Bạo lực trong các cuộc biểu tình Áo Vàng ở Pháp đã buộc Tổng thống Emmanuel Macron phải hứa nhượng bộ tốn kém. Điều này đặt ra câu hỏi rằng một chính phủ, và một nhà lãnh đạo quốc gia, nên ứng phó với một nổi dậy trên Facebook như vậy như thế nào. Đã có rất nhiều tiền lệ, cả thành công và thảm hoạ.
Thứ Ba tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng phong trào Áo vàng tại Pháp để khẳng định tính đúng đắn của vụ bắt giữ nhà hoạt động 77 tuổi Lev Pônmaryov vì đã kêu gọi biểu tình. “Chúng ta không muốn những sự kiện như ở Paris, nơi người ta cậy đá lát vỉa hè lên và đốt mọi thứ, rồi đất nước rơi vào tình trạng khẩn cấp, phải không?” Ông Putin nói với Hội đồng nhân quyền Nga.
Câu trả lời của ông Putin đối với phong trào Áo vàng phiên bản Nga là trấn áp các thủ lĩnh biểu tình và nhốt họ sau song sắt trong mấy tuần mỗi khi họ tổ chức biểu tình không phép.
Chiến thuật của ông Putin phức tạp hơn là chỉ sử dụng bạo lực, một công cụ đã dẫn đến sự sụp đổ của những chế độ tận dụng nó, như ở Libya năm 2011 và Ukraine năm 2014; dẫn đến nội chiến kéo dài, như ở Sỷia; hay nỗ lực đảo chính sau bạo lực, như ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Nhưng bạo lực là công cụ khó sử dụng để đối phó với kiểu nổi dậy trên Facebook, nơi không có người cầm đầu nào. Ông Macron sẽ không đi đến đâu nếu trừng phạt quản trị viên các nhóm trên Facebook. Hàng loạt quản trị viên mới sẽ xuất hiện chỉ sau 1 đêm.
Mặt khác, xử lý nhẹ tay sẽ không hiệu quả giống như dùng bạo lực không phân biệt.
Sự hào phóng của ông Macron, bao gồm lời hứa tăng lương tối thiểu và giảm thuế cho người thu nhập thấp, có thể đẩy ông vào thế khó khăn với Liên minh châu Âu (EU), khi tổ chức này đang khó chịu trước tình trạng thâm hụt tài chính ngày càng tăng. Trong khi đó, sự nhượng bộ của ông vẫn không thể làm động lòng khoảng 50% người dân Pháp, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận.
Cách nhượng bộ đó luôn có nguy cơ khuyến khích người biểu tình đòi hỏi nhiều hơn nữa. Người biểu tình khi thành công với cách này có thể chuyển sang đòi hỏi chính trị.
Có lẽ ví dụ tốt nhất trong xử lý nổi dậy trên Facebook là kinh nghiệm của Mỹ khi đối phó với phong trào Chiếm lấy phố Wall, bắt đầu từ tháng 9/2011.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đó nhiều lần nhắc lại rằng ông hiểu và ủng hộ những người biểu tình. “Chúng tôi ở cùng phía họ”, ông nói.
Nhưng ông Obama không bao giờ đưa ra lời hứa cụ thể nào đối với người biểu tình trong phong trào Chiếm lấy phố Wall. Cũng giống phong trào Áo vàng hiện nay ở Pháp, họ không có người cầm đầu mà tự tập hợp với nhau qua mạng xã hội với khẩu hiệu: “Chúng tôi là 99%”.
Tất cả những gì mà ông Obama đưa ra là “lập ra một hệ thống mà trong đó những ai làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm và hoàn thành nghĩa vụ sẽ nhận được phần thưởng. Còn những ai vô trách nhiệm, liều lĩnh, không thấy mình có nghĩa vụ với cộng đồng, công ty và người các công nhân thì sẽ không được thưởng”.
Lời hứa này giúp ông Obama không bị cáo buộc là thiếu cảm thông với số phận của dân thường Mỹ hay cố ném tiền vào vấn đề khó chịu.
Ông Obama, sau khi biểu lộ sự cảm thông của mình với người biểu tình, đã cảm thấy rằng ông không thể chỉ dùng lời nói.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ thể hiện sự cứng rắn của mình trong kiểm soát người biểu tình. Phong trào Chiếm lấy phố Wall bị giám sát rồi giải tán.
Điều đó không có nghĩa là phong trào này không đạt được thành công nào. Nó đã thu hút được sự quan tâm đối với tình trạng bất công và giúp định hình chương trình nghị sự của đảng Dân chủ hiện nay.
Nó giúp tăng lương tối thiểu lên 15USD/giờ và giải quyết một số vấn đề khác như nợ của sinh viên. Theo cách đó, biện pháp của ông Obama đã lái phong trào biểu tình theo hướng xây dựng hơn, thay vì trở thành mối đe doạ chính trị hay trật tự công cộng.
Ông Macron, với xuất thân tinh hoa và tuổi trẻ của mình, sẽ khó đứng về phe người biểu tình. Nhưng Tổng thống Pháp, người được coi là phiên bản Obama ở châu Âu khi ông đắc cử năm ngoái, đã thất bại trong bài kiểm tra quan trọng lần này khi không thể thể hiện cả sự cảm thông và cứng rắn. Theo các nhà phân tích, ông Macron sẽ khó leo lên khỏi cái hố do ông tự đào khi phong trào Áo vàng đang có nguy cơ biến thành một lực lượng chính trị.