TPO - Đê sông Hồng đoạn qua địa phận Hà Nội là công trình phòng chống lũ lụt trọng yếu, cấm xe tải trọng lớn lưu thông. Tuy nhiên, hiện nay, xe tải trọng lớn, quá khổ, quá tải công khai cày xới nham nhở mặt đê sông Hồng, bất chấp biển cấm, qua mặt lực lượng chức năng. Dưới đây là những hình ảnh phóng viên Tiền Phong ghi nhận tại nhiều xã thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội.
Trong đội quân xe phá nát đê Hữu Hồng (phía bên phải theo dòng chảy của sông Hồng) thuộc địa bàn huyện Thường Tín, có rất nhiều xe bồn chở bê tông tươi từ các trạm trộn đặt ngoài đê sông Hồng.
Dù trên đê có hệ thống biển báo tải trọng xe (cấm xe trên 12 tấn như trong hình) nhưng các xe tải trọng lớn, cơi nới vẫn công khai hoạt động.
Trong ảnh là xe có đề tên Cty Cường Linh, BKS 29H-26382 được cơi nới thêm để chờ cát
Trong ảnh là loại xe Howo 4 "chân" (4 trục, gắn bánh xe) với tải trọng cả xe và hàng hóa 15 tấn vẫn lưu thông trên đê. Ngoài ra, thùng xe đã được cải tạo nâng cao hơn gấp đôi so với xe khi xuất xưởng. Ảnh chụp trên đường đê sông Hồng đoạn từ xã Hồng Vân đến xã Thống Nhất, huyện Thường Tín.
Xe tải nặng cày nát đường, đất cá bay khắp mặt đê
Việc quá nhiều xe có tải trọng lớn, lại được cơi nới, chở quá trọng lượng quy định khiến mặt đê sông Hồng, đặc biệt đoạn qua xã Thống Nhất xuống cấp trầm trọng. Các xe này mang logo của các công ty như bê tông Phong Cảnh, bê tông Hoàng Long, Cty Cường Linh, Thanh Long, THM…
Ổ gà, ổ trâu xuất hiện liên tục khiến xe máy, ô tô gầm thấp đi lại khó khăn, nguy hiểm.
Nhiều đoạn đê quá xấu được cơ quan chức năng dùng đất đỏ để vá vía, tạm bợ
Xe phun nước được huy động để hạn chế bụi, nhưng gần như không có tác dụng
Từ đê Hữu Hồng, đoàn xe nối đuôi nhau đi vào đường Tía (đường cấm tải trọng 10 tấn), xã Thống Nhất về Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21B rồi tỏa đi các vùng lân cận nhưng không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý
Hàng loạt xe tải trọng tập kết ở chân đê, chờ đến lượt vào điểm tập kết nhận hàng
Đường quá nhỏ, mỗi khi xe đi qua, người dân phải nép vào sát tường nhà, vỉa hè, rất nguy hiểm. Trong ảnh là xe vừa cơi nới, vừa chở đất cát vượt quá thành thùng phóng trên đường.