Xứ ‘vọc bùn’ tất bật vào Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cứ đến 23 tháng Chạp, sau khi đưa ông Táo về trời, người dân một số tỉnh miền Tây sẽ bắt đầu “thay nhà mới”, để ông bà Táo có nơi cư ngụ khang trang hơn khi từ thiên đình trở về. Phong tục này đã khiến nghề làm “ông Táo” tất bật mỗi dịp cuối năm.

Xứ “vọc bùn” vào Tết

Gần Tết là dịp xứ “vọc bùn” ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang lại nhộn nhịp hẳn lên. Trên bờ, dưới sông tấp nập xe tải, ghe tàu chờ lấy lò đất để chở đi bán khắp các tỉnh thành miền Tây cho kịp ngày đưa ông Táo về trời. Bà con làm lò đất cũng tất bật ngày đêm hoàn thành các đơn hàng.

Bà Lê Thị Thuỷ (50 tuổi, ngụ xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là thế hệ thứ hai trong gia đình có truyền thống làm lò đất, mà người dân quen gọi là “ông Táo”.

Xứ ‘vọc bùn’ tất bật vào Tết ảnh 1
Xứ ‘vọc bùn’ tất bật vào Tết ảnh 2

Bà Lê Thị Thuỷ là thế hệ thứ 2 trong gia đình có truyền thống làm lò đất (ảnh lớn); Ghe của chị Lê Kim Phúc chất đầy ắp lò đất chuẩn bị giao hàng dịp đưa ông Táo về trời Ảnh: Kim Hà

“Ba má tôi làm nghề này trên 40 năm. Hồi đó, bà con ở đây đi ghe vào Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) để mua lò về xài, rồi học được cái nghề đem về đây làm. Khi 15 - 16 tuổi, mấy anh chị em tôi cũng tập tành làm theo ba má, rồi yêu nghề gắn bó tới bây giờ”, bà Thuỷ tâm sự. Lúc mới manh nha, ở đây chỉ có vài nhà làm, rồi từ từ thấy nghề này sống được nên nhiều người cũng theo học. Thời hoàng kim có gần 100 hộ làm nghề lò.

Để làm được một chiếc lò hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn và qua bàn tay của chục người thợ. Mỗi công đoạn do mỗi người thợ khác nhau làm.

Lấy chồng về xứ “vọc bùn” này hơn 20 năm, đó cũng là khoảng thời gian mà chị Trần Thị Lý (43 tuổi) gắn bó về nghề làm lò đất. Xắn miếng bùn trên tay, chỉ trong vòng giây lát chị Lý đã nắn xong một “ông Táo”. Tuy nhiên, người thợ này cho biết, nhìn thì thấy dễ nhưng khâu nắn “ông Táo” là khâu khó nhất trong các công đoạn nên không phải ai cũng làm được. “Nắn ông Táo là khó nhất, giống như người nào được “chọn” mới làm được vậy đó. Hồi trước, tôi phải mất 2 năm trời mới học nắn được 3 ông Táo”, chị Lý nói.

Sau khi chiếc lò được nắn thành hình, còn phải phơi nắng thêm 5 ngày. Đến khi khô, người thợ mới đem lò xếp vào bồn nung thêm 1 tuần nữa. Thông thường, mỗi bồn nung sẽ có công suất từ 350 - 700 chiếc lò, người thợ phải xếp làm sao để khi đổ trấu vào bên trên, đốt lửa lên mà chúng có thể len lỏi xuống phía dưới làm chín đều tất cả các lò, kể cả những chiếc nằm sâu bên dưới mà không cần phải xoay trở.

Phong tục đổi lò mới

Cụ Trần Thị Le (71 tuổi, ngụ tại địa phương) cho biết, cứ 10 ngày, hộ của cụ cho ra một ổ lò. Từ đây đến cuối năm, dự kiến sẽ xuất xưởng khoảng 2.000 chiếc lò.

Ngồi nghỉ trưa sau khi phơi xong mớ lò mới nắn, bà cụ tâm sự: “Nghề làm lò đất ở đây tụi tôi làm quanh năm, nhưng vô cùng vất vả. Có lần con tôi bỏ đi Bình Dương làm công nhân cho khoẻ nhưng chẳng thấy dư, lại xa quê nên rồi cũng quay về làm cái nghề này”.

Lý giải chuyện chiếc lò đất vẫn hút hàng trong thời hiện đại, cụ Le nói: “Bà con mình có tục thờ ông Táo là Thần Bếp trông coi việc bếp núc, củi lửa có ý nghĩa che chở cho cuộc sống con người; ông Táo còn có nhiệm vụ ghi chép mọi diễn biến suốt một năm trong nhà, rồi mang sớ về trời tâu với Ngọc Hoàng. Vì vậy, vào 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời, người ta sẽ mua bếp lò mới để thay cho cái cũ, giống như thay nhà mới để ông bà Táo sau khi từ thiên đình trở về sẽ có nơi ở mới nên lò đất rất hút hàng dịp Tết hằng năm”.

Ngoài ra, theo bà cụ, có những món ăn chỉ nấu bằng bếp củi mới ngon. “Thời đại bây giờ có bếp ga, bếp điện vô cùng tiện lợi nhưng để nấu được món ăn có hương vị đậm đà, thơm ngon thì không qua được bếp củi. Ví dụ như Tết nấu nồi thịt kho hột vịt, tôi vẫn chọn nấu bằng bếp củi; để lửa liu riu, nồi thịt sắc lại vàng ươm, vị lại thơm ngon hơn rất nhiều lần so với bếp ga, bếp điện. Hoặc nấu bánh tét, làm bánh khọt, bánh xèo, nướng khô, nướng cá,... dùng bếp củi đều cho ra hương vị rất ngon”, cụ Le chia sẻ.

Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm lò đất, đến thời chị Lê Kim Phúc (21 tuổi, ngụ tại địa phương) thì chuyển sang hình thức kinh doanh, đưa chiếc lò đất Phú Thọ - Phú Tân đến khắp các tỉnh thành như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang,...Mỗi chuyến, chị Phúc lấy khoảng 2.000 chiếc lò đất, cùng vài trăm chiếc nồi đất, xoong đất,... vừa bán lẻ, vừa bỏ mối đến khi nào hết thì quay về tiếp tục chuyến khác.

MỚI - NÓNG