Tặng gạo thời 4.0
12h trưa, cây “ATM gạo” trên đường Vườn Lài (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TPHCM) vẫn nhộn nhịp người dân từ khắp mọi nơi xếp hàng chờ nhận gạo. Từng người đứng vào vị trí được đánh dấu, cầm sẵn chiếc bịch nhựa trên tay, đến lượt chỉ cần ấn vào chiếc chuông, dòng gạo trắng ngần chạy rào rào vào bịch, đúng 1,5 kg/người.
Bà Lâm Thị Xuân (62 tuổi, bán vé số) cười bằng mắt sáng qua lớp khẩu trang vải đã ngả màu: “Cả tuần nay, ngày nào tôi cũng đến đây xin gạo về nấu ăn. Từ lúc vé số ngừng phát hành, tôi không có thu nhập nào khác do lớn tuổi, không ai thuê mướn trong những ngày dịch bệnh này. Số tiền dành dụm được đều dành trả tiền nhà trọ, điện, nước… Nhờ cây ATM gạo này, tôi không còn sợ đói trong những ngày khó khăn này nữa”.
“Cha đẻ” của cây “ATM gạo” là Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi) - CEO Công ty PHGLock chuyên về khóa thông minh, khóa điện tử. Tuấn Anh tâm sự, lúc đầu anh định mua mấy tấn gạo, đóng túi 2kg để tặng người nghèo. Nhưng theo dõi thấy những điểm phát quà từ thiện khác trở thành nơi tập trung đông người, xảy ra lộn xộn, phức tạp. Anh suy nghĩ đến chiếc máy có thể “tắt - mở” gạo tự động mà vẫn đảm bảo khoảng cách 2 mét/người theo quy định.
Sau một ngày làm việc, cây “ATM gạo” đầu tiên được thiết kế bằng các vật liệu có sẵn đã ra đời. Máy được điều khiển bằng phần mềm thông minh với nút bấm kết nối đến van tự động và thùng chứa gạo. Máy có thể nhận diện được người đến lấy gạo, đảm bảo mỗi người chỉ được đến lấy gạo 1 lần trong ngày. “Ngày đầu tôi phát 500kg gạo, đến ngày thứ 2 số lượng đã tăng lên 3 tấn, hiện tại đã tăng lên 5 tấn, phục vụ 4.000 người. Đang lo lắng vì mình chỉ có vài chục tấn, sợ không duy trì việc tặng gạo được lâu dài. Không ngờ, tối đó, nhiều mạnh thường quân đến góp gạo, có người vài chục ký, người vài trăm, cũng có người góp cả tấn. Đến nay kho gạo đã hơn 200 tấn, không còn chỗ để nhận thêm” - Tuấn Anh chia sẻ.
Đặc biệt, cây “ATM gạo” mở 24/24, lý do Tuấn Anh đưa ra là “không muốn ai đến mà phải về tay không”.
Gạo yêu thương đi xa
“Chuyến xe chia sẻ” mang gạo nghĩa tình của Bệnh viện JW Hàn Quốc ngày 16/4 cũng đã khởi hành. “10 tấn gạo đài thơm sẽ được chia thành 1.000 bao gạo và trao tận tay những người lao động nghèo, công nhân đang thất nghiệp tại các khu công nghiệp, các cô chú bán vé số, ve chai, những người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật trên địa bàn TPHCM và các khu vực lân cận. Món quà tuy không lớn nhưng nếu đến đúng lúc, đúng người cần sẽ giúp người dân thấy ấm lòng trong lúc khó khăn”- TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc tâm sự.
BS Tú Dung xuất thân trong gia đình không mấy khá giả ở Đà Nẵng, suốt thời gian học đại học, chàng sinh viên y khoa khi ấy ngày ngày đi dạy thêm để kiếm tiền chi trả học phí, đỡ gánh nặng mẹ cha. Anh chia sẻ: “Tôi cũng đã trải qua những ngày gian khó nên khi có điều kiện, tôi muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Trong dịch bệnh COVID-19, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn; nhưng thấy vẫn
còn may mắn hơn rất nhiều người”.
Ôm bịch gạo trên tay, bà Đinh Thị Mùi (gần 70 tuổi, ngụ P. Bến Thành, Q.1, TPHCM) nghẹn ngào: “Dịch bệnh khiến cả nhà thất nghiệp, cả gia đình 5 người sống lay lắt bữa đói bữa no. Nay được nhận gạo, tui mừng lắm, vài ngày tới được chắc dạ rồi”.
Cũng trong ngày 16/4, tại địa chỉ 144/5 Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh, TPHCM), Công ty Việt Tuyến và TiTiOne để sẵn 600 phần quà gồm gạo, mì gói, nước rửa tay cho những ai khó khăn. “Ai cần thì đến lấy - Ai ổn thì hãy chia sẻ thông tin này đến những người khác cần hơn” - đại diện nhà tài trợ cho biết.
Tại Hà Nội, cây “ATM gạo” sử dụng công nghệ nhận diện mặt người lần đầu tiên cũng xuất hiện ở 207 Giải Phóng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng). “ATM gạo” này nằm trong chương trình giúp người nghèo vượt dịch COVID-19 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ông Nguyễn Hữu Đồng - Chủ tịch Công đoàn ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, hệ thống do cán bộ công nghệ thông tin của trường tự thiết kế. Hệ thống sẽ ghi lại hình ảnh khuôn mặt, giọng nói và thông tin cá nhân để đảm bảo nguyên tắc mỗi người chỉ đến nhận gạo 1 lần/tuần. Nếu người nhận lần thứ hai hệ thống sẽ cảnh báo, qua đó tránh phát tràn lan, thay thế ghi chép.
Chương trình diễn ra 14 ngày liên tiếp, với quỹ gạo 15 tấn. Trong ngày đầu tiên (16/4) nhiều người dân đã đến xếp hàng đảm bảo khoảng cách 2m và đeo khẩu trang, sát trùng tay, đo thân nhiệt đợi đến lượt nhận gạo hỗ trợ. Với sự hướng dẫn của tình nguyện viên, người dân nhanh chóng làm quen với các thao tác để hệ thống ghi nhận thông tin, hình ảnh.
XUÂN TÙNG