Xới tung rừng cao su để tìm vàng

Xới tung rừng cao su để tìm vàng
TP - Từng được cho là cây làm giàu “bất khả xâm phạm”, vị thế rừng cao su tại Nam Đông (tỉnh TT- Huế) đang lung lay trước cơn lốc đào vàng. Người dân không ngần ngại bán cả khoảnh lớn rừng cao su đến kỳ cạo mủ cho các chủ nậu tìm vàng.

> Không cơ quan nào nhận sai, dân lãnh đủ

Một héc ta rừng cao su giá 1 tỷ đồng ?

Trưởng thôn Ka Đong (xã Thượng Long) người dân tộc Cờ-tu nói: “Các anh đi nhiều, có thấy nơi mô người ta dám bán cả cánh rừng cao su xóa đói giảm nghèo đã cho mủ tiền triệu để chủ nậu xẻ thịt tìm vàng như ở đây chưa? Muốn đào vàng tại cánh rừng ni, chủ nậu đã chi rất nhiều tiền.

Nếu làm trong một năm, mỗi héc ta đất rừng cao su ở đây được họ ngã giá mua hơn 1 tỷ đồng, trả tiền thành nhiều đợt. Với mức đó, chủ rừng cao su khó bề từ chối”.

Khu rừng cao su vừa bị triệt hạ tan hoang trước mắt chúng tôi là của hộ ông Hồ Văn Lân (thôn Ka Đong). Cạnh những gốc cao su cao lớn bị gãy đổ, bật gốc trơ rễ là hệ thống hầm hố và giao thông hào lộ thiên còn đỏ au màu đất núi mới khoét.

Nhiều cửa hang rộng toang hoác vừa được máy xúc đào xẻ nối thông với những “hầm chuột” chạy ngầm ngang dọc dưới lòng đất.

Cánh rừng cao su xanh tốt đang bị biến dạng và tiềm ẩn những mối nguy hiểm chết chóc, do hầm hố đào vàng sâu dưới lòng đất không được vùi lấp trở lại.

Theo trưởng thôn Đoàn Văn Lạc, rừng kinh tế do hộ Hồ Văn Hồng, Hồ Văn Thành quản lý cũng là điểm đào vàng trái phép của các chủ nậu người miền Bắc.“Riêng khu rừng ni, theo tôi biết, ông Lân nhận tiền thuê đất 3 đợt trong hơn một tháng, với tổng trị giá 120 triệu đồng.

Mới đây, ông không chỉ tậu xe máy mới, mà nghe đâu còn trả xong nợ vay trồng cao su tiểu điền trước hạn cho ngân hàng”, trưởng thôn Đoàn Văn Lạc cho biết.

Theo anh Lạc, lực lượng tự quản thôn Ka Đong nhiều lần kiểm tra, đẩy đuổi, nhưng chủ nậu đào vàng và chủ rừng luôn nại lý do hai bên đã có hợp đồng thuê đất trên tinh thần tự nguyện để cố tình không chấp hành.

Khó xử lý?

Nhiều năm qua, núi rừng Thượng Long luôn chao đảo bởi những cơn lốc đào vàng. Hết dân tứ xứ đổ về mót vàng sa khoáng, lại đến doanh nghiệp đưa máy móc quy mô tiến sát đất sản xuất, ép dân nhượng bán ruộng vườn phục vụ thăm dò, khai thác vàng.

Tuy nhiên, dân Thượng Long vẫn chưa rõ giới đầu nậu, phu vàng thu được bao nhiêu của quý tại quê mình.

Chuyện trúng vàng khối, vàng cục chỉ là lời đồn đại. “Tui chưa lần mô có dịp chứng kiến tận mắt người ta đào được vàng tại Thượng Long. Đất đá lấy dưới rừng cao su, rừng keo đều được đầu nậu bí mật đưa ra khỏi xã.Chỉ nghe đồn, dưới những ngọn đồi trồng cao su của Thượng Long có vàng cục, vàng khối.

Các nậu vàng nhờ mua được bản đồ địa chất, khoáng sản từ thời xưa để lại nên không tiếc tiền của đổ vô đây, quyết tìm cho được vàng”, ông Đoàn Văn Dua (cựu chiến binh xã Thượng Long) kể.

Ông Phạm Cường (Chủ tịch UBND xã Thượng Long) thanh minh: “Do hoạt động đào vàng chui xảy ra vào ban đêm, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính, nên lực lượng chức năng địa phương rất khó xác định đối tượng để xử lý (?)”. “Vàng tặc” không bị xử lý nghiêm đang gây bất ổn cho an ninh trật tự địa phương.

Sau khi bãi vàng thuộc rừng cao su Thượng Long vừa bị phong tỏa, một nhóm người ngoài xã ngang nhiên cho xe tải phá sập hàng rào để vào rừng cướp lại hàng chục bao tải chứa đất đá, vốn là hiện vật tịch thu chờ xử lý.

Cán bộ xã biết rõ lai lịch đối tượng lái ô tô tải cố tình tông sập hàng rào để vào vùng cấm cướp đất, nhưng hành vi phạm pháp vẫn được cho qua một cách khó hiểu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG