Xứ hoa Chăm Pa, nơi neo giữ hồn người…

Viếng chùa cổ linh thiêng
Viếng chùa cổ linh thiêng
TP - Hệ lụy từ lối sống chậm và ham vui của người Lào khiến chúng tôi bao phen dở khóc dở cười, thế nhưng vẫn quá đỗi yêu thương miền đất có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, con người hồn hậu, lạc quan và mến khách ấy. 

Là người có máu phiêu lưu, thích khám phá nên sau 16 năm sinh sống ở Lào, anh Trần Văn Quốc nói tiếng Lào như tiếng mẹ đẻ và in dấu giày khắp hang cùng ngõ hẻm xứ Lào. Anh giúp chúng tôi khám phá bao điều thú vị ở mười mấy tỉnh từ Bắc đến Nam Lào.

Hanh thông

Có lần vào lúc sáng sớm, chúng tôi lái ô tô rời cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sang cửa khẩu Den Savanh của Lào. Thủ tục nhập cảnh cơ bản hoàn tất, chỉ còn mỗi một việc là mua bảo hiểm ô tô  nhưng chờ đợi hơn nửa tiếng đồng hồ mà người bán bảo hiểm vẫn chưa đến, nghe đâu vì bận việc riêng.

Xứ hoa Chăm Pa, nơi neo giữ hồn người… ảnh 1 Tượng phật khổng lồ ở Lào

Phần vì sợ trễ giờ tham dự hội nghị ở thành phố Thakhet, phần vì bực bội với sự trễ nải của nhân viên bán bảo hiểm, bạn đồng hành của tôi lớn tiếng phàn nàn; riêng Quốc vẫn bình thản. Anh bảo ở Lào, giờ hành chính bắt đầu từ 8 giờ sáng nhưng nhiều người đi trễ hơn nửa tiếng vì còn bận ăn sáng, uống cà phê… “Nổi nóng chẳng giải quyết được chuyện gì đâu. Nếu sợ trễ họp thì cứ lên đường thôi. Cùng lắm thì nộp phạt vậy”, anh Quốc hiến kế.

Sau khi chạy khoảng chục cây số thuộc địa phận tỉnh Savannaket, xe của chúng tôi bị chặn lại kiểm tra giấy tờ. Quốc bảo tôi mang theo thẻ nhà báo, cùng anh đến gặp công an. Sau khi xem thẻ và nghe đầu đuôi cầu chuyện, công an chẳng những không hoạnh họe mà còn vui vẻ giục chúng tôi nhanh chóng lên đường kẻo lỡ việc. “30km nữa là đến huyện Xê No, có chỗ bán bảo hiểm ô tô đấy!”, chiến sĩ công an nói với theo khi xe bắt đầu lăn bánh.

Xứ hoa Chăm Pa, nơi neo giữ hồn người… ảnh 2 Phật tử dâng lễ vào mỗi buổi sáng trên đường phố

Mọi người nhao nhao hỏi Quốc đã nói những gì khiến công an không bắt phạt. “Mình chỉ nói đúng sự thực thôi mà!”, Quốc cười bảo. “Chẳng có chứng cứ gì mà công an vẫn tin sao?”, tôi hỏi. “Người Lào vốn hiền hậu, thật thà, không bon chen, lừa lọc nên cũng dễ tin người. Thường thì họ tin vào lời nói chứ không cần bằng chứng. Có nơi người ta mua bán, trao gửi vật chất cũng chỉ cần nói miệng, không phải viết giấy gì cả”, Quốc đáp.

Những lần khác, nhập cảnh vô Lào bằng đường hàng không, cảm giác cũng rất thoải mái. Thủ tục đơn giản, nhanh chóng và không có cảnh mè nheo, cố ý làm khó, vòi tiền khi làm thị thực, kiểm tra hành lý. Cán bộ hải quan lịch sự, niềm nở: miệng cười tươi và nói Sabaidee (Xin chào!), ánh mắt thân thiện chứ không có vẻ thăm dò, soi mói…

Sống chậm, ham vui

Xứ hoa Chăm Pa, nơi neo giữ hồn người… ảnh 3 Sơn nữ trẩy hội trong trang phục truyền thống

Lào là xứ sở quanh năm lễ hội hay còn gọi là Bun. Bun nghĩa là phước, làm Bun nghĩa là làm phước để được phước. Ngoài những lễ hội lớn như Bun Pimay (Tết té nước), Bun That Luang (đoàn tụ), Bun Bang Phay (pháo thăng thiên) hay Bun Suanghua (đua thuyền)…, hàng tháng, hàng tuần, thậm chí mỗi ngày đều có Bun do xóm làng, dòng họ, gia đình tổ chức.

Tết cổ truyền Bun Pimay được tổ chức vào giữa tháng 4, thời điểm nóng nhất trong năm. Chúng tôi đã sang thủ đô Vientaine để dự Bun này. Từ sân bay, anh Sin Anouphanh (bạn của Quốc) đưa chúng tôi vào chùa để dâng lễ cúng và té nước tắm Phật. Loại nước này có hương thơm của hoa cỏ. Anouphanh khuyên sau khi tưới nước thơm lên các tượng Phật thì nên hứng lại xức vào người để trừ tà, chữa bệnh, gột rửa những điều xấu xa và cầu mong được sống lâu, khỏe mạnh.  

