Thị trường chững lại dù ôtô nội được giảm phí trước bạ?

TPO - Trong tháng 7 vừa qua, lượng ôtô bán ra tại Việt Nam vẫn chưa tăng đến mức đột phá dù khách hàng mua xe lắp ráp nội địa đã được giảm 50% lệ phí trước bạ.
Sau quãng thời gian dài nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Chính phủ đã quyết định đưa ra chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp nội địa từ ngày 28/6 tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Do đó, tháng 7 vừa qua chính là tháng đầu tiên thực hiện hoàn toàn chính sách mới.
Dù được hưởng lợi như vậy nhưng thực tế báo cáo doanh số tháng 7 từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy thị trường xe không tăng mạnh như kỳ vọng như trước khi được áp dụng chính sách trên.
Thị trường chững lại dù ôtô nội được giảm phí trước bạ? ảnh 1 Honda giảm doanh số mạnh nhất trong tháng 7 vừa qua.
Theo đó, các thành viên của VAMA chỉ bán được 24.065 chiếc ôtô trong tháng 7 vừa qua, tăng 0,3% so với tháng trước đó và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xe du lịch đạt doanh số 17.593 chiếc (tăng 0,1% so với tháng 6); xe thương mại bán được 6.133 chiếc (tăng 0,4%) và xe chuyên dụng đạt 339 chiếc (tăng 10%).
Mặt khác, sản lượng của xe lắp ráp trong nước cũng chỉ tăng 2% so với tháng trước, đạt 16.088 chiếc, và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.977 xe, giảm 2% so với tháng 6.
Trong đó, doanh số tháng 7 của Mitsubishi giảm 6% so với tháng trước đó dù hai mẫu xe bán chạy nhất của hãng đều được lắp ráp tại Việt Nam, gồm: Xpander và Outlander.
Đặc biệt, Honda bị giảm doanh số tới 63%, phần lớn đến từ sự sụt giảm quá mạnh (74%) của Honda City khi mới tháng 6 vừa qua còn đứng đầu top 10 mẫu xe bán chạy nhất với lượng xe bán ra lên đến 2.183 chiếc. Ngoài ra, mẫu crossover CR-V cũng giảm doanh số 57,2%, chỉ còn 130 chiếc trong tháng 7.
City và CR-V hiện là 2 sản phẩm ôtô kinh doanh chủ lực của Honda tại Việt Nam, những biến động của các mẫu xe này luôn có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số của hãng. 
Tuy nhiên, một số hãng xe du lịch ở Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt trong tháng 7 vừa qua, điển hình như: Suzuki, Toyota, Ford, Isuzu, Kia, Mazda và Nissan. Trong số đó, Suzuki sở hữu mức tăng cao nhất, lên tới 39%, với tất cả các sản phẩm kinh doanh ở Việt Nam đều được nhập khẩu nguyên chiếc.
VinFast đã bán được tổng cộng 2.214 chiếc trong tháng 7 vừa qua, tăng nhẹ 2% so với tháng 6, với 1.577 xe Fadil, 355 xe Lux A2.0 và 282 xe Lux SA2.0. Tuy mẫu Fadil tăng doanh số nhưng hai mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 lại có xu hướng giảm trong các tháng gần đây.
Thị trường chững lại dù ôtô nội được giảm phí trước bạ? ảnh 2 Fadil đang là ngôi sao mang về doanh số lớn cho VinFast.
Trong khi đó, TC Motor - với toàn bộ các mẫu xe lắp ráp - đã có một tháng 7 thành công, đạt tổng doanh số xe Hyundai 7.606 xe, tăng 35,5% so với tháng 6. Trong đó, Hyundai Accent dẫn đầu về doanh số với 2.219 chiếc, tăng trưởng 90,7%. Tucson và Santa Fe cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 62% và 47%, với doanh số lần lượt 1.066 xe và 1.198 chiếc.
Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2020 và hiện vẫn chưa thể hồi phục. Tính đến hết tháng 7, các thành viên VAMA đã bán được tổng cộng 126.088 chiếc, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm lệ phí trước bạ 50% được áp dụng từ cuối tháng 6 đã có một số tác động tích cực nhưng vẫn chưa quá rõ rệt. Trong thời gian tới, nhiều mẫu xe lắp ráp mới chính thức được bán ra hứa hẹn sẽ giúp lượng ôtô bán ra tăng mạnh hơn.
MỚI - NÓNG