Xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng đến 43 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng các đại biểu tham quan xưởng chế biến rau quả xuất khẩu của Doveco ngày 11/2. Ảnh: Bình Phương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng các đại biểu tham quan xưởng chế biến rau quả xuất khẩu của Doveco ngày 11/2. Ảnh: Bình Phương
TP - Sau kỳ tích xuất khẩu trên 40 tỷ USD năm 2018, ngành nông nghiệp tiếp tục hướng đến cột mốc cao hơn trong 2019 với mục tiêu trên 43 tỷ USD. Ðể cán đích con số đó, ngoài sự góp sức từ các nông sản chủ lực như gạo, rau quả, cà phê, cao su, điều… đặc biệt, ngành còn trông chờ vào “cuộc đua song mã” của hai “ông lớn” là gỗ và thủy sản (chiếm khoảng 50% xuất khẩu toàn ngành).

Trong số các mặt hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu kỷ lục hơn 40 tỷ USD của ngành nông nghiệp năm qua, nhiều nông sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và góp sức vào mục tiêu 43 tỷ USD trong năm 2019, như rau quả, lúa gạo, cà phê, điều, cao su…

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) - một trong những DN xuất khẩu hàng đầu ngành hàng rau quả Việt Nam cho rằng năm 2019, xuất khẩu rau quả vẫn rất khả quan, nhờ tăng đầu tư vào chế biến.

Năm ngoái, rau quả thu về trên 3,8 tỷ USD từ xuất khẩu và năm nay sẽ hướng đến mục tiêu khoảng 4,3 tỷ USD. Theo ông Khuê, Doveco sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu chanh leo, vải, rau chân vịt, xoài, dứa… sang Israel, EU, Mỹ, Trung Quốc.

“Năm 2019, Doveco dự kiến thu về từ xuất khẩu trên 2.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Ngay 11/2, Doveco đã xuất lô chanh leo đầu tiên sang Nhật Bản”, ông Khuê nói.

Tuy nhiên, để tiếp tục giữ đà tăng trưởng của ngành được xem là “hot” này, ông Khuê cho rằng, Việt Nam cần làm tốt khâu thị trường, sản phẩm phải đảm chất lượng và phải sạch khi chế biến.

Trong khi đó, với mặt hàng cao su, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định, năm 2019, giá cao su xuất khẩu có khả năng cũng chỉ tương đương năm 2018.

Xuất khẩu cao su năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 1,5 triệu tấn, kim ngạch hơn 2,2 tỷ USD. “Tuy sản lượng cao hơn, nhưng do giá xuất khẩu giảm hơn 20% so với năm 2017, nên kim ngạch cũng giảm”- ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, năm ngoái, giá cao su thiên nhiên thế giới có chiều hướng giảm do áp lực hàng tồn kho lớn ở các nước trong khu vực, trong khi nhu cầu nhập khẩu cao su và tiêu thụ ô tô của thị trương Trung Quốc sụt giảm.

“Không có con đường nào khác ngoài phương châm là quyết liệt chỉ đạo, “gõ” trách nhiệm người đứng đầu cao hơn. Từng tổng cục phải đề ra phương án, kế hoạch điều hành sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đột phá trong cải cách hành chính. Cục nào làm chưa tốt thì phải tìm giải pháp điều chỉnh, sửa chữa. Ðã nói là phải làm để cho ra kết quả, sản phẩm thực tế. Hy vọng rằng năm 2019 , Ngành sẽ vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng so với năm 2018”

Bộ trưởng NN&PTNT 

 Nguyễn Xuân Cường

Trước tình hình bất ổn của thị trường, Chủ tịch VRG lưu ý, với những diện tích bắt đầu đưa vào khai thác mủ thì nên hoãn, tránh làm tăng nguồn cung…“Hiệp hội sẽ tìm kiếm sự hợp tác quốc tế, nhằm tìm sự đồng thuận giữa các nước sản xuất cao su thiên nhiên để điều chỉnh giá xuất khẩu”- ông Thuận nói.

