Xét tuyển đại học sớm: Lợi bất cập hại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bên cạnh những lợi ích mà xét tuyển sớm mang lại cho thí sinh và các trường đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT lo ngại thiếu công bằng với thí sinh trong một số trường hợp. Do đó, việc xét tuyển sớm dự kiến sẽ được điều chỉnh từ năm 2025.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho hay các trường ĐH trong năm vừa qua vẫn sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến sự nhiễu thông tin, có những phương thức xét tuyển không có thí sinh đăng ký hoặc không có thí sinh nào trúng tuyển. Việc sử dụng nhiều phương thức nhưng chưa có cơ sở phân tích đối sánh, chưa có cơ sở khoa học nên chưa đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

Xét tuyển đại học sớm: Lợi bất cập hại ảnh 1

Các trường đại học đang tích cực tư vấn lựa chọn ngành học cho thí sinh tham gia xét tuyển năm nay. Ảnh: Trọng Quân

Theo bà Thủy, nhiều trường ĐH đang đua nhau xét tuyển sớm (xét tuyển trước khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT và không sử dụng kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT) nhưng con số thống kê những năm trước cho thấy chưa đến 40% thí sinh trúng tuyển sớm quyết định nhập học, tỷ lệ còn lại là trúng tuyển ảo.

Đứng ở góc độ cơ sở giáo dục ĐH, PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho rằng xét tuyển sớm có ưu điểm là tạo sự yên tâm cho người học nhưng hơi khó dự báo cho các trường ĐH. Năm 2025 Bộ nên xem xét lại việc xét tuyển sớm, nên chăng chỉ dành cho các trường tuyển sinh ngành năng khiếu.

Còn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng xét tuyển sớm có ưu điểm giúp các trường chủ động hơn, giảm tải tâm lý cho thí sinh và cho các trường, nhưng mặt trái không ít. Trong đó, ông Sơn nhấn mạnh đến sự thiếu công bằng khi sử dụng các phương thức xét tuyển sớm. Ông Sơn nêu ví dụ thực tế một ngành nào đó có 100 chỉ tiêu, trong đề án, trường xác định dành 60 chỉ tiêu xét tuyển sớm. Nhưng do phương thức này không lường trước được tỉ lệ ảo nên có khi tỉ lệ trúng tuyển vượt gấp nhiều lần, dẫn đến không còn chỉ tiêu dành cho phương thức xét khác dẫn đến điểm chuẩn có thể nhảy vọt. Thứ trưởng Sơn nhìn nhận đây là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua, chưa có minh chứng thuyết phục về sự bảo đảm công bằng giữa các phương thức tuyển sinh và giữa các tổ hợp xét tuyển. Theo ông Sơn, sở dĩ nó thiếu công bằng bởi các trường đều bị khống chế về chỉ tiêu, trong khi vì xét tuyển sớm mà các trường buộc phải tuyển thực vượt chỉ tiêu rất nhiều do không xác định được số ảo, sau đó lại phải trừ đi chỉ tiêu của các phương thức khác.

Từ ý kiến của ông Sơn, có thể thấy cơ chế tuyển sinh sớm đang thực hiện nhiều năm gần đây giống như một ngôi nhà có nhiều cửa vào, mà độ rộng hẹp của các khung cửa chưa có căn cứ khoa học hay thực tiễn. Thậm chí, ở khung cửa tập trung phần lớn thí sinh (xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT) thì khung cửa bị đóng hẹp lại một cách vô lý do lỡ mở các cánh cửa khác (xét tuyển sớm) quá rộng. Do đó năm nay, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo các trường phải thực hiện đối sánh kết quả giữa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển để đưa ra được phương thức, tổ hợp xét tuyển phù hợp nhất.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay hầu hết các trường đều tuyển sinh nghiêm túc nhưng đâu đó vẫn còn một số trường bất chấp tuyển vượt rất nhiều do bị động vì tỉ lệ ảo. Thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu siết chặt việc này. Ví dụ như tiếp tục tuyển vượt năng lực trong thời gian vài năm sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.