Xe ôm 3 bánh giữa đường phố Sài Gòn. |
Tận tình, văn minh
Đội xe ôm ba bánh hiện có 10 chiếc xe, mỗi chiếc trị giá gần 35 triệu đồng. Hiện đội xe gồm 6 người, trong đó có 2 người khuyết tật. Anh Phạm Như Ý, tình nguyện viên của Hội quán Đời Rất Đẹp, dù khuyết tật nhưng vẫn hăng hái tham gia đội xe ôm ba bánh.
“Mình chỉ bị khuyết tật nhẹ, vẫn còn có thể lái xe máy nên muốn đóng góp một phần sức lực để giúp đỡ những người khuyết tật nặng hơn. Những người khuyết tật mình đã chở đều tỏ ra rất hài lòng với chiếc xe”, anh Ý nói.
Khi biết thông tin về chương trình xe ôm ba bánh cho người khuyết tật, anh Ý đã chấp nhận từ bỏ công việc của một nhân viên văn phòng để tham gia… chạy xe ôm. “Trước kia, mình đã được rất nhiều người khuyết tật giúp đỡ. Bây giờ, mình muốn được giúp lại những người kém may mắn hơn”, anh Ý nói.
TPHCM hiện có hơn 3.800 xe buýt hoạt động, nhưng chỉ có 2 xe buýt dành cho người khuyết tật, 15 xe buýt sàn thấp và 98 xe sàn bán thấp, nhưng chỉ chạy trên những tuyến đường cố định khiến nhiều người khuyết tật không có điều kiện tiếp cận. |
Bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển cho biết, 10 chiếc xe ba bánh được thiết kế đặc biệt để phù hợp và an toàn với người khuyết tật. “Ghế tựa lưng cao 40cm, có đai an toàn ở bụng, có khung treo xe lăn và nạng. Trong đó, 2 chiếc có phần tựa lưng cao 65cm có thể chở những người liệt tứ chi hoặc bại não. Ngoài ra, 5 chiếc có hộp số lùi, gài số bằng tay, thắng sau và thắng trước đều dùng bằng tay, thuận tiện và an toàn cho các bạn tài xế khuyết tật. Đội xe cũng được trang bị nón bảo hiểm đảm bảo chất lượng”, bà Yến nói.
Để được đưa đón miễn phí, người khuyết tật ở TPHCM chỉ cần gọi điện đến đường dây nóng 0935244123 từ 8h đến 17h. Các bạn trẻ trong đội xe sẵn sàng phục vụ vào tất cả các ngày trong tuần.
Vừa nhận được thông báo, anh Trần Minh Trí, thành viên đội xe ôm khuyết tật, ngay lập tức chuẩn bị lên đường. Thượng đế của anh Trí là một người khiếm thị trọ trong một con hẻm trên đường Hòa Hưng, quận 10. Chiếc xe lách nhẹ nhàng vào con hẻm nhỏ, anh Trí vào tận nhà đưa người khiếm thị ra xe.
Sau khi đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn, anh Trí nổ máy, đưa hành khách đến một phòng khám cách đó gần 10km. “Chúng tôi sẵn sàng chuyên chở, đưa đón người khuyết tật trong bán kính 15km, tuy nhiên, khi xảy ra trường hợp khẩn cấp, dù xa hơn chúng tôi vẫn sẽ đến trợ giúp. Xe ôm ba bánh lợi thế hơn xe taxi vì nó tiếp cận được với người khuyết tật ở những nơi mà xe taxi khó lòng vào được. Chỗ ngồi thoải mái, có chỗ kẹp nạng, cố định xe lăn cũng là lợi thế của xe ba bánh so với xe ôm hai bánh thông thường”, anh Trí nói.
Hòa nhập cộng đồng
Anh Trí cho biết, vì đối tượng phục vụ là người khuyết tật nên các thành viên trong đội xe ôm luôn hết sức cẩn thận. Anh Trí kể, nhiều người khuyết tật đã rất vui mừng vì được đưa đón miễn phí. Một cô bé 16 tuổi bị bại liệt kể với anh rằng, trước kia, cô bé chỉ suốt ngày núp mình trong nhà, không dám bước chân ra đường. Ngoài sự mặc cảm, điều khiến cô bé dần mất đi nỗ lực hòa nhập cộng đồng chính là những phương tiện đi lại hầu như không hỗ trợ được cho người khuyết tật. Sau vài lần, cô bé chán nản và buông xuôi, phó mặc cuộc sống.
Bà Yến cho rằng, khó khăn về vấn đề đi lại là rào cản lớn nhất khiến nhiều người khuyết tật không thể đến trường, đi làm. “Hiện nay, xe ba bánh ở Việt Nam trở thành phương tiện đi lại cho nhiều người khuyết tật, nhưng không phải ai cũng đủ tiền mua một chiếc xe hai bánh rồi thêm một số tiền nữa để chuyển thành xe ba bánh. Dự án này sẽ giúp người khuyết tật có thể đến được nơi mình muốn đến, góp phần thúc đẩy quyền của người khuyết tật, đặc biệt là quyền tham gia các hoạt động xã hội”.