Theo Luật GTĐB mới, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH) có cài quai đúng quy cách. Trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 146 có quy định trẻ em từ sáu tuổi trở lên phải đội MBH, nhưng vì đang dự thảo nên hiểu theo nội dung Luật mới, trẻ sơ sinh cũng phải đội MBH.
Để xác định tuổi của trẻ đội MBH hay được phép chở ba (trẻ em được chở thêm trên xe mô tô, xe gắn máy phải dưới 14 tuổi và xe đạp là dưới bảy tuổi), CSGT chủ yếu xử lý bằng cảm quan.
Theo như Cục CSGT Đường bộ-Đường sắt (C26); căn cứ vào chiều cao, cân nặng và cách nói của trẻ em để xác định độ tuổi, nếu không phụ huynh phải trình giấy khai sinh con mình. Như vậy, sẽ diễn ra tình trạng: CSGT khi làm nhiệm vụ ngoài các dụng cụ đo nồng độ cồn còn phải mang theo thước đo chiều cao, cân nặng; Nếu không, các cháu dưới 14 tuổi đi đâu cũng phải mang giấy tờ tùy thân là giấy khai sinh để khi cần có thể chứng minh độ tuổi ngay.
Lái xe ô tô theo Luật GTĐB mới quy định không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá bốn giờ (Chương VI, mục 1 trong hoạt động vận tải đường bộ). Đây là quy định nhằm đảm bảo sức khỏe cho bác tài-người nắm giữ sinh mệnh nhiều người khác trên xe. Vậy ai sẽ giám sát bác tài để bắt nghỉ khi lái liên tục bốn giờ đồng hồ?
Cho đến giờ, dự thảo liên quan tới việc lắp thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) vẫn chưa xong. Cục Đường bộ Việt Nam mới có ý kiến lùi thời điểm lắp tới năm 2010.
Từ 1/7, người lái ô tô bị cấm tiệt uống, ăn chất có chứa nồng độ cồn vì nồng độ trên 0 phần trăm là bị xử phạt. Điều này nhằm đảm bảo an toàn giao thông vì có nhiều vụ TNGT liên quan tới rượu, bia diễn ra.
Tuy nhiên, trường hợp người lái ô tô dùng các loại dược phẩm chữa bệnh có chứa cồn cũng là một thách thức cho lực lượng tuần tra kiểm soát. Đương nhiên như Tiền Phong từng có bài phỏng vấn C26, dân có quyền từ chối đo nồng độ cồn nếu ống thổi mất vệ sinh.
Trường hợp, có biểu hiện uống rượu bia nhưng từ chối sự kiểm tra của cơ quan chức năng cũng bị phạt như người vi phạm (ở mức quá nồng độ cồn cho phép).
Liên quan Thông tư 08 (hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa) do Bộ GTVT ban hành, UBND tỉnh quy định phạm vi, tuyến đường hoạt động, thời gian hoạt động đối với từng loại phương tiện để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Như vậy, ngoài việc xe ôm phải mặc đồng phục, có biển hiệu riêng, những người hành nghề này phải hoạt động trên tuyến đường được quy định.
Một số vấn đề trên đây khi PV Tiền Phong nêu với các bên có trách nhiệm thì cũng không nhận được những trả lời thấu đáo.