Xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật còn nặng tính trừng phạt

Xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật còn nặng tính trừng phạt
TP - Theo cơ quan chức năng, trẻ em và người chưa thành niên (NCTN) vi phạm pháp luật, bị xâm hại tiếp tục có xu hướng gia tăng, trong khi hệ thống tư pháp dành cho các nhóm đối tượng này chưa đầy đủ, việc xử lý mang nặng tính trừng phạt.

> Sẽ thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên

Nhiều ý kiến cho rằng, còn ít chế tài thay thế biện pháp giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội (ảnh minh họa). Ảnh: B.T
Nhiều ý kiến cho rằng, còn ít chế tài thay thế biện pháp giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội (ảnh minh họa). Ảnh: B.T.

Mỗi năm, 15.0000 trẻ em vi phạm pháp luật

Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có khoảng 15.000 trẻ em (bao gồm cả NCTN) vi phạm pháp luật, trong đó chiếm tỷ lệ cao là từ 16 đến dưới 18 tuổi, trẻ em nam chiếm hơn 90%.

Các hành vi nhóm này gây án chủ yếu là trộm, cướp giật, gây rối trật tự, cố ý gây thương tích. Trung bình có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm và có chiều hướng gia tăng, trong đó trẻ em gái chiếm hơn 60%.

Xâm hại tình dục là hình thức xâm hại trẻ em phổ biến nhất, còn lại là cố ý gây thương tích, bị mua bán, bắt cóc, bóc lột sức lao động...

Là người từng tham gia điều tra các vụ án liên quan đến trẻ em, thượng tá Chu Hoành Tuấn (Cục CSĐT tội phạm về TTXH Bộ Công an) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị xâm hại, vi phạm pháp luật là các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, thiếu các biện pháp hỗ trợ hữu hiệu cho nhóm đối tượng này.

“Khi trẻ em vi phạm pháp luật, mặc dù cơ quan điều tra đang giảm bớt khởi tố hình sự, đưa về các trung tâm giáo dục cộng đồng, nhưng cũng không nên bỏ qua nhóm đối tượng này, cần quan tâm hơn nữa. Thực tế số trẻ em tái phạm còn cao, từ 4-5%. Để hạn chế tỷ lệ tái phạm đối với nhóm đối tượng này rất cần vai trò của các cấp chính quyền địa phương” - ông Tuấn nói.

Còn ít chế tài thay thế việc giam giữ

Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em (UNICEF), cho rằng, việc xử lý NCTN vi phạm pháp luật của Việt Nam vẫn còn mang nặng tính trừng phạt nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Bộ Tư pháp phối hợp với UNICEF đã thực hiện xong giai đoạn 1, bắt đầu giai đoạn 2 Dự án Hệ thống tư pháp thân thiện với NCTN. Dự án có mục tiêu bảo vệ tất cả trẻ em và NCTN, bao gồm cả vi phạm pháp luật và bị xâm hại.

Hiện chế tài đưa vào trường giáo dưỡng với thời hạn cao nhất là 2 năm đang được sử dụng khá phổ biến, còn ít các chế tài thay thế biện pháp giam giữ.

Các chương trình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cũng như các dịch vụ hỗ trợ khác cho đối tượng này tại cộng đồng và trong các cơ sở giáo dưỡng còn hạn chế, thường chỉ được thực hiện một lần và chất lượng chưa cao...

Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cũng cho rằng, các dịch vụ liên quan đến hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng chưa được xác định cụ thể trong khi các trường hợp bị xâm hại cần có những can thiệp kịp thời, hỗ trợ phục hồi.

“Ở góc độ tư pháp chỉ có dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Đối với dịch vụ này, trẻ em ở vùng sâu vùng xa hoặc ở những nơi có trình độ dân trí thấp khó tiếp cận được. Nếu họ biết để tiếp cận thì lại sợ phải trả tiền. Sắp tới chúng ta cần rà soát lại các dịch vụ, xác định rõ từng loại hình, hệ thống lại, phân bố hợp lý, để bảo vệ trẻ em tốt hơn” – ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho rằng, cách bảo vệ trẻ em tốt nhất là tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật, giúp cho trẻ em và NCTN nâng cao nhận thức, bởi thực tế có nhiều trẻ em vi phạm pháp luật mà không biết mình vi phạm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG