Xu hướng phát triển Thư viện số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với hệ thống thư viện trường học. Xây dựng các thư viện số hay còn gọi là thư viện điện tử không chỉ đáp ứng xu thế chung của thời đại, mà còn là yêu cầu tự thân của hoạt động ngành thư viện. Việc số hóa thư viện giúp học sinh, sinh viên hoàn thiện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, đẩy mạnh tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Chương trình “Dòng chảy số” phát sóng trên kênh VTV2 vào thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư hàng tuần đề cập thông tin về chủ đề “Thư viện số”. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc đào tạo từ xa đã và đang trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn nhờ sự trợ giúp của thư viện số. Không chỉ là kênh cung cấp hệ thống tri thức đa dạng mang tính cập nhật cao cùng tính năng chọn lọc và lưu trữ các tài nguyên số, thư viện số đã ngày càng khẳng định vai trò trong môi trường giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ số vào thư viện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, cải tiến phương thức học tập mà còn tạo đà bắt nhịp với xu hướng giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Xu hướng phát triển Thư viện số ảnh 1

Trải nghiệm không gian thư viện số của Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh

Hiện nay cả nước ước tính có khoảng 50.000 thư viện, trong đó có 27.000 thư viện là thư viện trường học. Thông tin về thư viện số vẫn còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số thư viện đang gặp một số khó khăn. Hạ tầng công nghệ tại phần lớn các thư viện chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống thiết bị công nghệ còn thiếu, giải pháp công nghệ còn lạc hậu, không đạt chuẩn. Do các vướng mắc về bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực, ngân sách, việc triển khai xây dựng nguồn tài nguyên dạng số thông qua số hóa tài liệu thư viện còn khiêm tốn.

Xu hướng phát triển Thư viện số ảnh 2

TS. Vũ Dương Thúy Ngà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định về chuyển đổi số trong thư viện

Bà Thúy Ngà cho rằng: “Việc chuyển đổi mô hình số hóa thư viện hiện nay còn chậm do điều kiện thực tế. Các trường học, đặc biệt các thư viện chưa chuẩn bị đầy đủ tâm thế để chuẩn bị thực hiện chuyển đổi mô hình số hóa thư viện. Một trong những vấn đề khó nhất hiện nay là nguồn dữ liệu số còn hạn chế, nhân viên thư viện chưa bắt kịp với chuyển đổi số để chủ động tạo ra những nguồn tại liệu số cũng như cung ứng các dịch vụ thư viện số”.

Bà Ngà chia sẻ một số mô hình ứng dụng thư viện số hiệu quả của Bà trong những năm qua. Một số các trường đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội,…) trong những năm gần đây, vấn đề thư viện số được quan tâm và phát triển với lượt truy cập lớn – hàng chục triệu lượt/năm. Phần mềm mã nguồn mở đã hỗ trợ hơn 5.000 thư viện trên cả nước và hỗ trợ thêm các trường khuyết tật.

Ngày nay, trên thế giới có rất nhiều trường đại học trên thế giới có thư viện trực tuyến sở hữu hàng nghìn dữ liệu từ khắp các quốc gia cho phép người dùng truy cập kho tài liệu ngay lập tức và bất cứ nơi đâu. Việt Nam đã và đang học hỏi thế giới về mặt đầu tư để xây dựng nguồn dữ liệu số và chính sách khoa học mở. Có thể nói, chuyển đổi số là xu thế tất yếu để phục vụ cho giáo dục, đào tạo, học tập, nghiên cứu thông qua mô hình thư viện số ngày nay.

MỚI - NÓNG