Xây ĐH Quốc gia Hà Nội thành trung tâm khu đô thị ĐH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra thực tế xây dựng ĐHQGHN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra thực tế xây dựng ĐHQGHN.
TP - Sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác có chuyến thăm và làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội.

Kiến nghị tháo gỡ 7 vướng mắc

Báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng,  ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), cho biết, trong năm học 2016-2017, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có 560 bài báo đăng trên các tạp chí IST, 12  phát minh sáng chế.  Ông Nguyễn Kim Sơn báo cáo với Thủ tướng về dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, đã được triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay chưa xong. Ông Sơn nêu 7 kiến nghị xin Thủ tướng chỉ đạo chuyển giao Dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN;  Chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư; Hà Nội xem xét xây dựng một số công trình công cộng tại Hòa Lạc, làm thủ tục giao quyền sử dụng đất tại diện tích đã giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo ĐHQGHN cũng kiến nghị được quyền điều chỉnh các quy hoạch thành phần cho phù hợp với yêu cầu mới; Bố trí vốn giải phóng mặt bằng và tái định cư với số vốn cần có khoảng 1.200 tỷ đồng; Phê duyệt chủ trương vay vốn ODA của WB theo cơ chế cấp phát để xây dựng một số công trình có tính trọng điểm, cấp bách: Phê duyệt dự án ODA từ Nhật Bản để xây dựng dự án ĐH Việt Nhật tại Hòa Lạc;

Giám đốc ĐHQGHN cũng kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế đặc biệt cho dự án như chính sách đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Quyết tâm xây dựng khu đô thị ĐH

Trước kiến nghị của lãnh đạo ĐHQGHN và nghe ý kiến của các thành viên đoàn công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã  đồng ý quy hoạch lại khu đô thị đại học ĐHQGHN, trong đó tập trung vốn của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng.

Đối với kiến nghị về dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, Thủ tướng đồng ý cho chuyển giao ban quản lý dự án từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN, đồng thời ủy quyền quyết định đầu tư cho ĐHQGHN. Đây là việc cần thiết bởi “sản phẩm cuối cùng sử dụng là ĐHQGHN”.

Trước kiến nghị về chỉ đạo các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội phối hợp trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư, đề nghị Hà Nội xem xét xây dựng một số công trình công cộng tại Hòa Lạc, UBND TP Hà Nội làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho ĐHQGHN… Thủ tướng giao TP Hà Nội chỉ đạo huyện Thạch Thất tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án, công trình triển khai; chống lấn chiếm, xây dựng trái phép. Từ bài học dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc chậm trễ 10 năm do giải phóng mặt bằng, Thủ tướng cho rằng, cần rút kinh nghiệm đối với dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Thủ tướng đồng ý sẽ có cơ chế riêng cho việc tái định cư đối với dự án; cho phép ĐHQGHN điều chỉnh các quy hoạch và dự án thành phần chi tiết 1/500 phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, tương tự như trường hợp ĐHQG TPHCM.

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của ĐHQGHN về tăng cường ngân sách giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng các công trình thiết yếu bởi “nếu không có mặt bằng tốt thì không thể có khu đô thị đại học, không thể kêu gọi đầu tư, huy động vốn xã hội hóa”.

Về kiến nghị phê duyệt chủ trương vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, cấp bách cho ĐHQGHN tại Hòa Lạc, Thủ tướng đồng ý, giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, ĐHQGHN thống nhất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Với kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế đặc biệt cho xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc tương tự như các chính sách đã có cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng cho biết, đã có các quy định pháp luật về xây dựng các dự án và ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 74 quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Với tinh thần ủng hộ, Thủ tướng giao ĐHQGHN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

MỚI - NÓNG
Vì sao chưa áp Tết đã hết vé tàu?
Vì sao chưa áp Tết đã hết vé tàu?
TPO - Mặc dù chưa áp Tết nhưng nhiều chuyến tàu đi các ngày từ 22/1 (23 tháng Chạp) đến 26/1/2025 (27 tháng Chạp) đã hết vé chiều từ Nam ra Bắc, giá vé tàu năm nay cũng tăng cao so với năm ngoái do có sự thay đổi khác biệt về ghế ngồi.