Với mặt hàng gạo, 2018 là năm được mùa, được giá với kim ngạch hơn 3 tỷ USD, tăng 16,1% về giá trị so với năm 2017. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu năm qua đã tăng từ 452 USD/tấn (năm 2017) lên 502 USD/tấn, trong đó tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm tới 80%.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, năm 2019, ngành lúa gạo tiếp tục tập trung đi theo hướng sản xuất bền vững, tăng sản xuất các giống lúa chất lượng, trong đó lưu ý về vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Cục Trồng trọt đưa ra kế hoạch xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 3 tỷ USD.

Giảm giá thành, tổ chức nguồn nguyên liệu sạch

Xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2019 bên cạnh các nông sản chủ lực, sẽ phải trông chờ rất lớn vào “cuộc đua song mã”-hai lĩnh vực đóng góp lớn nhất là gỗ-lâm sản và thủy sản, với mục tiêu cán đích mỗi lĩnh vực 10,5 tỷ USD trong năm 2019.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng đến 43 tỷ USD ảnh 1

Ngành cá tra tiếp tục có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm ngoái, ngành hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu mức kỷ lục với trên 9,3 tỷ USD và năm 2019 kỳ vọng sẽ cán đích 10,5 tỷ USD, với các thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Quyền cho biết, để Việt Nam từng bước trở thành trung tâm, công xưởng sản xuất gỗ của thế giới, cần giải quyết vấn đề về gỗ nguyên liệu sạch phục vụ cho công nghiệp chế biến. Muốn vậy, cần phải đầu tư về công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, công nghiệp chế biến tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu và thân thiện môi trường.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho hay, với tốc độ tăng khoảng 15%/năm, khả năng 10,5 tỷ USD xuất khẩu là “trong tầm tay”.

Theo ông, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã khiến các DN chế biến gỗ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Đặc biệt các đơn hàng từ hai thị trường rất lớn là Mỹ, Nhật Bản tìm đến Việt Nam nhiều hơn trước, và đây cũng là cơ hội giúp ngành chế biến gỗ Việt Nam tăng trưởng tốt hơn”- ông Thanh nói.

Trong khi đó, về thủy sản, cùng với việc rút “thẻ vàng” của EU, lĩnh vực này sẽ tập trung cho khâu nuôi trồng, chế biến và đẩy mạnh lực là cá tra và tôm. Năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ của mặt hàng cá tra, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD (tăng 26,4%) và năm 2019 vẫn có nhiều cửa sáng.

“Vua cá tra”  Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương sau một thời gian vật lộn với những khoản nợ, cũng nhận định cá tra tiếp tục có cơ hội tăng trưởng, đặc biệt là thị trường Mỹ, Trung Quốc.

Theo ông Minh, hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hùng Vương (chiếm 32% kim ngạch xuất khẩu), tiếp đó là Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha…

Đặc biệt, hồi tháng 9/2018, Mỹ đã hạ mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc, là về 0 USD/kg (đối với Công ty Hùng Vương) và 1,37 USD/kg (đối với Nha Trang Seafood)… “Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó. Đây là tín hiệu tốt, mở ra một năm đầy triển vọng cho Hùng Vương”- ông Minh cho biết.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú kỳ vọng, năm 2019 ngành tôm sẽ tăng trưởng trở lại, sau một năm khó khăn chung do giá thế giới giảm.

Ông Quang cho biết, năm ngoái, giá tôm toàn cầu giảm gần 25%, tuy nhiên, Minh Phú vẫn đạt sản lượng trên 67.600 tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 750 triệu USD, tăng hơn 7% so năm trước.

Theo ông Quang,  năm 2019, Minh Phú sẽ mở rộng diện tích công nghệ mới nuôi tôm 3 vụ, đạt tỷ lệ sống tới 95%, giúp giảm giá thành, rủi ro thấp. Từ đó, Minh Phú sẽ cạnh tranh tốt hơn với các DN xuất khẩu đối thủ từ Ấn Độ, Indonesia.

Ông Quang cũng cho biết, Minh Phú sẽ giữ vững tỷ lệ xuất khẩu tôm sang Mỹ (khoảng 40%) và có sẵn những công cụ đối phó với những rủi ro của thị trường này, đồng thời mở rộng sang thị trường Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".