Xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch ở TPHCM: Nguy cơ vỡ trận

Khuyến khích đầu tư xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch nhưng TPHCM chưa có chính sách cụ thể khiến các doanh nghiệp ngao ngán
Khuyến khích đầu tư xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch nhưng TPHCM chưa có chính sách cụ thể khiến các doanh nghiệp ngao ngán
TP - Vắng khách đi lại, nhiều tuyến buýt ở Sài Gòn đã phải tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, nhiều tuyến xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch cũng rơi vào nguy cơ tương tự vì nợ tiền đơn vị cung cấp nhiên liệu.

Ngừng tuyến do ế khách
Dù TPHCM đang triển khai nhiều kế hoạch để phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân nhưng hiện nay, nhiều hợp tác xã vận tải đang gặp khó khăn, bế tắc vì vướng cơ chế dẫn đến nợ nần, chán nản.

Chỉ trong hai tháng qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã tạm ngừng 4 tuyến xe buýt trên địa bàn do vắng khách, dù trước đó sở này đã kiến nghị UBND TPHCM tăng thêm hơn 330 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt.

Vào tháng 8/2018, hai tuyến xe buýt mang mã số 40 có lộ trình từ Bến xe Miền Đông - bến xe Ngã 4 Ga, do Hợp tác xã (HTX) Vận tải Đông Nam đảm nhận và tuyến mang mã số 149 có lộ trình công viên 23/9 - Tân Phú - Bến xe An Sương, do Hợp tác xã Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng đảm nhận bị tạm ngừng vì lượng khách quá ít.

Mới đây nhất, hai tuyến xe buýt khác gồm tuyến xe số 37 có lộ trình cảng quận 4 - Nhơn Đức do HTX Vận tải số 26 đảm nhận và tuyến số 60 lộ trình Bến xe An Sương - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân do HTX vận tải 19/5 đảm nhận cũng bị tạm ngừng hoạt động từ ngày 1/10.

Tháng 9 vừa qua, tuyến xe buýt số 11 kết nối quận 2 với trung tâm TPHCM cũng bị cắt bớt lộ trình, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Tuyến xe buýt này được kết nối quận 1 với quận 2 sau khi tuyến số 35 (chạy vòng quanh quận 1) bị tạm ngừng do vắng khách vào năm 2017.

Dù đánh giá việc điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt số 11 kết nối quận 2 thu hút thêm hành khách sử dụng xe buýt để đi lại. Tuy nhiên, Sở GTVT TPHCM cho rằng, số lượng hành khách tăng thêm chưa cao. Sau 9 tháng hoạt động, qua thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 450 lượt hành khách sử dụng tuyến xe buýt số 11 trên lộ trình kết nối quận 2, tương đương khoảng 3,2 hành khách/chuyến. Do nhu cầu đi lại của người dân chưa cao và chưa tương xứng với cự ly tăng thêm của tuyến khi lưu thông qua quận 2, nên lộ trình kết nối quận 2 với trung tâm quận 1 bị cắt.
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho rằng, nguyên nhân tạm ngừng, cắt giảm lộ trình các tuyến xe buýt này là lượng khách đi lại ít, không đủ kinh phí hoạt động. Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TPHCM thừa nhận việc tạm ngừng một số tuyến xe buýt sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, gây khó khăn cho người dân đi xe buýt.

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy lượt khách đi lại trên các tuyến này ít, không đủ chi phí hoạt động, không mang lại hiệu quả cho hoạt động khai thác tuyến nên phải tạm ngừng. Với những tuyến xe buýt bị tạm ngừng, hành khách có thể lựa chọn các tuyến xe khác để thay thế nhưng không thuận tiện.

“Chết” vì chờ trợ giá
Song song với việc phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, TPHCM khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc bất cập ở cơ chế hỗ trợ khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao, nợ nần chồng chất có nguy cơ bị cắt nguồn nhiên liệu.

Mới đây, Công ty Cổ phần kinh doanh Khí miền Nam, chi nhánh Đồng Nai đã gửi thông báo đến HTX Vận tải số 28 để đòi nợ và doạ cắt nguồn nhiên liệu (khí CNG) nếu HTX không thanh toán số tiền nợ lên đến gần 700 triệu đồng. HTX Vận tải số 28 cũng hứa sẽ thanh toán nợ trong tháng 9 vì phải đợi tiền trợ giá từ Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM.
Tuy nhiên, đến ngày 28/9, HTX Vận tải số 28 vẫn chưa trả gần 700 triệu đồng nợ nên hoạt động kinh doanh của công ty cung cấp khí CNG bị ảnh hưởng. Toàn bộ xe buýt của HTX Vận tải số 28 đang bị cảnh báo sẽ cắt toàn bộ khí CNG vào ngày 5/10.

Không chỉ HTX Vận tải số 28, nhiều doanh nghiệp, HTX khác trên địa bàn TPHCM cũng đang “dài cổ” chờ tiền trợ giá trong khi kinh phí cho nhiên liệu, vận hành xe buýt ngày càng tăng. Chi phí mua xe, nhiên liệu cho phương tiện chạy bằng khí CNG cao hơn nhiều so với phương tiện chạy bằng dầu Diesel. Việc trợ giá không những không cao mà còn có xu hướng giảm, lượng khách đi xe buýt cũng không đồng đều khiến nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào loại hình vận tải này cũng phải ngao ngán.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TPHCM cho biết, hàng loạt HTX vận tải ở TPHCM đang lâm vào cảnh bế tắc bởi vướng cơ chế. Dù số tiền bỏ ra đầu tư vào xe buýt chạy bằng CNG cao gần gấp đôi so với xe chạy dầu diesel nhưng chính sách hỗ trợ, trợ giá còn nhiều vướng mắc. Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM hiện chỉ có 4 trạm bơm khí CNG được bố trí ở Bình Chánh, Thủ Đức, quận 12, Tân Bình, quá xa trung tâm. TPHCM có đến hơn 500 xe chạy khí CNG của các doanh nghiệp hoạt động nên việc bơm nhiên liệu cho xe không chỉ tốn thời gian mà còn tăng kinh phí, gây khó cho doanh nghiệp.

Ông Hải cho biết, trước thực trạng cơ quan chức năng chậm giải quyết tiền trợ giá, nhiều doanh nghiệp đã bỏ tiền ra đầu tư vào lĩnh vực này đang tỏ ra nản chí. Dù doanh nghiệp đã nhiều lần gửi đề xuất tháo gỡ các vướng mắc để phát triển xe buýt chạy nhiên liệu sạch nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan. “Các doanh nghiệp đã đầu tư rồi thì buộc phải chấp nhận lỗ để duy trì. Còn những doanh nghiệp có ý định đầu tư thấy thực tế như vậy liền từ bỏ”, ông Hải nói.

Theo Sở GTVT TPHCM, từ năm 2014 thành phố có kế hoạch đầu tư mới 1.680 xe buýt, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp, HTX chú trọng đầu tư phương tiện chạy bằng CNG. Tuy nhiên, đề án này đang gặp nhiều vướng mắc do việc bố trí các trạm khí CNG chưa hợp lý, tốc độ phát triển các trạm khí không đồng bộ với các tuyến xe buýt. Việc thực hiện thủ tục hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp còn chậm…

Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng, từ ngày 24/1 đến ngày 1/10/2018, Trung tâm đã giải ngân hơn 543 tỷ đồng trợ giá xe buýt cho các doanh nghiệp, HTX vận tải.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.