Vì xuất huyết dạ dày mà năm 16 tuổi, Quang Thọ phải nghỉ giữa chừng, sau đó trở thành thợ điện, rồi “danh ca” vùng mỏ. Nhưng bệnh vẫn không hết hẳn, cho đến khi anh đi văn công tiền tuyến. “Bệnh khỏi hẳn có lẽ do tôi uống thuốc phòng sốt rét của Nga”, Quang Thọ phỏng đoán. “Hai năm ở Trường Sơn, ngày nào cũng phải uống 1 viên niphakin trước khi đi ngủ, ngoài ra còn phải bôi dầu chống muỗi…”.
Đoàn Quảng Ninh là một trong 9 đoàn văn công từ Bắc vào Nam. Họ cùng các cánh quân đi ô tô đến Quảng Bình và từ đây hành quân dích dắc qua các chiến trường, đến tận Tây Ninh. Quang Thọ vẫn nhớ như in quang cảnh những buổi chiều, hàng nghìn bộ đội ngả trại ở bãi cát, gọi là “bãi khách”. Việc đầu tiên, mỗi người phải đào một hố cá nhân hoặc sửa lại hố cũ để máy bay đến còn có chỗ trú, trong khi anh nuôi đào bếp Hoàng Cầm. Mỗi người chọn hai gốc cây để mắc võng (có màn) làm chỗ qua đêm. Mưa thì che bằng tăng. Nếu có văn nghệ, sẽ dùng dăm cái võng kết lại làm phông. Cát tẩm dầu nhớt đốt lên thành đèn sân khấu.
“Bộ đội miền Bắc vào toàn mang theo đồ của Trung Quốc. Võng bằng vải bạt, tăng bằng ni lông dày, nặng kinh khủng. Trong khi đó võng của lính B2- được giao liên dẫn ra Bắc đi học- vo lại bằng nắm tay”, Quang Thọ kể. Cũng nhờ đoàn quân tập kết mang theo chiến lợi phẩm của Mỹ mà Quang Thọ lần đầu tiên được nếm mùi bia lon.
Đoàn quân chủ yếu đi trên đất Lào (bên Tây Trường Sơn), là phía có địa hình bằng phẳng hơn. “Ngày đấy tất cả những vũ khí gì hiện đại tối tân nhất đều được Mỹ đưa sang Việt Nam. Trong đó có ‘cây nhiệt đới’ dài một thước, to bằng bắp chân, rải dày đặc trong rừng Trường Sơn”, Quang Thọ nhớ lại. Cây này đo cường độ âm thanh, nhiệt độ… từ đó tính toán lượng người, lượng xe gần đó để định hướng bắn rocket, ném bom sao cho hiệu quả nhất. 1971-1972 là giai đoạn miền Bắc đang chi viện rất lớn cho chiến trường miền Nam để bước vào tổng tấn công, cũng là lúc Mỹ bắn phá ác liệt. “B52 rải thảm chết nhiều lắm”, Quang Thọ kể. “Nhiều đoàn văn công hy sinh nhiều lắm. Có đoàn vợi một nửa quân số”.
Quang Thọ thuộc dạng khỏe trong đoàn. Hành quân từ 5h sáng đến 5h chiều, đến bãi khách, mọi người đều mệt phờ. Nhiều người chẳng buồn rửa chân, chỉ đi vội đôi tất sạch vào (có tác dụng chống muỗi) và ngủ, sáng hôm sau cởi ra, xỏ dép cao su, lên đường. Nhưng Quang Thọ vẫn lọ mọ đi ra suối đánh răng, rửa mặt. Xong xuôi, bấm đèn pin viết nhật ký. Rất tiếc hai cuốn nhật ký chiến trường quý giá đã thất lạc một cách rất… lãng nhách năm 1984, trong khi chủ nhân đi Đức thi hát.
