Theo đó, tại Quảng Ngãi, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ), toàn bộ đàn gia cầm 2.800 con đã được tiêu hủy. Lực lượng thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Trong khi đó, ở Bạc Liệu đã xảy ra một ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N1 tại một hộ chăn nuôi ở Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long), làm 700 con gà bị ốm và 400 con gà chết. Toàn bộ đàn gà mắc bệnh còn lại (gần 2.800 con) đã được tiêu hủy.
Theo Cục Thú y, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Mặt khác, một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm từ Trung Quốc vào trong nước có nguy cơ rất lớn.
Đáng lo ngại, dịch có thể lan nhanh từ hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Do vậy, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có công điện, yêu cầu yêu cầu dừng mọi hoạt động giao dịch buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm ở khu vực biên giới với Trung Quốc, kể cả hàng biếu tặng.
Hiện lực lượng thú y đã chỉ đạo toàn hệ thống, tăng cường tổ chức giám sát; kiểm tra về sự lưu hành của chủng virus cúm A/H7N9 nhằm phát hiện sớm các ổ dịch và lưu hành mầm bệnh để xử lý theo quy định.
Ngoài ra, Cục Thú y cũng cử đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh cum gia cầm ở các tỉnh biên: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Hà Nội.
Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát thú y để sử dụng làm thực phẩm.