Cụ thể, một lãnh đạo của Tổng cục Đường bộ cho hay, qua trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình cho thấy: Xe khách 29B-078.43 (xe khách trong vụ tai nạn với xe cứu hoả) trước khi tai nạn chạy tốc độ 88 km/h. Trong khi, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ được lưu thông tối đa 100 km/h ở tất cả các làn, trừ làn khẩn cấp.
Liên quan đến vụ tai nạn hi hữu này hiện có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số luật sư trích dẫn Điều 22 Luật Giao thông đường bộ cho hay: Xe cứu hoả là xe ưu tiên nên được quyền đi vào đường ngược chiều, đường cấm, không bị hạn chế tốc độ nên không vi phạm trong trường hợp này, lỗi vi phạm thuộc về xe khách.
Tuy nhiên, trao đổi với Tiền phong, một chuyên gia giao thông cho rằng, lỗi không thuộc về xe khách. Trường hợp này, xe cứu hoả phải đi ngược chiều thì nên đi vào làn khẩn cấp của cao tốc, không nên đi vào làn đường xe đang chạy tốc độ cao.
Trước đó, chiều 19/3, Uỷ ban ATGT Quốc gia có cô điện khẩn gửi Bộ Công an, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 4 vụ tai nạn giao thông liên tiếp trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 18/3 làm 3 người chết, 10 người bị thương, gây ách tắc dài hơn 30 km.
Trong 4 vụ tai nạn, có vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa thuộc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội biển kiểm soát 29A-02307 với xe ô tô chở khách biển kiểm soát 29B-078.43 làm 4 cán bộ chiến sĩ trên xe cứu hoả và 2 người trên ô tô khách bị thương (trong đó có 1 chiến sĩ đã hy sinh vào sớm 19/3 tại bệnh viện). Vụ việc xảy ra trong quá trình xe cứu hoả chạy ngược chiều giao thông trên đường cao tốc ra hiện trường cứu hộ vụ TNGT trước đó.