Xây dựng trung tâm đột quỵ, tim mạch chuyên sâu đầu tiên tại miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 27/3, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Đà Nẵng chính thức khởi công xây dựng với quy mô 300 đến 500 giường. Đây sẽ là trung tâm đột quỵ, tim mạch chuyên sâu phục vụ cấp cứu điều trị cho người dân tại khu vực miền Trung.

TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cho biết, suốt 12 năm qua, ông đã hỗ trợ cấp cứu và đào tạo can thiệp đột quỵ tại các tỉnh miền Trung như: Huế, Đà Nẵng, Bình Định và nhận thấy bệnh nhân đột quỵ tại miền Trung đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận điều trị. Tại đây chưa có trung tâm chuyên sâu về đột quỵ, thiếu trang thiết bị đầy đủ và đội ngũ chuyên gia. Bệnh nhân phải chuyển viện xa mất thời gian vàng, giảm cơ hội sống. Hệ thống cấp cứu đột quỵ chưa đồng bộ và khả năng tiếp cận điều trị chưa tối ưu.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng của lĩnh vực cấp cứu, điều trị đột quỵ - tim mạch, tại buổi lễ khởi công xây dựng bệnh viện, BS Trương Văn Trình, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, mặc dù đầu tư cho y tế thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thực tế điều kiện về chuyên môn, trang thiết bị y tế tại thành phố Đà Nẵng còn nhiều hạn chế đặc biệt là những lĩnh vực chuyên sâu.

Xây dựng trung tâm đột quỵ, tim mạch chuyên sâu đầu tiên tại miền Trung ảnh 1

TS.BS Trần Chí Cường phát biểu tại buổi lễ khởi công bệnh viện

Theo BS Trình, khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng thời gian qua đã quá tải. Người dân tại Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên nói chung khi chẳng may bị đột quỵ hoặc mắc các bệnh lý tim mạch đang phải di chuyển với quãng đường rất xa vào tận TPHCM, ra Hà Nội hoặc đi nước ngoài điều trị.

Từ thực tiễn trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương, quyết định cho phép Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Đà Nẵng đầu tư 1.500 tỷ đồng xây dựng trên diện tích gần 30.000m2 tại đường Trường Sơn, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Dự án có quy mô 300 đến 500 giường với diện tích sàn xây dựng lên tới 50.000m2. Dự kiến, cuối năm 2027 bệnh viện sẽ đi vào hoạt động.

TS.BS Trần Chí Cường khẳng định: “Tại S.I.S Đà Nẵng chúng tôi sẽ mang đến các giải pháp về chuyên môn, công nghệ, thiết bị hiện đại để giải quyết tất cả các vấn đề khó khăn. Bệnh viện S.I.S Đà Nẵng sẽ góp phần nâng cao chất lượng y tế cho khu vực, giúp người dân, du khách, các nhà đầu tư không phải ra nước ngoài nhưng vẫn được thụ hưởng dịch vụ y tế hàng đầu thế giới với giá cả thấp hơn nhiều so với các nước khác”.

Xây dựng trung tâm đột quỵ, tim mạch chuyên sâu đầu tiên tại miền Trung ảnh 2

Bệnh viện có quy mô 300 đến 500 giường dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố có vị trí quan trọng được định hướng phát triển y tế chuyên sâu trở thành hạt nhân khám chữa bệnh của cả nước, thu hút bệnh nhân quốc tế đến tham quan du lịch kết hợp khám chữa bệnh. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, lãnh đạo thành phố nhận thấy bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S tại Cần Thơ có trang bị hiện đại, chuyên môn cao, chính sách y tế nhân văn, không phân biệt giàu nghèo.

“Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Đà Nẵng được thành phố xúc tiến, mời gọi đầu tư từ năm 2022, hôm nay chính thức khởi công xây dựng. Khi vận hành bệnh viện sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tăng niềm tin trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng và các nhà đầu tư. Thành phố cam kết hỗ trợ tối đa để nhà đầu tư thực hiện và hoàn tất ý tưởng của mình. Tôi đề nghị các sở ban ngành tích cực tháo gỡ mọi khó khăn cho nhà đầu tư để bệnh viện sớm đi vào hoạt động” – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói.

Xây dựng trung tâm đột quỵ, tim mạch chuyên sâu đầu tiên tại miền Trung ảnh 3

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi lễ

Khi đi vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Đà Nẵng không chỉ là bệnh viện chuyên sâu về đột quỵ và tim mạch mà còn là trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ y khoa. Bệnh viện sẽ phát triển mạng lưới cấp cứu đột quỵ góp phần nâng cao năng lực y tế cho khu vực miền Trung, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Trước khi xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Đà Nẵng, tại khu vực các tỉnh miền Tây đã ra đời Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Sau 6 năm hoạt động, tại đây đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 1 triệu lượt bệnh nhân, hàng nghìn bệnh nhân đột quỵ được cứu sống. Thời gian vàng (6 giờ đầu có biểu hiện đột quỵ) trong tiếp cận điều trị đột quỵ của người dân trong khu vực tăng từ 5% lên 24%. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã 8 lần liên tiếp đạt chứng nhận Kim cương của Hội Đột quỵ Thế giới.

Đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên toàn cầu với hơn 14 triệu ca mới và 6,5 triệu ca tử vong mỗi năm. Đặc biệt, bệnh đang ngày càng trẻ hóa, ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 45 tuổi chiếm từ 10% đến 15% phần lớn do lối sống không lành mạnh. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam: Hơn 100.000 người tử vong mỗi năm liên quan đến thuốc lá

Việt Nam: Hơn 100.000 người tử vong mỗi năm liên quan đến thuốc lá

TPO - Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 103.000 ca tử vong liên quan đến thuốc lá – một con số không chỉ phản ánh hậu quả nghiêm trọng của việc hút thuốc mà còn cho thấy gánh nặng khổng lồ mà thuốc lá đặt lên hệ thống y tế, kinh tế và môi trường. Không chỉ là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý nguy hiểm, ngành công nghiệp thuốc lá còn góp phần tàn phá môi trường và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.
Ca mắc sởi nhập viện tăng 'chóng mặt': Ngành y tế quyết liệt ứng phó

Ca mắc sởi nhập viện tăng 'chóng mặt': Ngành y tế quyết liệt ứng phó

TPO - Bệnh sởi đang trở thành một vấn đề y tế nghiêm trọng khi số ca mắc liên tục gia tăng, đe dọa nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tiêm vắc xin mở rộng, tăng cường công tác sàng lọc, thu dung điều trị và điều phối nguồn lực ứng phó.
Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi: Nhiều thay đổi trong quyền lợi người tham gia

Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi: Nhiều thay đổi trong quyền lợi người tham gia

TPO - Từ ngày 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực, mở ra nhiều quyền lợi mới cho người tham gia. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, giảm thủ tục giấy tờ, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách BHYT.