Trao đổi với Tiền Phong, ông Thiều Quang Thanh, phó chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Vị trị ngôi mộ được phát hiện trong vườn nhà của bà Nguyễn Thị Quy. Hiện ngôi nhà này đang bỏ không, không có người ở. Theo khai báo của các thành viên ngôi nhà trên thì nhiều năm về trước, khi gia đình họ xây nhà đã đào phải quách này, nhưng không khai báo với chính quyền địa phương mà tiếp tục xây dựng móng nhà ngay sát vị trí phát hiện quách. Gần đây, gia đình trên mới đến khai báo với chính quyền địa phương. Qua quan sát bên ngoài, vị trí quách nằm cách mặt đất chừng 30 cm, có chiều rộng 1,2 mét, chiều dài 2 mét, phía trên đổ lớp bê tông kiểu xưa.
Hiện nay, tại vị trí quách này, người dân địa phương đã lập một bát hương. Vào các ngày lễ, ngày đầu tháng và ngày rằm, người dân đến thắp hương. Mong muốn của nhân dân địa phương là cơ quan chức năng khai quật, xác định chính xác quách mộ trên. Vị trí phát hiện mộ trên cách quần thể voi, ngựa, tượng đá, lăng thờ Trịnh Sâm (thuộc thôn 6,7, xã Yên Phú) khoảng hơn 1 km.
Được biết, theo ghi chép, Đặng Thị Huệ (không rõ năm sinh năm mất), thường được gọi là Đặng Tuyên Phi. Bà là một cung tần của chúa Trịnh Sâm và là mẹ của vị chúa tiếp theo Trịnh Cán. Trong hậu phủ chúa Trịnh, bà được đánh giá là một giai nhân bậc nhất của phủ chúa và cũng được chúa Trịnh Sâm sủng ái. Cuộc đời bà trở thành đề tài của nhiều giai thoại, chủ yếu nói về nhan sắc tuyệt đẹp của bà đã làm ảnh hưởng đến chúa Trịnh Sâm, một trong những chúa Trịnh đáng chú ý nhất vào thời kỳ cuối của nhà Trịnh.
Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán được nối ngôi chúa, hiệu là Điện Đô Vương. Tuyên Phi trở thành Vương Thái phi. Vào giai đoạn cuối đời, sau một thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuộc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) 1 dặm.