Xem lại “Cô gái trên sông”

Xem lại “Cô gái trên sông”
TP - Phim Hà Nội mùa đông năm 46 mới chiếu trên VTV gần đây là lần thứ ba tôi được xem. Tôi không còn nhớ cảm xúc của hai lần trước. Nhưng lần này, không chỉ một lần nước mắt tôi trào ra. Tôi cầm máy gọi Đặng Nhật Minh: Cảm ơn anh. Tôi không giấu rằng anh đã khiến cái lão hơn bảy mươi này khóc ròng…

> Mùi cỏ cháy giành giải Cánh diều vàng
> 'Cát nóng' khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội

Tôi cũng nhận ra sự xúc động của Đặng Nhật Minh. Anh nói: Vỹ nên nhớ, tôi bây giờ là loại bị họ cho ra rìa, bởi không ăn khách. Phải là ông H., ông D. với hàng trăm em mắt xanh tóc đỏ kia!

Tôi vặc lại. Họ là ai? Và khách là ai? Chúng tôi có là khách không? Chúng tôi vừa xem Hà Nội mùa đông năm 46, toàn anh chị em văn nghệ sĩ Huế mà anh quý mến.

Rồi cùng Ngô Minh và anh em Quảng Bình nghẹn ngào xem Thương nhớ đồng quê. Nhóm cà phê của tôi, toàn trí thức, quây quần mỗi sáng bên bờ sông Hương, cũng mới xem và râm ran bàn tán Cô gái trên sông.

Và bà xã tôi nữa, một thạc sĩ vật lý dạy đại học, đã điện thoại cảm ơn anh ngay khi vừa đọc xong Bao giờ cho đến tháng Mười, truyện cuối cùng trong tập truyện Ngôi nhà xưa anh vừa xuất bản.

Chúng tôi có là khách không nhỉ? Và cả ở Trung tâm William Joiner tại Boston cùng nhiều đại học Hoa Kỳ, tranh cổ động phim Đặng Nhật Minh và Trần Văn Thủy dán khắp nơi.

Những Kevin Bowen, Fred Marchant, Bruce Weigle, Nguyễn Bá Chung, Ngô Vĩnh Long, Hoàng Khởi Phong, Trương Hồng Sơn… bên đó - họ có là khách không?

Nói vậy thôi, chứ tôi biết rằng, anh và những nốt nhạc sâu thẳm của anh đâu cần cả rừng khách tạo bão thổi, tạo gió giật, tạo ánh sáng chớp lóe, tạo âm thanh động đất.

Điều rất kỳ quái là việc lẽ ra phải làm mươi, mười lăm năm trước mà sao bây giờ mới thực hiện được. Đó là những phim “không ăn khách” như của Đặng Nhật Minh và một số đạo diễn tài năng khác, bây giờ mới được chiếu vào giờ vàng ngày chủ nhật? Nói “không ăn khách” là không chính xác.

Phải nói là phim kén chọn khách. Số khách này không là đa số. Nhưng là tinh túy của thưởng ngoạn. Chí ít cũng là số khách đáng cho nhà nước tôn trọng.

Tôi xem lại Cô gái trên sông (trên phim và trên sách), lòng bồi hồi khó tả. Một phần tư thế kỷ đã qua. Dạo đó bạn bè tôi đóng các vai cho phim, như một chia sẻ đồng cảm (Võ Quê, Dương Đình Châu, Văn Thanh…).

Đặng Nhật Minh cũng muốn kéo tôi đóng vai Tổng biên tập báo Quê Hương. Bởi anh cho biết vai này có dựa vào hoạt động của tôi lúc đó là Tổng biên tập tạp chí Sông Hương đang vào hồi... cao trào. Và cũng sắp đến đoạn phải “trả giá” cho khát khao đổi mới.

Chúng tôi đồng cảm từ hồi ấy. Từ năm 1988 Đặng Nhật Minh đã cảnh báo sự vô ơn bạc nghĩa của một số người vẫn tự xưng là cách mạng. Đó không chỉ là sự cảnh báo mà còn là sự nhạy cảm của tầm nhìn xa.

Cuốn Vùng sâu của tôi mới xuất bản cũng cho nhân vật tính cách cơ hội là hắn, hắn đã thực sự chết (mặc dầu thân xác hắn vẫn tồn tại). Giống như nhà báo Mai Liên báo tin cho Nguyệt (cô gái trên sông ngày ấy) rằng Anh ấy không còn nữa (tay cán bộ vô ơn) mặc dầu anh ta còn sống.

Còn Nguyệt cùng Thảo, thân xác rách nát nhưng thánh thiện. Như vậy, người tốt vẫn nhiều đó chứ anh Minh hè!

Mà người tốt, người đồng cảm thực sự với chúng ta không ít đâu anh ạ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG