Sóc Sơn cưỡng chế cầm chừng
Sóc Sơn là quần thể núi, ao hồ, gần trung tâm Hà Nội nhất, là nơi lý tưởng để những người có điều kiện xây dựng công trình nghỉ dưỡng. Vì thế, việc xây dựng các công trình trên núi, bên hồ tại đây diễn ra từ lâu và sai phạm được nhắc đến từ khoảng năm 2006. Theo kết luận của Thanh tra Hà Nội công bố vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, chỉ tính riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí (hai xã thuộc huyện Sóc Sơn có diện tích đất đai lớn nằm trên dãy núi Sóc Sơn) có gần 800 công trình xây trên đất rừng. Vài ngày sau công bố, ngày 25/3/2019, tại phiên giải trình Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo “xử lý dứt điểm” theo kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên những ngày qua, tại xã Minh Trí và Minh Phú, việc cưỡng chế công trình vi phạm theo kết luận thanh tra hầu như chưa diễn ra hoặc diễn ra rất chậm chạp. Tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú có 18 công trình xây dựng trên đất rừng từ năm 2017 - 2018 buộc phải tháo dỡ ngay.
Trong đó, công trình được kết luận có vi phạm lớn nhất thuộc khu du lịch Thiên Phú Lâm. Khu du lịch này với diện tích 57.500 m2, gồm 21 hạng mục như: nhà ăn, nhà làm việc, nhà nghỉ cho khách... không có thay đổi gì từ khi kết luận thanh tra được ban hành; vẫn hoạt động, đón khách đến trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Nhân viên bán vé trong khu du lịch cho biết, vào cuối tuần, khách thuê nghỉ có mức giá 4 triệu đồng/ngày với phòng cao cấp và 1,5 triệu đồng/ngày với phòng bình dân, còn các ngày khác trong tuần thì giảm 500 nghìn đồng/phòng. “Ngày cuối tuần, khách đến khu du lịch đông hơn ngày thường. Báo chí phản ánh ồn ào về vi phạm của khu du lịch thời gian qua, song lượng khách các ngày cuối tuần luôn đông đúc”, một nhân viên làm tại khu du lịch Thiên Phú Lâm khoe.
Cạnh khu vực đó, một số biệt thự sang trọng đang phá hàng rào, tháo một phần mái rồi trùm bạt quây kín. Tuy nhiên, quan sát hồi lâu, chúng tôi không thấy thợ hay công nhân tiếp tục công việc phá dỡ. Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết: UBND xã đang tiến hành cưỡng chế 12 trong tổng số 18 công trình. “Nhiều căn biệt thự mới chỉ phá phần mái bên trên hoặc một phần vì đợi người dân chuyển sang chỗ khác sinh sống mới làm tiếp. Các công trình vi phạm trước năm 2017 và khu du lịch Thiên Phú Lâm, UBND xã có lộ trình xử lý sau”- ông Tâm lý giải.
Biệt phủ của gia đình ca sỹ Mỹ Linh cũng nằm tại xã Minh Phú, được các kết luận trước đây xác định có sai phạm một phần. Tuy nhiên, đến nay, công trình này vẫn không suy chuyển. Ông Nguyễn Đức Tâm cho biết, nhà ca sỹ Mỹ Linh không nằm trong danh sách cưỡng chế đợt này vì … vi phạm trước năm 2017.
Tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí có 22 công trình được xác định buộc phải tháo dỡ ngay, trong đó có vi phạm nổi bật là tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden của bà Lê Thị Lan Hương với diện tích gần 20.000m2, gồm 5 công trình dạng biệt thự. Theo quan sát, tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden vẫn sừng sững ven hồ Đồng Đò, chưa bị sứt mẻ mảng tường nào. Cùng với đó, hàng loạt căn biệt thự khác ở khu vực ven hồ này vẫn y nguyên. Các căn biệt thự to lớn và nhà hàng ven hồ này tạm dừng hoạt động. Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí giải thích rằng, trong tháng 4/2019, UBND huyện Sóc Sơn ban hành quyết định cưỡng chế 22 công trình vi phạm trên đất rừng ở thôn Minh Tân. Sau đó, UBND xã có xây dựng kế hoạch thực hiện cưỡng chế. “Tuy nhiên, do chủ các công trình vi phạm có đơn khiếu nại lên các cấp nên UBND xã tạm dừng việc cưỡng chế để đợi giải quyết xong khiếu nại của người dân” - ông Nhuận nói.
Hiện nay, các thông tin rao “bán nhanh”, “bán gấp” nhà kèm vườn với gợi ý có thể xây khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại hai xã Minh Phú, Minh Trí xuất hiện nhiều trên mạng với giá giao động 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, những người môi giới bất động sản lại khá dè chừng khi tiếp cận với những ai hỏi mua. Anh Nguyễn Văn K, chủ một văn phòng bất động sản ở xã Minh Phú chia sẻ, từ khi báo chí phản ánh về tình trạng vi phạm trên đất rừng ở Sóc Sơn thì việc mua bán đất rừng để xây biệt thự gặp khó khăn hơn trước. “Gần đây cơ quan chức năng của huyện đã cấm việc mua bán các công trình vi phạm trên đất rừng, nên rất khó giao dịch” - anh K nói.
Khu sinh thái tại thôn 7 xã Ba Trại (Ba Vì) rộng gần 30.000m2 với hơn 20 biệt thự nghỉ dưỡng, bể bơi, sân tennis, sân bóng đá
Ba Vì - vi phạm trơ lỳ và tái diễn
Ba Vì cũng là vùng núi, sơn thủy cạnh Hà Nội nên thích hợp cho việc nghỉ dưỡng của người dân và giới có tiền của Thủ đô. Ngoài các dự án được cấp phép, tại đây xuất hiện nhiều biệt phủ, khu nghỉ dưỡng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Vi phạm tại vùng núi Ba Vì kéo dài, nghiêm trọng đến mức Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc. Trong thông báo kết luận công bố tháng 3 vừa qua, Ủy ban kiểm tra Trung ương chỉ đạo kỷ luật nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Ba Vì. Sau đó, UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo Thanh tra thành phố đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung các kết luận thanh tra tại khu vực thôn Chóng, khu đồi Đá bạc, xã Yên Bài và khu đồi Đống, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, ít nhất 2 công trình vi phạm lớn trong chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội nêu trên chưa được phá dỡ. Tại thôn Chóng, xã Yên Bài, hơn 50 biệt thự của dự án Điền Viên Thôn hoàn thiện nhiều năm nay, được xác định là xây dựng trên đất nông nghiệp. Theo quan sát của phóng viên những ngày qua, khu dịch vụ này không có khách, chỉ có một số nhân viên trông coi, lau dọn. Ngay từ cổng Điền Viên Thôn, UBND xã Yên Bài có bản thông báo khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không xây dựng, lưu trú, kinh doanh nhưng chưa có dấu hiệu phá dỡ. Tại Đồi Đống, xã Vân Hòa có 25 căn biệt thự xây dựng sai phép trên diện tích hàng ngàn mét vuông vẫn không bị cưỡng chế như quy định.
Ngoài các địa chỉ vi phạm quen thuộc nêu trên, phóng viên ghi nhận nhiều công trình vi phạm hầu như chưa được dư luận biết đến. Tại thôn 7 xã Ba Trại, một khu sinh thái rộng gần 30.000m2 được ông Nguyễn Hà Hòa (thường trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) xây dựng trên đất nông nghiệp. Trong quy hoạch, dù chỉ được phép sử dụng 2.000m2 để làm nhà kho, chuồng trại và phòng điều hành nhưng ông Hòa cho xây dựng hàng chục căn hộ nghỉ dưỡng, mỗi căn diện tích từ 100-200m2. Khu sinh thái còn có cả lối đi bằng bê tông, sân bóng đá, bể bơi, sân tenis, tường xây xung quanh cao đến 2m.
Ông Hoàng Văn Chuyển, Phó chủ tịch UBND xã Ba Trại thừa nhận, khu sinh thái rộng lớn được xây dựng từ năm 2010, đến ngày 23/9/2016 UBND xã Ba Trại ra quyết định xử phạt ông Hòa vì tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Ngày 28/3/2019, UBND huyện Ba Vì có thông báo yêu cầu ông Nguyễn Hà Hòa tự tháo dỡ công trình sai phạm trước ngày 25/4. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trôi qua, công trình vẫn yên vị. Người dân địa phương cho hay, dịp cuối tuần có một số xe ô tô và du khách đến nghỉ dưỡng.
