Trụ sở VNPT Gia Lai |
Theo nguồn tin của Tiền Phong, ngày 20/11 vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ban hành quyết định 1010 bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Viễn thông Mang Yang – Đak Đoa (thuộc VNPT Gia Lai), giữ chức vụ Phó Giám đốc VNPT Gia Lai (đơn vị thành viên thuộc VNPT).
Ngày 30/11, VNPT thông báo giới thiệu chức danh và chữ ký của ông Toàn tới toàn bộ tập đoàn, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND cùng các sở, ban ngành Gia Lai.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của PV, trước đó vào ngày 23/8, VNPT Gia Lai tổ chức Hội nghị nhân sự chủ chốt và Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Nguyễn Đức Toàn - nhân sự dự kiến bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc VNPT Gia Lai.
Tại Hội nghị nhân sự chủ chốt, ông Toàn có kết quả phiếu tín nhiệm 25/36 phiếu, đạt tỉ lệ 69,44%. Còn tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VNPT Gia Lai, ông Toàn chỉ có 3/9 phiếu tín nhiệm, đạt tỉ lệ 33,33%.
Như vậy, ông Toàn có kết quả phiếu tín nhiệm trong Đảng bộ dưới 50% so với quy định (Quy chế quản trị nhân sự quản lý VNPT ban hành kèm theo Quyết định 202 ngày 6/11/2018, Quyết định 1170 ngày 20/9/2021). Do đó, VNPT Gia Lai đã gửi báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng giám đốc VNPT, Ban Nhân lực tập đoàn.
Trả lời Tiền Phong về việc này, ông Đồng Quốc Việt, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc VNPT Gia Lai cho biết, sau khi đơn vị báo cáo xin ý kiến, ông Nguyễn Việt Tiến – Trưởng ban Nhân lực tập đoàn đã chỉ đạo phải xem xét lại, không có phản hồi bằng văn bản.
“Trước đây có 2 người được quy hoạch phó giám đốc, trong đó có ông Nguyễn Đức Toàn. Tôi rất công tâm, dân chủ, không chọn riêng 1 người nào mà đề nghị phải ra ngoài tập đoàn phỏng vấn như kiểu thi viên chức. Sau đó ông Nguyễn Đức Toàn đạt, được VNPT lựa chọn giới thiệu bầu chức danh Phó Giám đốc VNPT Gia Lai”, ông Việt cho hay.
Cũng theo nguồn tin của Tiền Phong, sau khi Trưởng ban Nhân lực VNPT bay vào Gia Lai, VNPT Gia Lai đã triệu tập các đảng viên trong Ban Chấp hành Đảng bộ tham gia hội nghị lấy phiếu tín nhiệm vào 14h ngày 7/9.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Tiến cho rằng quy trình bổ nhiệm còn thiếu bước Hội nghị tập thể lãnh đạo VNPT địa bàn, hình thức bỏ phiếu kín. Còn về chủ trương bổ nhiệm đã có quy hoạch đủ tiêu chuẩn, được tập đoàn phỏng vấn, lựa chọn giới thiệu bầu chức danh Phó giám đốc VNPT Gia Lai.
Kết quả hội nghị này đã tạo nên cú “lội ngược dòng ngoạn mục” khi số phiếu tín nhiệm đối với ông Toàn đạt tỉ lệ 77,77%. Đáng chú ý, theo nguồn tin của Tiền Phong, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ diễn ra trong vòng 15 phút (bắt đầu 15h30, kết thúc 15h45).
Lạ hơn nữa, trong biên bản hội nghị trên, ông Tiến nói còn thiếu bước Hội nghị tập thể lãnh đạo VNPT địa bàn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, có một biên bản Hội nghị tập thể lãnh đạo VNPT Gia Lai lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Toàn diễn ra cùng ngày 7/9. Và tại hội nghị này, có đại diện VNPT dự, gồm ông Tiến (có phát biểu chỉ đạo-PV) cùng một chuyên viên Ban Nhân lực Tập đoàn.
Đại diện VNPT cho biết, qua rà soát hồ sơ được tổ chức ngày 23/8, phía VNPT Gia Lai làm còn thiếu bước lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị tập thể lãnh đạo theo quy định. Do đó, VNPT Gia Lai phải tổ chức thực hiện lại từ các bước còn thiếu để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục vào ngày 7/9.
Biên bản thể hiện rõ, hội nghị thảo luận và thống nhất cao đối với các nội dung liên quan đến ông Toàn. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm hội nghị này đạt tỉ lệ 100% (3/3 phiếu tín nhiệm; thời gian diễn ra hội nghị chỉ 30 phút, từ 14h-14h30).
Trả lời câu hỏi, việc lấy phiếu tín nhiệm Ban Chấp hành Đảng bộ VNPT Gia Lai diễn ra chỉ sau 15 ngày kể từ lần 1 do kết quả dưới 50% liệu có đúng quy định không, có văn bản hướng dẫn nào không, Giám đốc VNPT Gia Lai Đồng Quốc Việt chỉ nói: “Chúng tôi làm theo hướng dẫn của Tập đoàn”.
Khi được Tiền Phong phản ánh vấn đề này, ông Tô Dũng Thái, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét lại chi tiết sự việc rồi thông tin với báo. Về nguyên tắc, ở tập đoàn này không bao giờ có chuyện chỉ đạo kiểu như thế (tức chỉ đạo lấy tín nhiệm lại bằng miệng -PV). Nếu làm sai, bổ nhiệm rồi thì tôi sẽ cho thu hồi lại quyết định”.
Theo Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc cán bộ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm lãnh đạo không đạt được tỷ lệ tối thiểu 50% là một biểu hiện người này không được những người có thẩm quyền tin tưởng và ủng hộ hoàn toàn. Hậu quả, ứng cử viên không đạt được tiêu chí đánh giá và sẽ không được lựa chọn hoặc giữ chức vụ lãnh đạo trong tổ chức. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong quản lý và lãnh đạo của doanh nghiệp để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Ngoài ra, theo luật sư Tú, trong doanh nghiệp Nhà nước, việc chỉ đạo miệng để tổ chức lại đánh giá, nhằm nâng cao tỷ lệ tín nhiệm của ứng cử viên không đạt mức tối thiểu, là không đúng và không tuân theo nguyên tắc quản lý công bằng, minh bạch. Thay vào đó, quy trình này cần phải được thực hiện theo các quy định và quy trình chặt chẽ.
Trước hết, quyết định tái đánh giá và mọi bước thực hiện cần phải tuân thủ mọi quy định pháp luật liên quan đến quy trình đánh giá và chọn lựa lãnh đạo. Sự tuân thủ này không chỉ đảm bảo tính pháp lý mà còn đặt ra tiêu chí chất lượng và công bằng trong quá trình quản lý nhân sự.
Quá trình tái đánh giá cần được thực hiện theo quy trình nội bộ của tổ chức, bao gồm sự tham gia của các bên liên quan như hội đồng quản trị và cộng đồng làm việc. Sự minh bạch và công bằng cần được thể hiện thông qua việc thông báo rõ ràng về mục tiêu, quy trình, và tiêu chí đánh giá.
Tóm lại, việc tổ chức lại đánh giá tín nhiệm trong doanh nghiệp Nhà nước không nên dựa vào chỉ đạo miệng mà cần phải tuân thủ các quy định và quy trình để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và pháp lý của quá trình này.