Nếu đồng bào dân tộc Thái nổi tiếng với những bức thổ cẩm rực rỡ thì đồng bào dân tộc Mông được nhiều người biết đến với nghề rèn truyền thống. |
Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông gắn liền với hoạt động sống và canh tác ở vùng cao. Theo người dân, từ xa xưa, họ đã tự rèn nông cụ như dao rựa, cuốc… và cả nòng súng kíp để phục vụ cuộc sống và công việc ở nơi núi rừng. |
Trước đây, mỗi một gia đình người Mông thường sẽ có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. |
Từ nhỏ, những người cha, người ông đã chủ động dạy cho con cháu của mình biết đến nghề rèn. “Cha truyền con nối”, cứ thế nhiều người Mông dần biết cách tạo những nông cụ chắc bền, tạo thương hiệu cho nghề rèn của dân tộc mình. |
Ông Thò Chừ Xồng, một thợ rèn ở xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) cho biết, để có sản phẩm rèn tốt phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng người thợ, mà kinh nghiệm ấy lại rất khó diễn tả bằng lời. |
Ngoài kinh nghiệm tôi thép, còn có rất nhiều bí quyết khác như việc chọn thép tốt, phù hợp cho từng sản phẩm. Để có con dao mang độ sắc và độ bền thì nên dùng nhíp ô tô để rèn. Trong lúc rèn, nếu tôi thép chưa đủ độ nóng thì thép non, không dùng lâu được, mà tôi quá lửa lại hay bị gãy. |
Điểm đặc biệt nhất trong nghề rèn của người Mông chính là khâu tui sắt. Để thực hiện công đoạn này, họ dùng các khúc thân cây chuối để tui sản phẩm. |
Để làm nên 1 sản phẩm, một thợ rèn người Mông mất hơn 1 ngày. Những người thợ rèn giỏi chỉ cần gõ nhẹ vào dao là đã biết tốt hay xấu. |
Ngày nay, người Mông đã sử dụng máy móc, như quạt thổi lò, máy mài để cải thiện tốc độ rèn dao. Nhờ vậy, thợ rèn có thể làm nhanh, làm đẹp hơn cho các sản phẩm của mình. |
Không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày, hiện nghề rèn đã trở thành “nghề chính”, kiếm sống của một số người Mông. Sản phẩm của họ đã được bày bán rộng rãi đến các địa phương trong và ngoài nước. |