Hàng ngày, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, robot y tế Vibot thế hệ thứ hai làm việc 2 ca, sáng từ 8h đến 12h và chiều từ 15h đến 18h (chưa tính những trường hợp làm việc đột xuất), để phục vụ vận chuyển đồ ăn cho bệnh nhân điều trị Covid-19.
Bắt đầu mỗi ca làm, robot tự động rời trạm sạc di chuyển đến vị trí xe hàng chứa đồ ăn, rồi "cõng" xe hàng này đi đến từng phòng, đứng trước mỗi cửa phòng, robot phát ra âm thanh "Xin mời bệnh nhân phòng... ra nhận đồ ăn". Khi lấy xong khẩu phần ăn cho phòng mình, bệnh nhân vẫy tay 3 lần ở góc phải của Vibot để báo hiệu robot tiếp tục hành trình, khi nhận tín hiệu này, robot phát ra âm thanh "Xin cảm ơn! Hẹn gặp lại".
Sau khi phát xong đồ ăn, robot y tế Vibot lại tự động trở về vị trí để nhả xe hàng chứa đồ ăn và quay về trạm sạc.
Sau đó, robot di chuyển đến các cửa phòng, gọi bệnh nhân ra lấy đồ ăn. |
Khi lấy xong đồ ăn, bệnh nhân vẫy tay 3 lần ở vị trí khoanh đỏ để thông báo cho robot tiếp tục hành trình. |
Chia sẻ với báo chí, Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Anh Văn, Phó Chủ nhiệm bộ môn Robot đặc biệt và Cơ điện tử, Khoa Hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, ngoài vận chuyển đồ ăn, hai Robot của Học viện Kỹ thuật Quân sự còn đưa thuốc men, nhu yếu phẩm... từ ngoài vào khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh. Ở chiều ngược lại, robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết bên ngoài.
Khi phát xong đồ ăn, robot tự động nhả xe hàng ở đúng vị trí lúc lấy. |
Và di chuyển vào đúng vị trí sạc điện. |
Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100 kg. Quá trình vận chuyển, robot có thể phát nhạc, phát bản tin giải trí. Sử dụng cảm biến thông minh, Vibot có thể phát ra nhiều âm thanh như "xin tránh đường", "xin cảm ơn", "tạm biệt".
Đặc biệt các bác sĩ có thể tương tác với bệnh nhân thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot, có chất lượng hình ảnh, âm thanh cao. Nhờ đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Mọi hoạt động của hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.
Qua tính toán sơ bộ, mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, sản phẩm robot nói trên đã đáp ứng được bước đầu nhu cầu hỗ trợ điều trị Covid-19, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sĩ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, đối với bệnh truyền nhiễm thì việc lây nhiễm chéo rất là nguy hiểm. Chính vì thế, việc hạn chế được nhân viên y tế phải tiếp xúc quá nhiều với bệnh nhân nhiễm bệnh là giải pháp tốt vào thời điểm hiện nay.
"Robot này có thể thay thế nhân viên y tế, điều dưỡng, nhân viên phục vụ trong việc mang cơm, thuốc, thu gom rác thải… nên sẽ giảm tải cho các nhân viên y tế. Bên cạnh đó, robot có chức năng kết nối giữa người bị bệnh với bác sĩ bên ngoài khu vực cách ly để nhận được sự tư vấn cần thiết, điều này cũng sẽ tránh được rủi ro khi bác sĩ trao đổi trực tiếp với bệnh nhân", GS.TS Nguyễn Văn Kính nói.