩu sang các nước ASEAN, tại sao không? ảnh 1 Lãnh đạo các bộ, ngành cùng chứng kiến lễ kỹ kết hợp tác giữa hai lãnh đạo Cty CP ô tô Trường Hải và tập đoàn Mitsubishi Fuso.

“Sản phẩm xe tải, xe bus của Thaco đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 25% đến 60%. Thông qua chương trình nội địa hóa này, chúng tôi đã nghiên cứu sản xuất các sản phẩm xe tải, xe bus có cấu hình, công năng phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng, điều kiện giao thông tại Việt Nam. Và nhất là, giá thành rất hợp lý, mang lại hiệu quả kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách cao nhất cho khách hàng”, ông Dương cho hay.

Theo Chủ tịch HĐQT Thaco, công ty cũng đã đầu tư mạng lưới showroom và xưởng sửa chữa trên các trục lộ giao thông huyết mạch, rộng khắp tại các tỉnh thành trên cả nước, nhằm hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm phù hợp với từng địa bàn. Đồng thời cung cấp dịch vụ bảo hành, sửa chữa và phụ tùng thay thế cho khách hàng một cách thuận lợi và kịp thời nhất. Tính đến nay, Thaco được xem là nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất và sản phẩm xe tải, xe bus được khách hàng tin dùng nhất ở Việt Nam.

Để duy trì vị thế hàng đầu và theo xu thế phát triển của thị trường, nhất là cho giai đoạn hội nhập khu vực Asean vào năm 2018, đồng thời với tầm nhìn của Thaco về sản phẩm xe tải, xe bus được khách hàng tin dùng nhất Việt Nam, hướng đến xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN…Thaco đã đề ra chiến lược phát triển tiếp một dòng sản phẩm xe tải, xe bus mới với định vị cao cấp hơn và đầy đủ các chủng loại, tải trọng.

Trong khi đó, Tập đoàn Daimler hiện đang sở hữu thương hiệu Mercedes Benz - Đức và Mitsubishi Fuso - Nhật Bản. Với chiến lược kinh doanh xe tải, xe bus mới là hình thành hai hệ thống phân phối riêng biệt: xe du lịch và xe tải, bus; Đồng thời xem thị trường Việt Nam là một thị trường đang phát triển, đầy tiềm năng và cũng là thị trường quan trọng trong các nước ASEAN, Daimler đã chủ động liên hệ nhằm hợp tác với Thaco.

Theo ông Dương, qua gần 6 tháng, Daimler và Thaco đã tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ về triết lý kinh doanh, tầm nhìn, chiến lược, thế mạnh của nhau và bước đầu đi đến Ký kết Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe tải, bus thương hiệu Fuso tại Việt Nam.

Theo đó, Thaco nhận chuyển giao toàn bộ mảng kinh doanh xe tải, bus Fuso tại Việt Nam từ Công ty Mercedes Việt Nam, bao gồm: thiết bị, sản phẩm xe, linh kiện phụ tùng, nhân sự, hệ thống đại lý; Và có trách nhiệm kế thừa dịch vụ sau bán hàng như: bảo hành, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế đối với khách hàng đang sở hữu xe tải, bus Fuso tại Việt Nam và tổ chức bán hàng từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.

Đồng thời, Thaco cũng ký trực tiếp với tập đoàn Mitsubishi Fuso 2 hợp đồng, gôm chuyển giao công nghệ và phân phối. Qua đó, Thaco sẽ tổ chức sản xuất, lắp ráp tất cả các chủng loại xe tải Fuso, mẫu xe bus Rosa, mua động cơ, cụm linh kiện chính yếu để sản xuất, lắp ráp các loại xe bus khác và sản xuất linh kiện phụ tùng nội địa hóa theo tiêu chuẩn của Tập đoàn Mitsubishi Fuso Nhật Bản và Daimler Đức.

Xuất khẩu sang các nước ASEAN, tại sao không? ảnh 2 Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco phát biểu tại lễ ký kết.

Hướng tới xuất khẩu sang các nước ASEAN

Đánh giá về lễ ký kết, Chủ tịch HĐQT Thaco cho rằng, đây là cột mốc quan trọng cho giai đoạn phát triển sản xuất kinh doanh xe tải, xe bus tiếp theo và ở tầm cao hơn của Thaco bởi Daimler và Mitsubichi Fuso là hai Tập đoàn nổi tiếng và lâu đời trên thế giới, có bề dày lịch sử 100 năm, ở hai quốc gia có công nghệ nguồn và hàng đầu về công nghiệp ô tô là Đức và Nhật Bản.

Ông Michael Kamper, Phó Chủ tịch cấp cao, Phụ trách Kinh doanh và Tiếp thị của Daimler Trucks khu vực châu Á cũng cho biết: “Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược tăng trưởng của FUSO tại khu vực Đông Nam Á. Là một bộ phận trực thuộc nhà sản xuất xe tải lớn nhất thế giới - Daimler Trucks, việc FUSO kết hợp với THACO - nhà phân phối xe thương mại hàng đầu Việt Nam là một quyết định đúng đắn của chúng tôi. Với kinh nghiệm và sự cống hiến của mình, THACO sẽ giúp chúng tôi mang đến những trải nghiệm vượt ngoài mong đợi của khách hàng và qua đó tiếp tục gia tăng thị phần”.

Cũng theo ông Kamper, với sự chuyển giao này, Mercedes-Benz Việt Nam sẽ tập trung hoàn toàn vào hoạt động sản xuất và kinh doanh xe du lịch Mercedes-Benz. Các đại lý FUSO hiện tại sẽ được chuyển vào mạng lưới đại lý của THACO để đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động chăm sóc khách hàng, với điều kiện các đại lý này đồng ý và tuân thủ thực hiện công tác chuyển giao.

Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương tin chắc rằng, nếu làm tốt và thành công xe tải, xe bus thương hiệu Fuso, công ty sẽ có cơ hội làm tiếp sản phẩm xe tải, xe bus cao cấp khác của Tập đoàn Daimler. Và rất có thể có cơ hội tiến đến xuất khẩu sang các nước ASEAN với tỷ lệ nội địa hóa 40%, thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) mà Việt Nam là thành viên.  

Trước đó, Thaco cũng đã ký kết với Tập đoàn BMW châu Á, trở thành nhà đầu tư và nhập khẩu xe BMW, MINI tại thị trường Việt Nam từ 1/1/2018.

Theo ông Trần Bá Dương, hưởng ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, đã được Thủ tướng phê duyệt lần thứ 2 năm 2014, đồng thời đứng trước yêu cầu cạnh tranh hội nhập khu vực Asean vào năm 2018, đặc biệt là đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Thaco đã có chiến lược với chu kỳ đầu tư phát triển mới là xây dựng hầu hết các nhà máy SX, LR ô tô mới như: nhà máy xe du lịch Kia, Mazda, xe du lịch cao cấp, nhà máy bus, nhà máy tải, cũng như các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng yêu cầu XK sang các nước ASEAN.

“Trong đó, nhà máy Thaco Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á có công nghệ hiện đại nhất, tự động hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu SX-LR các dòng xe Mazda thế hệ thứ 7. Dây chuyền của nhà máy này được cung cấp từ các nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng của châu Âu, Nhật Bản. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc theo đúng tiến độ và sẽ đưa vào hoạt động ngày 24/3/2018, đúng vào dịp chào mừng 43 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, sau đúng một năm khởi công xây dựng” – Chủ tịch HĐQT Thaco tự hào.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.