Tại xã Đông Quang, dọc bờ đê thôn Cao Cương xuất hiện nhiều căn nhà, biệt thự bề thế, được xây dựng từ 2 đến 3 tầng diện tích khoảng 200m2, bao quanh là vườn cây rộng hàng trăm mét vuông; trong đó có nhiều công trình màu sơn, mái ngói còn mới tinh. Khu đất trong và ngoài đê sông Hồng, nhiều ngôi nhà thiết kế dạng biệt thự có ao cá, hòn non bộ vừa đưa vào sử dụng. Xem xong hình ảnh phóng viên cung cấp, ông Vũ Văn Triệu, Phó chủ tịch UBND xã Đông Quang thừa nhận, những căn biệt thự này được xây dựng trên đất nông nghiệp, hoặc đất lúa chuyển sang đất trồng cây lâu năm, chăn nuôi. “UBND huyện Ba Vì đang yêu cầu chúng tôi rà soát từng trường hợp vi phạm. Chưa có quyết định cụ thể, nhưng nếu xây dựng trên đất nông nghiệp sẽ kiên quyết cưỡng chế”.
Quá trình phát hiện, xử lý sai phạm ở Sóc Sơn, Ba Vì
Tháng 4/2006, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã. Thanh tra Chính phủ lúc đó chỉ ra 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp tại Sóc Sơn. Từ đó đến nay, các cấp của thành phố Hà Nội tiếp tục phát hiện nhiều công trình vi phạm. Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội vào tháng 3/2019, trên địa bàn 9 xã của huyện Sóc Sơn có gần 1.000 trường hợp vi phạm đất rừng.
Tại Ba Vì, việc gom đất xây dựng trái phép bắt đầu diễn ra quy mô lớn vào năm 2011, điển hình là dự án Điền Viên Thôn. Tháng 3/2019, do để xảy ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai, không thực hiện nghiêm kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội…, nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Ba Vì bị Ủy ban kiểm tra Trung ương yêu cầu kỷ luật cảnh cáo, khiển trách.
Lãnh đạo huyện Ba Vì: “Đang lên kế hoạch”
Ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch, huyện Ba Vì cũng xây dựng kế hoạch, sau đó sẽ rà soát tất cả các danh mục và điều hướng xử lý huyện sẽ đề xuất để thành phố cho ý kiến từng trường hợp cụ thể. “Xử lý giải quyết như thế nào, trường hợp nào được hợp thức hóa, trường hợp nào phải cưỡng chế, trường hợp nào hoàn tất thủ tục hồ sơ đều thực hiện đúng quy định, sớm có kết quả” – ông Tiến nói.
Võ Hóa (ghi)
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Sẽ nêu vấn đề này trong phiên chất vấn của Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân:
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, những sai phạm về đất đai ở Sóc Sơn, Ba Vì diễn ra nhiều năm, dư luận rất bức xúc, nhưng sự vào cuộc của chính quyền các cấp rất chậm, giải quyết chưa thấu đáo. Nguyên nhân không chỉ năng lực bộ máy mà còn là phẩm chất, năng lực cán bộ. Việc Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vào cuộc, xử lý đến cả cấp huyện (Ba Vì - PV); sự “vượt cấp” như vậy cho thấy mức độ khá nghiêm trọng của sự việc.Trường hợp sự việc tiếp tục không tiến triển, đại biểu Vân cho rằng, UBKT có thể kiểm tra việc chấp hành, thực thi kết luận kiểm tra mà mình đã ban hành. “Nếu như sự chây ì thuộc về trách nhiệm của những cán bộ có chức vụ quyền hạn liên quan mà không tuân thủ kết luận của UBKT Trung ương thì phải xử lý tiếp”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Đại biểu Vân cho hay, sai phạm đất đai ở Sóc Sơn, Ba Vì là vấn đề dư luận rất quan tâm đại biểu Vân sẽ đăng ký, nêu vấn đề này trong phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.
Bảo An (ghi)