Từ thương vụ AVG: Khi nào miễn tố người đưa hối lộ?

Số tiền đưa và nhận hối lộ trong quá trình Mobifone mua AVG được cho là lớn nhất từ trước tới nay. Từ trái qua phải: Hai cựu bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn Ảnh: pV
Số tiền đưa và nhận hối lộ trong quá trình Mobifone mua AVG được cho là lớn nhất từ trước tới nay. Từ trái qua phải: Hai cựu bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn Ảnh: pV
TP - Ngay sau khi có thông tin cơ quan điều tra kiến nghị áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” với ông Phạm Nhật Vũ - người đưa hối lộ hơn 6 triệu USD trong vụ Mobiphone mua AVG nhưng thành khẩn khai báo, dư luận quan tâm  đường lối xử lý nói chung với người đưa hối lộ hiện nay nhằm khuyến khích họ đưa vụ việc ra ánh sáng, góp phần phòng chống tham nhũng có hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Phân loại người hối lộ để có hướng xử lý

Từ thương vụ AVG: Khi nào miễn tố người đưa hối lộ? ảnh 1
Dường như chúng ta chưa có cơ chế khuyến khích người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thưa ông?

Thực ra đã có quy định rồi, nếu người đưa hối lộ chưa bị phát hiện mà tự giác khai báo và cung cấp chứng cứ thì việc miễn giảm trách nhiệm sẽ rất cao. Còn người đã hối lộ, nay bị phát hiện nhưng tích cực khai báo, cũng được xem xét miễn giảm. Vấn đề ở đây là quá trình thực hiện quy định đó. Ví dụ nếu như không khai báo, tôi sống bình thường, nhưng tôi khai báo, xong tôi lại bị khởi tố. Như vậy người ta sẽ không khai báo, trừ trường hợp bị phát hiện, bị khởi tố và bắt buộc phải khai báo. Qua điều tra trinh sát, thấy có dấu hiệu, cơ quan chức năng phải có cách làm để động viên người ta khai báo ra và tôi cho rằng việc xem xét miễn trách nhiệm hình sự, tức là miễn tố (đối với người đưa hối lộ- PV)  đôi khi phải làm mạnh hơn.

-Thưa ông luật  quy định “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đưa hối lộ”. Việc miễn trách nhiệm hình sự này được áp dụng tùy nghi như thế, chưa hẳn đã khuyến khích việc khai báo, có khi dẫn tới lo ngại về một nguy cơ tiêu cực khác, hiểu như thế có đúng không thưa ông?

Đúng là quy định này có nhược điểm và nhược điểm này còn tồn tại nhiều trong pháp luật Việt Nam. Luật không nên quy định “có thể”, anh cần phải định luôn chẳng hạn như người chủ động khai báo trước khi bị phát giác đáp ứng một số tiêu chí cụ thể nào đó thì không bị khởi tố. Ví dụ anh bị ép buộc, hoặc nếu không hối lộ thì anh sẽ bị thiệt hại nên phải hối lộ, trong trường hợp  đó,  anh chủ động khai báo ngay hành vi của mình thì quy định luôn là anh được miễn tố.

Còn trường hợp anh là người vi phạm pháp luật, anh đưa hối lộ để được che giấu hành vi vi phạm đó , thì việc này hoàn toàn khác trường hợp kia, tức là người kia là nạn nhân còn anh thì không. Còn có trường hợp những người dùng hình thức hối lộ  để cố tình mua chuộc cán bộ, thậm chí là dùng những thủ đoạn để gài bẫy  cán bộ, đưa họ vào tình trạng nhận hối lộ để sau đó đạt được những mục đích này kia.

Cho nên tôi đề nghị, đối với những người hối lộ mà thành khẩn khai báo thì nên phân loại ra, đề ra những tiêu chí cụ thể và nếu đạt được những tiêu chí đó thì miễn trách nhiệm hình sự. Ngược lại đối với người nhận hối lộ cũng nên có chính sách đó, đã lỡ nhận hối lộ rồi nhưng chưa bị phát giác mà anh hoàn trả thì được giảm nhẹ trách nhiệm, có thể  xử những tội rất nhẹ  như cảnh cáo bằng bản án hình sự chẳng hạn. Nhưng phải có tiêu chí rõ ràng chứ không nên quy  định “có thể thế này, hoặc có thể thế kia”. Chính quy định tùy tiện này làm cho người ta sợ và không khuyến khích người vi phạm phục thiện khai báo .

-Một số vụ án gần đây chỉ truy tố được người đưa hối lộ ( vụ xe vua ở Đồng Nai, lô gô xe vua ở Bắc Ninh...) tức là chỉ xử lý hình sự người khai ra mà không truy cứu hình sự được ai là người nhân hối lộ. Điều này khiến có dị nghị nhất định trong dư luận, thưa ông?

