Niềm tự hào của người Thái
Cùng ngồi bàn chủ trì của đoàn Việt Nam tại đầu cầu ở Hà Nội, sau khi Xoè Thái chính thức được ghi danh, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nhận định, Xòe Thái được ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại làm tăng thêm nhận thức về tầm quan trọng của di sản trong việc kết nối giữa các cá nhân, cộng đồng người Thái và những dân tộc khác. Sự ghi danh càng làm tăng thêm lòng nhiệt tình của thành viên cộng đồng và người ngoài cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ, gìn giữ và thực hành các điệu Xòe.
Việc ghi danh cũng là cơ hội để Xòe ở các bản Mường Tây Bắc được mọi người trên khắp Việt Nam và quốc tế biết đến; nâng cao sự tôn trọng đối với sự sáng tạo của nhân loại trong việc thể hiện niềm khát vọng chung của con người về một cuộc sống bình an, vui vẻ, hạnh phúc. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, đây là một sự khẳng định, công nhận ở tầm cỡ quốc tế đối với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc của dân tộc. Nghệ thuật Xòe Thái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại càng thể hiện quyết tâm trong việc thực hành, trình diễn và trao truyền nghệ thuật Xòe Thái trong sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam.
Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Có ba loại Xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Xòe nghi lễ và Xòe trình diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng, như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, và Xòe hoa. Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.
“Để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, công việc cần làm là triển khai các hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa, nhận diện giá trị, hiện trạng của di sản, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ, vinh danh nghệ nhân, nâng cao nhận thức của cộng đồng chủ thể, của xã hội”, ông Hoàng Đạo Cương nói.
Nghệ nhân xoè trong khuôn khổ cuộc họp ghi danh di sản. Ảnh: Trần Huấn |
Nghệ nhân Lò Văn Biến (Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) bước vào tuổi 89 không giấu được niềm vui khi di sản được vinh danh. Ông là một trong số nghệ nhân có mặt tại cuộc họp trực tuyến thông qua hồ sơ Xoè Thái.
“Từ năm 1953, tôi bắt đầu xây dựng đội văn nghệ đầu tiên ở đất Nghĩa Lộ sau giải phóng. Xoè Thái không thể thiếu với người Thái. Nếu không có xoè Thái, giống như cái cây thiếu nước. Trong cuộc vui nào cũng phải có xoè. Không có xoè cuộc đó không thành công”, nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến bày tỏ. Ông bắt đầu sưu tầm, viết về các điệu xoè, các động tác đặc trưng của Xoè Thái, tích cực trao truyền di sản từ năm 1995 đến nay.
Để Xoè Thái mãi ở lại cùng người Thái
Nhà nghiên cứu, TS. Trần Hữu Sơn-một trong những nhà nghiên cứu gắn bó với đồng bào các dân tộc- nói, Xoè Thái được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể là niềm tự hào của người Thái, của các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh niềm tự hào, chính quyền và cộng đồng càng phải biết đâu là thách thức, làm sao để Xoè Thái được sống mãi trong cộng đồng, chứ không chỉ trở thành nghi lễ biểu diễn.
“Muốn Xoè Thái sống trong cộng đồng, làng bản người Thái rất quan trọng. Xoè Thái thường xuyên được tổ chức trong lễ cưới, trong sinh hoạt cộng đồng. Lớp trẻ của Mường Lò (Yên Bái) chỉ 10-12 tuổi bắt đầu học xoè. Chính vì vậy vai trò của đội văn nghệ rất quan trọng trong việc thu hút lớp trẻ. Nếu chỉ để các cụ già bảo tồn Xoè Thái thì nghệ thuật này sẽ mai một. Muốn lớp trẻ tham gia, cộng đồng người Thái phải được học, tham gia chương trình ngoại khoá. Xoè nên được giáo dục từ khi trẻ là học sinh cơ sở, học sinh phổ thông” TS. Trần Hữu Sơn nói.
Đặc trưng của Xoè Thái chính là động tác nhún, đi lại. |
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cho rằng, các tỉnh có di sản được vinh danh, nhà quản lý cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Trước đây nghiên cứu xoè Thái còn những quan điểm trái chiều. Chẳng hạn một quan điểm chỉ bảo tồn nguyên gốc, quan điểm còn lại thiên về cải biên, cải tiến. “Tôi cho rằng không thể xem nhẹ sự tái sáng tạo của cộng đồng. Càng bảo tồn tốt thì Xoè Thái càng phát triển. Giới nghiên cứu, nhà quản lý cũng cần dự báo sự phát triển của Xoè Thái”, TS. Trần Hữu Sơn nói.
Các động tác múa cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng. Người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau. Mặc dù các động tác múa đơn giản, nhưng biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng.
Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính. Những nhạc cụ cùng với bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái.
Một trong những biến tướng đối với nghệ thuật Xoè Thái ở chỗ, làn điệu truyền thống của người Thái ít được phát huy. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cho rằng, vai trò của biên đạo rất quan trọng, góp phần đưa các điệu xoè lên sân khấu nhưng vẫn đảm bảo bản sắc của Xoè Thái. “Sáng tạo đến mấy thì sáng tạo, điệu xoè của biên đạo cũng phải được cộng đồng công nhận đó là Xoè Thái. Xoè Thái là máu thịt của người Thái, làm sao để Xoè Thái tồn tại mãi mãi với người Thái”, ông Sơn nói.