Tôi đã tham dự Tết cổ truyền của một số nước nhưng chưa thấy nơi nào tưng bừng, náo nhiệt và hiếu khách như ở Bun Pimay. Bun có nhiều chương trình văn hoá, văn nghệ, thể thao, hội chợ, triển lãm… nhưng thú vị nhất là lễ hội đường phố. Nhiều cậu con trai hóa trang thành con gái bằng cách đeo mặt nạ, mặc đồ tắm sexy, đội tóc giả màu sắc sặc sỡ. Con gái dùng phấn màu hóa trang thành con trai rồi say sưa nhảy múa, tạt nước nhau. Nhiều chiếc xe bị té nước có pha bột màu, tạo nên những gam màu lạ mắt. Từ trẻ em đến người lớn tụ tập thành từng nhóm liên hoan, nhảy lăm vông và lăm lăm trong tay những chiếc gàu, vòi xịt, súng nhựa bắn nước làm vũ khí để “oanh tạc” đối phương, bất kể quen hay lạ, người bản địa hay khách nước ngoài.

Thấy chúng tôi đứng lớ ngớ bên đường, nhiều người xúm tới tạt nước, chúc những điều tốt lành rồi mời vào ăn cỗ. “Cứ vào đi, đừng ngại. Người Lào thường góp cỗ để cùng nhau ăn uống, nhảy múa tưng bừng. Dẫu không có gì để góp cũng được chào đón nồng nhiệt. Người Lào hiếu khách lắm!”, anh Anouphanh thúc giục. Suốt 3 ngày Tết Pimay, chúng tôi “quẩy” hết mình cùng vô số nhóm hoạt náo và luôn bị ướt sũng bởi những “cơn bão” nước rình rập khắp mọi nẻo đường. Rất may trước đó, anh Anouphanh đưa túi nylon để chúng tôi bọc giấy tờ, tiền bạc, điện thoại di động...

Những ngày tháng ở Lào, chúng tôi còn được mời tham dự nhiều Bun khác, khi thì Bun tân gia nhà mới, khai trương cửa hàng, lúc là lễ sinh nhật,  mừng thọ, mừng người bạn vừa khỏi bệnh… Quốc tâm sự dẫu đã mười mấy năm sống đơn thân lẻ bóng ở xứ Lào nhưng không cảm thấy cô đơn bởi luôn được sống trong không khí hội hè, tình người ấm áp. Hội hè nhiều nhưng chẳng sợ “cháy túi” bởi người Lào không so đo, tính toán cũng chẳng  câu nệ, phô trương. Họ coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất. Ai có cái gì thì mang đến góp cỗ, bằng không thì thôi, chỉ cần đến góp mặt là gia chủ vui rồi.

Tuy nhiên kiểu sống chậm và ham vui của người Lào cũng khiến các doanh nghiệp nước ngoài bao phen khốn đốn. Anh Quốc kể, có tập đoàn sản xuất thuốc lá vào loại top của thế giới ứng tiền cho hàng ngàn hộ nông dân Lào trồng cây thuốc. Cây còn non lại gặp hạn, cần phải tưới nhưng nông dân mải mê đi chơi Bun khiến cây chết gần hết. Sau đó, công ty phải làm cam kết chặt chẽ và tuyên bố sẽ bắt đền nếu tình trạng này tiếp diễn, nông dân mới bớt chơi Bun để chăm cây.

Lần khác, trong lúc đang lang thang ở Cánh đồng Chum (tỉnh Xiengkhuang), một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Lào thì một người trong đoàn phát hiện visa chỉ còn 1 ngày là hết hạn. Chúng tôi vội vã vượt mấy trăm cây số đến cửa khẩu Namkan để sang cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) xin gia hạn visa. Do đường xấu, lại đang trong quá trình sửa chữa nên xe dằn xốc khủng khiếp.

Khi nhìn thấy bến phà phía trước, Quốc nói như reo: “Qua bến phà này là gần đến cửa khẩu rồi!”. Thế nhưng hỡi ơi, phà nằm đó mà không có người điều khiển. Quốc chạy đôn chạy đáo hỏi thăm thì được biết hôm nay thứ bảy, người lái phà nghỉ việc về làng đi chơi Bun. Chúng tôi ngao ngán khi nghĩ đến chuyện phải quay lại con đường “trời hành” ban nãy và lo cho Quốc khi phải tiếp tục “đánh vật” với cái vô lăng. Thế nhưng Quốc cười bảo đã quá quen với những chuyện trớ trêu thế này.

“Lào đất rộng, dân cư thưa thớt, chỉ khoảng 7 triệu dân. Là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không giáp biển nên chẳng phải hứng bão. Người dân, cứ thế “săn bắn, hái lượm” của thiên nhiên chứ không phải cạnh tranh nhiều. Có lẽ vì vậy mà họ sống chậm rãi, thích thư giãn. Mặt khác, ở xứ này, đạo Phật là quốc giáo với hệ thống chùa chiền tôn nghiêm dày đặc khiến con người trở nên hiền hòa, đôn hậu”. Anh Trần Văn Quốc

MỚI - NÓNG
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
TPO - Đường Lê Đức Anh đi qua các khu đô thị cao cấp, kiểu mẫu thuộc phường Thủy Vân (TP. Huế) thời gian gần đây luôn trong tình trạng ngập nước, mặt đường bị các phương tiện vận tải cày xới, băm nát nhưng không được duy tu, sửa chữa kịp thời khiến tai nạn xe cộ thường xuyên xảy ra. 
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
TP - Qua bàn tay khéo léo, kiên trì của người thợ lão luyện, những chiếc quạt cổ sáng bóng trở lại và chạy êm ru. Quạt cổ phả ra làn gió nhẹ, mơn man khiến chủ nhân như đang được ngồi giữa cánh đồng bát ngát. Trong thời buổi con người vật lộn, sống gấp như hiện nay thì ai cũng muốn có được những giây phút thư thái như thế…