Xem trẻ khiếm thị đá bóng

Xem trẻ khiếm thị đá bóng
TP -  Được hướng dẫn chu đáo, với niềm đam mê cùng nghị lực phi thường, các em khiếm thị vẫn có thể đá bóng bằng cách cảm nhận âm thanh của trái bóng đang lăn, miệng luôn hô “voi, voi, voi” để tránh va chạm..

Bóng đá là môn thể thao mang tính tập thể. “Bọn em tập với nhau nhiều nên quen tiếng của tất cả các thành viên trong đội rồi. Khi các cầu thủ trong sân kêu lên thì bọn em có thể nhận ra nhau để chuyền bóng” - Lang Văn Huân ở đội bóng đá khiếm thị tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Ngồi bên ngoài sân, Đức của đoàn Thái Nguyên vừa thở, vừa kể: “Lần đầu tiên con được đi xa và gặp nhiều bạn cùng cảnh ngộ, lại còn lên ti vi. Không biết lên ti vi trông con thế nào nhỉ ?”.

“Hôm trước bọn em được cô giáo dẫn đi Bản Đôn sờ voi. Lần đầu tiên xem voi tận tay. Con voi to nhưng hiền lắm chú ạ. Nhưng tiếc thật, con chưa được cưỡi lên”.

Để đào tạo nên một cầu thủ có thể chơi bóng được ở mức trung bình , huấn luyện viên phải mất một thời gian dài.

Các thầy cô trong các trường dạy trẻ em khiếm thị không quản ngại khó khăn để chỉ cho các em từng động tác từng cách di chuyển, cảm nhận được trái bóng.

Ngặt nỗi, cái thiếu của các em chính là yếu tố quan trọng nhất của bóng đá: quan sát . Em nào có tố chất tốt, tập cho các em cảm nhận và xử lý được bóng ít nhất cũng mất hai tháng” - Anh Nguyễn Đình Hậu HLV của đội bóng đá khiếm thị TPHCM chia sẻ.

Bù lại mất mát, các em lại có niềm đam mê nhiệt huyết về bóng đá cháy bỏng “Nhiều lần tập về nhà nói không ra tiếng vì phải la hét chỉ đạo, nhưng vẫn vui vì có thể đem lại niềm vui, sự tự tin cho các em ”- Anh Hậu cho biết thêm.

Hầu hết các em ở đây không sợ đau mà chỉ sợ không được thi đấu vì hai năm mới có dịp tranh tài và giao lưu với các bạn cùng cảnh ngộ như thế này.

Voi, voi…voi!

Các cầu thủ nhí vào trận, cả khán đài im phăng phắc. Bóng lăn phát lên những âm thanh leng keng. Đây là loại bóng được thiết kế đặc biệt với các viên bi bên trong để tạo ra tiếng kêu cho các cầu thủ nhận biết.

Thủ môn của mỗi đội bóng là một em mắt kém, vẫn thấy lờ mờ. Mỗi khi phát bóng, thủ môn lại gọi tên người sẽ được nhận bóng để gây chú ý.

Bóng trên sân, cầu thủ giữ bóng lo đá còn  các cầu thủ khác liên tục hô “voi, voi” để tránh va chạm với nhau. Khi định vị được trái bóng đang hướng đến vị trí của mình, cầu thủ quỳ xuống xoải chân ra để đón bóng.

Theo anh Văn Tạo, trọng tài bóng đá khiếm thị, Voi là từ quy định quốc tế được phiên âm Việt hóa để các cầu thủ khiếm thính trong sân tránh va chạm với nhau.

Mỗi đội được dẫn dắt bởi hai HLV, một người đứng giữa sân để hô cho các cầu thủ hướng di chuyển và chuyền cho đồng đội còn người nữa thì đứng về phía cầu môn của đối phương để hô cho các em biết vị trí của cầu môn để dứt điểm. 

Hai HLV  phải lấy hết sức liên tục hô: Sang trái ! Chạy lên! Sút đi!

Nhiều người đến xem các em thi đấu ngỡ ngàng trước những pha xử lý khéo léo, những cú dứt điểm mạnh và chính xác.

Luật bóng đá dành cho người khiếm thị không cho phép khán giả cổ vũ bằng những tiếng la cổ động. Nhưng thỉnh thoảng, trên khán đài vẫn vang lên những tiếng thét động viên của người hâm mộ đồng cảnh ngộ với cầu thủ. Khán giả là người khiếm thị chỉ biết theo dõi trận đấu qua sự tiếc rẻ của người sáng mắt...

Tất cả các cầu thủ đều được quấn băng an toàn trên đầu khi thi đấu, liên tục hô “voi” nhưng không vì vậy mà họ có thể dễ dàng tránh được những cú chạm đầu nảy lửa.

Khác với các cầu thủ sáng mắt có thể dễ dàng lăn ra một cách đau đớn sau những pha va chạm nhẹ, các cầu thủ khiếm thị lập tức đứng phắt dậy giành bóng sau khi té rất mạnh xuống sàn.

Thậm chí, khi được HLV hỏi có đau không, các cầu thủ vẫn kiên quyết nói không và lao ngay vào tranh bóng với đối thủ. 

Trong khuôn khổ của Hội thi Thể thao Học sinh Khuyết tật Toàn quốc Lần thứ III đang diễn ra tại Đăk Lăk, bóng đá khiếm thị có sự tham gia của 6 đội bóng đến từ các tỉnh Đăk Lăk, An Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, TPHCM.              
   
MỚI - NÓNG