Xuất hiện chiêu lừa đảo qua điện thoại cố định

Lừa đảo qua điện thoại cố định ngày càng phức tạp
Lừa đảo qua điện thoại cố định ngày càng phức tạp
TPO - Một số đối tượng đã gọi điện đến các số điện thoại cố định để nhắc nợ cước với số tiền lớn, hoặc thông báo gia đình có bưu phẩm được nhận…, với mục đích lừa đảo.

Gần đây, PV Tiền Phong nhận được một số cuộc gọi vào điện thoại cố định. Đầu tiên là cuộc gọi tới nhà riêng, khi PV nghe máy thì đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ miền Nam (không nói trực tiếp mà được ghi âm từ trước) thông báo có người gửi cho gia đình một gói bưu phẩm, đề nghị bấm số 9 để biết chi tiết. Mặc dù không tin, nhưng PV vẫn bấm số 9 để biết thực hư chuyện này. Khi điện thoại chuyển kết nối, được một phụ nữ trực tiếp nghe máy và hỏi một số thông tin cá nhân về gia đình để kiểm tra việc nhận quà. Tuy nhiên sau cuộc đối thoại trên, đã hơn một tuần trôi qua, gia đình chưa nhận thêm được thông tin tiếp theo về việc nhận quà.

Sau sự việc trên ít ngày, PV Tiền Phong lại nhận được một cuộc điện thoại với nội dung tương tự gọi vào điện thoại cố định của cơ quan. Tuy nhiên, khi bấm tiếp số 9 theo hướng dẫn thì máy không chuyển tiếp được kết nối. Hôm sau, một đồng nghiệp cùng phòng lại nhận được một cuộc điện thoại nữa vào máy cố định, nhưng lần này lại được thông báo về chuyện nợ cước điện thoại, nếu không thanh toán sẽ bị kiện ra tòa. PV lắng nghe xem có hướng dẫn gì thêm thì máy bị ngắt.

Ngoài hiện tượng trên, PV được chị V., một bạn đọc tại Hà Nội cho biết, cách đây hơn nửa tháng, chị cũng nhận được một cuộc gọi vào điện thoại cố định của gia đình. Hôm đó khi nghe máy, chị V. cũng được một giọng nói miền Nam thông báo chị nợ nhiều tiền cước điện thoại, hãy bấm số 9 để biết chi tiết. Khi bấm chuyển tiếp, chị V. được một người xưng là người của tòa án thành phố Hồ Chí Minh thông báo chị nợ cước điện thoại với số tiền lớn mà không trả, nay đã bị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) kiện ra tòa. Chị V. liền nói mấy năm nay chị chưa vào TP. Hồ Chí Minh, vậy sao có thể nợ tiền cước ở tận trong đó. Người xưng là cán bộ tòa án cho biết, đây có khả năng là vụ lừa đảo, vậy cần nối máy cho chị với công an để điều tra thêm.

Khi máy được chuyển tiếp, một người xưng là công an hỏi chị V. có thể vào TP. Hồ Chí Minh để hợp tác điều tra về sự việc này không? Chị V. nói mình bận việc không đi được, thì người xưng là công an đề nghị chị cung cấp một số thông tin cá nhân, sau đó gợi chuyện hỏi chị V. có sổ tiết kiệm không, gửi ở ngân hàng nào? Đến đây, chị V. đã bình tĩnh, nói: “Tôi nghĩ nếu mình nợ cước thì VNPT phải có thông tin trực tiếp gửi cho tôi, nhưng chẳng thấy chuyện này. Tôi có người nhà làm việc liên quan đến pháp luật, nên sẽ hỏi lại sự việc xem sao”.

Nghe vậy, người xưng là công an vội nói chị V. đừng nói chuyện này cho ai, vì sự việc vẫn đang điều tra. “Tôi nghĩ chuyện này có vấn đề nên sau đó đã kể lại cho người nhà. Nay sẵn có số điện thoại của hai người tự xưng là cán bộ tòa án và công an tại TP. Hồ Chí Minh đọc cho ghi bữa trước, tôi gọi thử thì đều không liên lạc được”- chị V. cho biết.

Trước hiện tượng trên, PV Tiền Phong đã gọi điện cho Tổng đài Chăm sóc khách hàng (số 024.800126) của VNPT Hà Nội để thông tin sự việc, được nhân viên tổng đài cho biết đó là những cuộc gọi với mục đích lừa đảo. Đối tượng đã lập số máy giả mạo, rồi tạo những thông tin khiến người nghe phải chú ý (như gia đình được nhận hàng, nợ cước điện thoại…) để khai thác những thông tin cá nhân của người dân để lừa đảo. Hiện VNPT đã vào cuộc để ngăn chặn. Khi người dân nhận được những cuộc điện thoại tương tự nên dập máy để cắt liên lạc.

MỚI - NÓNG