+ Nếu có việc người đưa hối lộ chủ động khai báo mà không điều tra ra được người nhận hối lộ thì có thể có mấy lý do: Thứ nhất là công tác tổ chức  điều tra yếu kém, hoặc thứ hai là có sự nể nang bao che gì đó nên anh không làm tới cùng. Với cả hai lý do này thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đều chưa đạt yêu cầu, vì có người đưa hối lộ mà lại không có người nhận hối lộ. Ở đây “tôi loại trừ  trường hợp người đưa hối lộ khai báo không đúng. Khi đã thất bại trong điều tra như vậy thì nó cũng tác động tới những người khai báo và họ nhận thấy là tôi đã thành thật khai báo như thế nhưng cuối cùng mình tôi lãnh tội, còn những kẻ nhận hối lộ của tôi không bị xử lý”, rõ ràng phản tác dụng. 

-Có ý kiến  đề nghị bỏ hẳn tội đưa hối lộ, hoặc quy định người đưa hối lộ chỉ cần chủ động khai báo là được miễn trách nhiệm hình sự, không  nên coi hành vi đưa hối lộ là việc làm thúc đẩy hành vi phạm tội của người nhận hối lộ để xử lý người đưa hối lộ như hiện nay , thưa ông?

 Tôi không đồng ý quan điểm đó, tôi đề nghị là phải chia người đưa hối lộ làm mấy loại để xử lý. Có những người đưa hối lộ nhưng họ là nạn nhân. Có trường hợp vì họ muốn đạt được lợi ích trái pháp luật hoặc muốn che giấu tội phạm nên họ đưa hối lộ. Khi họ không phải là nạn nhân thì phải bị xử lý nghiêm chứ! 

Xin cám ơn ông!

Đây là thời điểm nên bỏ tội đưa hối lộ

Muốn chống tham nhũng triệt để nhất hiện nay, theo tôi phải làm cho cán bộ công chức có ý định tham nhũng sợ hãi. Đó chính là bỏ hẳn tội đưa hối lộ. Vì nếu không coi người đưa hối lộ là tội phạm thì người ta mới dám nói ra sự thật, dám đưa sự thật ra ánh sáng; điều này đồng thời sẽ kiềm chế rất mạnh người có ý định nhận hối lộ. 
Nếu lập luận vì người đưa hối lộ đã làm hỏng cán bộ nên phải nghiêm trị, thì xin thưa nếu anh không có ý thức hư hỏng, không ai có thể mua chuộc được. Mặc dù hành vi đưa hối lộ không phải không nguy hiểm cho xã hội  nhưng khi bỏ tội này sẽ triệt thoái được toàn bộ câu chuyện liên quan tham nhũng ở đây.

Từ thương vụ AVG: Khi nào miễn tố người đưa hối lộ? ảnh 2 PGS, TS Luật học Ngô Huy Cương (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)


Không ai muốn đưa hối lộ cả nhưng vì sức ép, sự gây khó dễ nào đó buộc người dân phải đưa . Nếu người làm ăn thiếu chính đáng và muốn đưa hối lộ để đạt được mục đích thì người cán bộ công chức phải nhận ra, đồng thời có giải pháp phòng ngừa chứ không thể để phải giải quyết hậu quả như bây giờ. Đây là thời điểm nên bỏ tội danh này và có thể xử lý hành vi đưa hối lộ theo cách khác, ví dụ đưa hối lộ để nhận một lợi ích nào đấy trong công việc làm ăn cạnh tranh không lành mạnh thì bị xử lý bằng một chế tài khác. Cái này, nếu cần thiết thì nên có nghiên cứu rõ ràng. 
Giải pháp trước mắt là thực hiện một chính sách khoan hồng tối đa, đặc biệt với người đưa hối lộ nếu họ ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả.  Phải tạo cơ hội cho người làm ăn bất chính một lối mở trở về lương thiện, đó là tính nhân văn của xã hội chúng ta. 

Quy định hiện nay hạn chế việc tố giác tội phạm
Việc nhận thức và áp dụng chế tài tùy nghi “có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. đối với người  “tuy không bị ép buộc” đưa hối lộ trong Bộ Luật hình sự có sự bất cập và không thống nhất: Trong vụ án này người đưa hối lộ được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng trong vụ án khác người đưa hối lộ vẫn bị xử phạt. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do chưa có sự hướng dẫn thống nhất của cơ quan có thẩm quyền.

Từ thương vụ AVG: Khi nào miễn tố người đưa hối lộ? ảnh 3 Đại tá, TS Nguyễn Đức Mai, nguyên Chánh tòa phúc thẩm, Tòa án Quân sự Trung ương 

Hành vi tố giác về việc nhận hối lộ là hành vi tích cực của công dân thể hiện ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống sự vòi vĩnh, sách nhiễu của cán bộ, công chức, góp phần ngăn chặn những hành vi xâm hại đến uy tín của cơ quan nhà nước, bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, chế tài tùy nghi trong xử lý người đưa hối lộ ở trường hợp  như vừa nêu phân định ranh giới rất mong manh giữa phạm tội và không phạm tội đã hạn chế  tính tích cực, chủ động của người đưa hối lộ trong việc tố giác người nhận hối lộ, nhũng nhiễu và làm sai lệch công vụ..., bởi lẽ không có gì bảo đảm cho họ không bị xử lý hình sự. Ngân Hà

MỚI - NÓNG