Chuyện là, khi đi Đức, Quang Thọ để tất cả sách vở, đồ kỷ niệm, nhật ký, ảnh chụp ở Trường Sơn… trong một chiếc va-ly. Va-ly để trong phòng (không phải căn hộ vì chung toalet) tập thể ở khu văn công Mai Dịch. Nhạc sĩ Quang Vinh bèn mượn phòng Quang Thọ để tập ban nhạc. Tập chán, trả luôn chìa khóa cho phòng hành chính. Đến khi Quang Thọ về nước, lại đã có nhà của vợ chưa cưới. Chị khuyên: “Thôi anh đừng về đấy ở làm gì cho xa xôi…”. Hồi còn đi xe đạp, 9km từ Mai Dịch về trung tâm cũng gọi là xa. Thọ nghe xuôi tai, không đòi lại căn phòng nữa. Chiếc valy và mọi thứ ở trong dường như đều bị đám bạn bè nghịch ngợm làm tứ tán mất. Đầu năm 1985, hai người lấy nhau, Quang Thọ ở luôn nhà vợ tại khu Thành Công.
“Căn phòng đó để mấy chục năm sau bán phải được mấy cây vàng”, Quang Thọ nhắc lại với một nụ cười. “Trong khi một số người vẫn giữ phòng, khóa lại rồi vào Nam sống, mấy năm sau ra vẫn bán được”. Nguyên Quang Thọ được ở phòng 30m2, nhưng thấy 6 bố con đồng nghiệp ở phòng bên có 20m2, nên anh đã tình nguyện đổi.
Biên kịch bạo tay
“Cách đây 11 năm, có người hứa tài trợ 2 tỷ để làm phim ca nhạc Âm vang lá đỏ. Tôi viết kịch bản và đóng luôn”, Quang Thọ kể. “Trong đó có tất cả những gì tôi được chứng kiến và nghe kể trên đường Trường Sơn”. Phim không có cảnh chiến đấu mà xoay quanh hành trình của 5 cậu sinh viên Nhạc viện xin tốt nghiệp sớm để vào Trường Sơn và 5 nữ thanh niên xung phong.
Các nhân vật nam mỗi người một quê, Nguyễn Quang ở Quảng Ninh, Sơn- Sơn La, Bình- Quảng Bình… Tên của năm nhân vật nữ lấy đúng theo tên 5 cô văn công của đoàn Quảng Ninh. Hai giọng nữ trong đoàn đều tên Vũ Kim Chung, sinh cùng năm khác tháng. Để đỡ lẫn, cô làm ở ty Bưu điện đành phải đổi thành Thu Chung - về sau thành vai nữ chính sánh đôi cùng Nguyễn Quang.
Biên kịch Quang Thọ không chút nương tay, cho các nhân vật chính hy sinh gần hết, cuối cùng chả đôi nào được đoàn tụ. Nữ TNXP tên Liên lại nên duyên với viên phi công Mỹ từng bị cô bắt làm tù binh. Trong khi Bình dù bị thương mất… bộ phận sinh dục vẫn lấy được vợ là con một Đại tá “ngụy”. Kết quả của cuộc tình Trường Sơn: Anh Thi, con gái của Nguyễn Quang và Thu Chung, trở thành ca sĩ.
Lồng trong phim là 23 bài hát về Trường Sơn. Ngoài ra còn bản Nhạc chiều của Schubert cùng Hạ trắng của Trịnh Công Sơn mà Bình vừa đệm piano vừa hát trong lần đầu đến thăm bố mẹ bạn gái. Khán giả nghe xong vừa ngạc nhiên vừa thán phục, ông bố hỏi: “Thế tất cả các anh đều biết về âm nhạc và nghệ thuật à?” “Vâng, thanh niên chúng cháu ngoài Hà Nội ai cũng phải biết đàn hát”, Bình đáp. Cựu Đại tá gật gù: “Thảo nào, các anh thắng là phải(!)”.
Công ty Nghe nhìn Thăng Long nhận dựng phim kịch bản của Quang Thọ, thiếu mỗi nhà tài trợ chục năm nay chưa chốt được. Quang Thọ hy vọng năm tới, kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn, biết đâu ông còn cơ may đóng phim…
Văn công cũng mang vác như bộ đội, gồm ruột tượng gạo 5 cân, ba lô, bi-đông nước, khẩu AK- lại thêm cây guitar, nhưng thường xuyên có lính công vụ ở các binh trạm bê đỡ, nhất là với các chị em. Trong đoàn có 7 nữ, tất cả đã… qua lưng Quang Thọ. Tức là mỗi lần các người đẹp (đặc biệt khi đến tháng) qua suối, đều được cánh đàn ông cõng.