Xà phòng tiệt trùng chưa hẳn đã tốt

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Gần đây, cơ quan Quản lý Thực - Dược phẩm (FDA) Mỹ đã đề nghị loại bỏ 19 thành phần hóa chất, trong đó có triclosan, ra khỏi các loại xà phòng tiệt trùng và cấm dùng các hóa chất theo một lộ trình bắt đầu từ tháng 9/2016.

Triclosan là gì?

Triclosan là chất sát khuẩn (tiệt trùng) được dùng làm chất phụ gia của khá nhiều sản phẩm dùng cho gia đình như xà phòng (xà bông), kem đánh răng, nước súc miệng, nước rửa tay, nước rửa chén, một số mỹ phẩm… Cách đây nhiều năm, người ta đã đặt vấn đề về sự an toàn của triclosan.

Trước hết, ta nên biết triclosan là chất sát khuẩn đã được dùng khá lâu, từ năm 1972, được gọi là chất sát khuẩn vì triclosan có tác dụng diệt khuẩn và diệt vi nấm. Đây là hợp chất hữu cơ với công thức khá đơn giản là 5-cloro-2-(2,4-diclorophenoxy) phenol. Nhờ chứa clor và phenol mà  triclosan có tính sát khuẩn. Nó diệt được vi khuẩn nhờ kết hợp và làm bất hoạt enzym ENR là enzym mà vi khuẩn rất cần để tổng hợp axít béo tạo vỏ bọc bao quanh con vi khuẩn. Con người không có enzym ENR nên triclosan dùng ngoài (tức không uống) sẽ không ảnh hưởng tế bào cơ thể người. Do sự phát triển của vi khuẩn mà một số nơi trong cơ thể có nguy cơ nhiễm khuẩn và sinh mùi hôi (như hôi nách chẳng hạn), cho nên triclosan với tác dụng diệt khuẩn đã được dùng như là một thành phần trong các sản phẩm gia dụng như: xà bông (hàm lượng triclosan từ 0,1 - 1%), kem đánh răng, nước súc miệng, kem cạo râu, nước rửa tay, chất khử mùi (deodorants) hoặc làm chất tẩy uế dùng cho nhân viên y tế rửa tay trong phòng mổ.

Cách đây vài năm, người ta nghi ngờ sử dụng các sản phẩm chứa triclosan có thể gặp nguy hại vì bản chất  hóa học của nó. Triclosan bị nghi ngờ có thể kết hợp với clor chứa trong nước máy (nước máy sử dụng trong các thành phố đều được khử trùng với clor) để tạo hợp chất cloroform là chất theo cơ quan EPA Mỹ (US Enviromental Protection Agency) có nguy cơ sinh ung thư. Lại có nguồn tin cho rằng triclosan có thể kết hợp với clor có trong nước máy để tạo thành 2,4-diclorophenol, và chất sau này khi gặp tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời biến thành chất độc dioxin. Tuy nhiên, nguy cơ sinh ra dioxin là rất thấp, gần như không đáng kể.

Những vấn đề đáng lo ngại

Đã nổi lên hai vấn đề đối với triclosan. Một là triclosan có thể gây nguy cơ vi khuẩn đề kháng (bacterial resistance) và thứ hai là triclosan có thể trở thành “chất phá vỡ nội tiết” (endocrine disruptor). Chất thường gây hiện tượng vi khuẩn đề kháng chính là thuốc kháng sinh (KS). Dùng KS không đúng sẽ gây đề kháng, tức là KS đã dùng không còn hiệu quả tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển vi khuẩn. Còn các chất sát khuẩn là hóa chất thì rất hiếm gây hiện tượng đề kháng. Thế mà có một số nghiên cứu cho rằng lạm dụng triclosan có thể làm một số chủng vi khuẩn đề kháng chéo(có lẽ do cơ chế diệt khuẩn của tritosan giống như KS), tức là làm cho vi khuẩn tiếp xúc triclosan sẽ có thể đề kháng một số KS.

Vấn đề thứ hai đang làm cho người ta lo ngại là từ một số nghiên cứu trên súc vật, có thể nghi ngờ triclosan là “chất phá vỡ nội tiết”. Phá vỡ nội tiết ở đây có nghĩa triclosan có thể cho tác dụng ảnh hưởng đến sự điều hòa chức năng một số hormon trong cơ thể. Vào năm 2006, đã có một nghiên cứu cho thấy triclosan dùng ở liều thấp có thể ảnh hưởng đến hoóc-môn tuyến giáp và nghiên cứu này thực hiện trên một loài ếch ở Bắc Mỹ. Nghiên cứu này dẫn đến giả thuyết cho rằng triclosan ức chế tác dụng hoóc-môn tuyến giáp bằng cách gắn vào các thụ thể làm cho hoóc-môn tuyến giáp không có chỗ gắn vào để phát huy tác dụng. Một nghiên cứu  khác thực hiện vào năm 2009 ghi nhận triclosan có thể làm thay đổi nồng độ hoóc-môn tuyến giáp trong máu và nghiên cứu này được tiến hành trên chuột thí nghiệm. Một nghiên cứu thử trên súc vật thí nghiệm khác bước đầu cho thấy triclosan  có thể tác động đến hai hoóc-môn sinh dục là estrogen (hoóc-môn nữ do buồng trứng tiết ra) và testosteron (hoóc-môn sinh dục nam do tinh hoàn tiết ra). Hai vấn đề nêu trên đã làm cho FDA quan tâm và đặt vấn đề cần xem xét kỹ độ an toàn của triclosan. Trong thông báo nêu vào ngày 8 tháng 4 năm 2010, FDA Mỹ cho thấy có một số nghiên cứu cho thấy có khả năng triclosan góp phần gây sự đề kháng chéo tức làm cho vi khuẩn tiếp xúc triclosan sẽ có thể đề kháng một số KS, nhưng đòi hỏi cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa. Về khả năng “phá vỡ nội tiết” của triclosan, FDA cho rằng đây là kết quả trên súc vật và sự suy diễn từ súc vật sang cho người có thể khác, vì vậy cũng cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để có sự khẳng định. Ta cần biết, y học hiện nay bắt buộc dựa trên chứng cứ, nếu chưa đủ chứng cứ xuất phát từ các nghiên cứu, đặc biệt nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đạt tiêu chuẩn, thì không thể xác định một chất nào đó có tác dụng điều trị hiệu quả hay do có độc tính cần phải loại bỏ. Và FDA Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất xà phòng phải cung cấp dữ liệu nghiên cứu lâm sàng chứng minh các sản phẩm chứa hóa chất tiệt trùng, trong đó có triclosan, an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên, cho tới nay, không có nhà sản xuất  nào cung cấp các bằng chứng theo yêu cầu. FDA trong một thông báo báo chí, đã phát biểu: “Không có bằng chứng nào cho thấy xà phòng tiệt trùng tốt hơn xà phòng thông thường… Thực tế, một số dữ liệu gợi ý rằng các hóa chất tiệt trùng có thể gây hại nếu dùng dài lâu”. FDA đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có liên quan có thời gian là một năm thay thế thành phần bị cấm trong sản phẩm, tính từ tháng 9/2016.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

(Đại học Y Dược TP.HCM)

Theo Theo SKĐS
MỚI - NÓNG