Khóc xin giảm hình phạt
Ngày 25/12, phiên sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong giai đoạn 2 vụ án Chuyến bay giải cứu tiếp tục với phần tranh luận.
Được tự bào chữa, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) khóc xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt và mong được xem xét lại mảnh đất làm nơi thờ tự đang bị kê biên, khiến cả gia đình đau xót.
Trong vụ án, Vũ Hồng Quang là người duy nhất bị truy tố trong cả hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1, ông ta bị phạt 4 năm tù về tội nhận hối lộ; giai đoạn 2, ông bị cáo buộc đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên (bị tuyên án chung thân giai đoạn 1).
Cơ quan tố tụng cho rằng, quá trình phối hợp làm việc trong thời gian dịch COVID-19, Vũ Hồng Quang “móc nối” với Phạm Trung Kiên, để xin giấy phép cho các chuyến bay đơn lẻ.
Bị cáo Vũ Hồng Quang bào chữa tại phiên tòa. |
Khai tại phần xét hỏi hôm qua, bị cáo nói đã phát giá từ 30 đến hơn 40 triệu đồng/khách có nhu cầu về nước cách ly, tức cao hơn 20 đến 30 triệu đồng so với con số Phạm Trung Kiên đưa ra ban đầu 10 triệu đồng/khách.
Theo cơ quan tố tụng, Vũ Hồng Quang đã hối lộ Phạm Trung Kiên gần 7,5 tỷ đồng để có được văn bản chấp thuận cho 624 công dân về nước. Qua đó, Quang hưởng lợi 20 tỷ đồng từ việc ăn chênh lệch, tức trung bình 32 triệu đồng/khách.
Nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị tòa phạt Vũ Hồng Quang mức án 3 - 4 năm tù về hành vi đưa hối lộ và buộc khắc phục nốt hơn 5,5 tỷ đồng hưởng lợi bất chính. Trước khi xét xử, tòa ghi nhận bị cáo đã khắc phục 14,5 tỷ đồng.
Chủ doanh nghiệp phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật
Một bị cáo khác là Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn PNR) cũng từng hối lộ Phạm Trung Kiên 3,4 tỷ đồng để có được các văn bản cấp phép thực hiện chuyến bay cho 345 công dân về nước, hưởng lợi hơn 832 triệu đồng. Trước đó, bị cáo này bị đề nghị 2 – 3 năm tù giam về tội đưa hối lộ.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng, luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết và luật sư Trịnh Văn Tuyến nêu quan điểm, hành vi phạm tội dẫn đến việc bị cáo Thắng phải đứng trước phiên tòa hôm nay nguyên nhân một phần là do sức ép, nhu cầu rất lớn của công dân ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam trong đại dịch COVID-19.
Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết và Trịnh Văn Tuyến. |
Theo luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết, ông Thắng phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, bởi ở thời điểm thực hiện hành vi giúp sức đưa hối lộ, bị cáo không hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là sai trái, phạm pháp.
Cho rằng bị cáo Thắng chỉ giữ vai trò giúp sức thứ yếu, không đáng kể và hành vi phạm tội giản đơn, thụ động, luật sư Đỗ Ánh Tuyết đề nghị HĐXX và đại diện Viện kiểm sát xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa về tính chất, mức độ trong hành vi giúp sức của bị cáo Thắng, đặc biệt là tính công bằng giữa các bị cáo trong nhóm tội "Đưa hối lộ".
Trong khi đó, luật sư Trịnh Văn Tuyến đề nghị HĐXX xem xét một phần công lao của bị cáo Thắng trong việc đưa được 345 người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời điểm dịch bệnh; xem xét tương quan giữa số tiền đưa hối lộ và số tiền hưởng lợi so với các bị cáo khác.
Luật sư Tuyến cũng nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể áp dụng được cho bị cáo Thắng.
Viện kiểm sát đánh giá đây là vụ án tham nhũng có chức vụ phức tạp, diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tình hình an ninh trật tự, làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ… Do đó, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.