Lò Thị Quy (giữa) và những cô gái Thái ở bản Tông Poọng trong đêm hát xòe. |
Trước năm 1952, Tiểu khu Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) có 1.000 quân Pháp chiếm đóng với sân bay, hầm ngầm, đồn bốt dày đặc.
Chiều 17 và rạng sáng 18-10-1952, Sư đoàn 308 và dân quân Nghĩa Lộ đồng loạt tấn công các cứ điểm thực dân Pháp, tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn quân địch. Đây là chiến thắng quan trọng hướng đến giải phóng Điện Biên Phủ 2 năm sau đó.
Liên tục những ngày qua, hàng loạt hoạt động văn hóa hướng đến ngày kỷ niệm giải phóng Nghĩa Lộ được tổ chức, như giao lưu nhân chứng lịch sử, triển lãm, xe thư viện phục vụ bạn đọc, tuần chiếu phim, chọi trâu, hội chợ thương mại, ẩm thực miền Tây, giao hữu thể thao, và đặc biệt là Lễ kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Nghĩa Lộ (tổ chức ngày 16-10-2012) có vòng đại xòe ở sân vận động thị xã (ước tính hàng ngàn người tham gia).
Một góc thị xã Nghĩa Lộ ngày nay. |
Buổi kỷ niệm này còn có sự tham dự của 70 học sinh Lào vừa mới đến tỉnh Yên Bái học tiếng Việt.
Điệu xòe bất tận
Lò Thị Quy vừa đi làm đồng về đến cổng. Cô gái bản Tông Poọng tươi tắn mời khách lên nhà sàn, diện ngay áo hồng váy đen e lệ rót trà. Bấm cái alo một loáng đã thấy ba, bốn cô gái nữa đến nhà.
Thị xã Nghĩa Lộ có dân số gần 30.000 người, 7 phường và 3 xã, 17 dân tộc sinh sống (người Thái chiếm 44%). 9 tháng đầu năm nay, sản lượng lúa đạt hơn 8.600 tấn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 32 tỷ đồng, doanh thu ngành kinh tế mũi nhọn là thương mại, dịch vụ và du lịch đạt gần 760 tỷ đồng. Các công trình y tế, giáo dục đã cơ bản hoàn thành. 100% trẻ em được học tiểu học. |
Chuyện đi làm đồng, sinh hoạt đoàn, nấu rượu, chọc sàn, múa xòe rôm rả. Quy bảo ở bản ai cũng biết múa xòe, hát ca, nhất là vào dịp lễ hội hay kỷ niệm ngày giải phóng Nghĩa Lộ.
Cứ đi làm đồng về là nam nữ thanh niên lại náo nức tập luyện múa hát để góp vui cho đêm đại xòe ở sân vận động thị xã. Góp vui cho vùng quê người Thái chứ không ai nhận thù lao khi đi tập múa.
Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ, những làn xòe Thái xa xưa nay vẫn còn nguyên vẹn ở thị xã có phần lớn dân số là người Thái.
Điệu xòe dâng hiến của cô gái Thái ở vùng văn hóa sơn cước này đã hút hồn không biết bao nhiêu du khách vùng xuôi và cả người nước ngoài.
Lãnh đạo thị xã rất quan tâm những tua tuyến du lịch từ miền xuôi lên đây. Khách tới thăm có thể vào bản làm một vòng tận hưởng du lịch cộng đồng.
Nhà sàn chị Phượng ở xã Nghĩa An nằm bên triền đồi. Mỗi năm có tới 600 khách nước ngoài và hàng ngàn người miền xuôi ghé thăm, ăn nghỉ ở nhà chị. Có xôi nếp đen Tú Lệ, rêu hấp suối Thia, gà đen, rượu cần cho khách. Lại có đội văn nghệ ở chi đoàn trong bản lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ.
“Vào Nghĩa Lộ với em...”, mời rượu hai lần, dẫn khách đi thăm bản, vào nhà nào cũng được. Chị cùng chồng cũng hát phục vụ khách, lại kiêm luôn hướng dẫn viên trong bản.
Anh Hà Văn Hồng, Chủ tịch xã, nói bản hiện có nhiều nhà làm dịch vụ như nhà chị Phượng. Anh Hồng đã viết đề án du lịch cộng đồng trình lên cấp trên, với mong muốn xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho xã vùng cao chỉ cách khu tưởng niệm và tượng đài Anh hùng chiến thắng Căng và Đồn Nghĩa Lộ vài trăm mét.
Mường Lò mênh mang
Đất đồng Mường Lò có ngòi Thia đẹp nổi tiếng vùng Tây Bắc. Nhà nào cũng có ruộng tốt, hai vụ lúa, một vụ màu. Nằm gần trung tâm thị xã, bản Tông Poọng giờ cũng mang vẻ phố thị, nhưng vẫn giữ lại hầu hết nhà sàn.
Thị xã vốn nằm ở một góc cánh đồng Mường Lò, nhưng giờ xuất hiện nhiều nhà tầng, khách sạn, xe cộ... Chị Lò Thị Huân, Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, nói rằng, địa phương đang gắng siết lại phần diện tích đất ở phù hợp.
Giữ được cái đẹp mênh mang cánh đồng Mường Lò là giữ được thế năng kinh tế thị xã qua thu hút du lịch và phát triển dịch vụ.