Xây dựng đường ở Hưng Yên: Vì sao người dân chưa đồng thuận?

Xây dựng đường ở Hưng Yên: Vì sao người dân chưa đồng thuận?
TPO - Chủ trương làm đường nông thôn mới tại xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, khi triển khai dự án lại có nhiều khuất tất khiến người dân bất bình.

Cả thôn phản đối đường nông thôn mới

Gần chục ngày nay, thôn Thượng, xã Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) vốn là ngôi làng nhỏ yên bình bỗng dưng trở nên nhốn nháo. Con đường chính của thôn ngổn ngang gạch đá do công trình làm đường nông thôn mới đang tạm dừng thi công. Người dân bức xúc thường xuyên kéo đến UBND xã phản đối việc làm đường bê tông, làm đẹp cho bản làng. Thậm chí nhiều người còn đòi trả lại danh hiệu “Làng văn hóa”.

Có mặt trong ngôi nhà của ông trưởng thôn Khương Minh Thư cùng hơn chục người dân thôn Thượng, họ không giấu được sự bức xúc khi nhắc đến những khuất tất của chính quyền địa phương.

Ông Khương Minh Thư – Trưởng thôn Thượng cho biết, con đường trước cổng đi qua hàng chục hộ dân nhưng dân ở đây không ai biết gì về dự án. Ngày 16/2/2019, công nhân đến khởi công cả làng mới tá hỏa ra, họ kéo nhau đến gặp trưởng thôn hỏi han nhưng tôi cũng không biết gì để báo với người dân.

Xây dựng đường ở Hưng Yên: Vì sao người dân chưa đồng thuận? ảnh 1 Người dân bức xúc phản ánh với PV về con đường NTM qua thôn Thượng.

Công nhân cứ mang máy đến cuốc, chúng tôi kéo lên xã hỏi. Ông Chủ tịch chỉ trả lời, được nâng cấp đường không mất tiền là tốt rồi. “Tôi yêu cầu phải có bản thiết kế, nhưng mãi rồi cũng không có nên cũng không biết trả lời dân thế nào”, ông Thư nói.

Ông Trần Văn Bích (thôn Thượng) trực tiếp dẫn nhóm PV đến công trình dang dở. Cốt đường mới bắn xong lại bị chính đội thợ phá đi để xây lại. “Chúng tôi có lý do để nghi ngờ có sự khuất tất ở đây. Tại sao một dự án Nông thôn mới, dùng tiền ngân sách lại không cho người dân giám sát?”, ông Bích bức xúc. Ông Bích nói thêm: “Tôi là Đảng viên gương mẫu, đã có hơn 40 năm tuổi Đảng, tôi sẵn sàng theo mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhưng phải công khai để dân giám sát. Ở đây người dân không đồng ý nên phát sinh cãi vã, mâu thuẫn với thợ. Khiến cho con đường không thể tiếp tục làm”.

Anh Cường (thôn Thượng) gay gắt: Đường Nông thôn mới có làm rãnh thoát nước chạy qua nhà, tôi và nhiều hộ dân cũng đồng ý hiến ngay đất để làm rãnh mong sao đường làng rộng rãi, khang trang. Nhưng vấn đề là có quá nhiều khuất tất bên trong dự án, người dân chưa từng được nhìn thấy bản thiết kế. Hỏi Chủ tịch xã, ông này chỉ nói mồm đường thế này thế kia, chưa ai nhìn thấy thiết kế như thế nào.

Xây dựng đường ở Hưng Yên: Vì sao người dân chưa đồng thuận? ảnh 2

Họ lấy thước đo chi tiết từng đoạn đường, thấy sự khác biệt độ cao cốt nền ở mỗi đoạn. Tuy nhiên, không ai biết hồ sơ thiết kế đường như thế nào để giám sát

Tiền của xã không cần dân giám sát?

Trao đổi với PV, ông Khương Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc cho biết, dự án người dân phản ánh là dự án làm đường giao thông nông thôn. Đây chỉ là cải tạo nâng cấp chứ không phải làm mới. Xã đã họp và triển khai các bước đầy đủ.

Theo ông Sinh, công trình này “không phải phát sinh gì mà phải xin ý kiến nhân dân phải làm gì, phải làm sao”, cứ theo đúng thiết kế mà làm. “Chỉ thông báo cho dân biết thôi vì tiền này là tiền của xã chứ không phải tiền của dân nên thông báo cho dân biết cách thức tổ chức để nhân dân nắm được tiền này là tiền đầu tư của ngân sách do vậy làm theo dự toán thiết kế”, ông Sinh khẳng định. Được biết, khoản tiền này xã có được do bán đấu thầu đất tại địa phương.

Về việc đường đã làm cốt đường rồi lại phá đi làm lại, ông Sinh xác nhận có việc này. Lãnh đạo xã giải thích: Do đường ban đầu thiết kế độ dầy 16 phân sau đó nâng lên 18 phân nên phá đi làm lại.

Để làm rõ hơn những vấn đề trong công trình xây dựng NTM tại xã Vĩnh Khúc, PV tiếp tục liên hệ với UBND huyện Văn Giang đề nghị cung cấp hồ sơ các gói thầu liên quan. UBND huyện giao UBND xã Vĩnh Khúc cung cấp thông tin, hồ sơ cho báo chí.

Tuy nhiên, đến khi làm việc lần thứ 2 với Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc, ông này vẫn khẳng định: “Dự toán thiết kế chỉ có thể báo cáo bằng miệng thôi chứ không thể cung cấp hồ sơ. Tuyến đường vẫn đang thi công chứ chưa thi công xong”.

Về đơn vị thiết kế, thi công… đã được chỉ định thầu, ông Sinh không cung cấp được bất cứ văn bản gì liên quan. Thậm chí, khi được hỏi về các đơn vị này, ông này cũng không nhớ ra doanh nghiệp nào đã được chỉ định thầu.

Được biết, dự án làm đường nông thôn mới ở thôn Thượng được chia làm 2 gói thầu, mỗi gói hơn 1 tỷ đồng. Theo hình thức chỉ định thầu

MỚI - NÓNG